Cần một chiến dịch “dọn rác” âm nhạc

Cần một chiến dịch “dọn rác” âm nhạc

Thứ 5, 27/12/2012 23:58

Khán giả Việt còn chưa kịp mãn nhãn với những cảnh quay đẹp và câu chuyện tình lãng mạn từ clip "Người ở lại" của ca sỹ Cao Thái Sơn thì đã bất ngờ trước việc ca sỹ này bị báo chí và người hâm mộ xứ Kim Chi phẫn nộ vì "mượn" ý tưởng clip của ca sỹ nổi tiếng Hàn Quốc Se7en.

So sánh hai clip, người xem sẽ thấy từ dáng ngồi khóc, cách làm bánh kem tặng người yêu đến cách ôm đống đồ khi mua từ siêu thị về...đều giống nhau. Phải để ý thật kỹ mới nhận ra sự sáng tạo trong clip của ca sỹ Cao Thái Sơn. Được biết, không chỉ có Cao Thái Sơn mà còn khá nhiều ca sỹ bê nguyên ý tưởng từ các clip của ca sỹ nước ngoài về rồi chỉ thay nhân vật chính bằng bản thân mình.

Xã hội - Cần một chiến dịch “dọn rác” âm nhạc

Ca sỹ Cao Thái Sơn với hình ảnh trong video clip

Báo Hàn Quốc tố ca sỹ Việt

Tờ Soompi của nước này cho rằng ca sỹ Cao Thái Sơn đã đạo một cách thô lỗ clip Back To Me Part 2 (Trở về với anh - phần 2) nằm trong album 24/7 của nam ca sĩ Se7en phát hành từ năm 2006. Trên tờ Soompi của Hàn Quốc còn đưa ra những bằng chứng khá chi tiết về sự "ngẫu nhiên" giống nhau đến lạ của ca sỹ Cao Thái Sơn với ca sỹ Se7en một người khá nổi tiếng ở xứ sở này. Ca sỹ Cao Thái Sơn cũng nhớ về bạn gái của mình và rồi cũng vẽ tranh, đi mua đồ về làm bánh tặng nàng...

Từ cách cầm chì tô tranh, những cử chỉ của ngón tay khi làm bánh, tâm trạng khấp khởi mừng vui khi đến tặng nàng, đến cảnh nàng đang nằm trên giường và với tay lấy điện thoại... trong video của Cao Thái Sơn đều không khác chút nào so với video của ca sỹ xứ Hàn. Nhiều người yêu âm nhạc ở xứ sở này tỏ vẻ giận giữ, họ cho rằng "thật không công bằng nếu những nghệ sỹ ăn trộm ý tưởng mà vẫn không bị phạt".

Đây không phải là lần đầu tiên Cao Thái Sơn bị "dính líu" đến những phiền phức kiểu này. Năm 2009, anh đã từng bị cáo buộc đạo nhạc bài "Mùa thu vắng em": trong album "Con đường mưa" từ ca khúc "Marionette" của ca sĩ Ayumi Hamasaki người Nhật Bản. Và gần đây, dư luận lại đang xì xào vì thấy ca khúc "Yêu lặng lẽ” có nhạc rưa rứa với ca khúc "Judas" của Lady Gaga trong khi phong cách clip, vũ đạo, kể cả cách tạo dáng lại giống trong clip "I'm into you" của ca sỹ J.Lo Jennifer Lopez.

Đạo nhạc, đạo lời, đạo ý tưởng không còn là chuyện "xưa nay hiếm" nữa mà trở thành chuyện thường nhật. Nhiều người vẫn còn chưa quên video "Chuyện đó ai đâu ngờ” của ưng Hoàng Phúc cũng bị cáo buộc đã đạo đến 90% video clip của nam ca sỹ Burhan G người Đan Mạch.

"Đạo" hay trùng lặp ý tưởng?

Trước thông tin Cao Thái Sơn đạo ý tưởng của ca sỹ Se7en người Hàn Quốc, trước những phản ứng khá gay gắt từ phía dư luận Hàn Quốc và trong nước, Cao Thái Sơn cho rằng đó là một sai lầm nhỏ. Thực hiện video này gồm nhiều bộ phận vì thế mọi người không nên chỉ đổ dồn vào nghệ sỹ. Còn ông Ricky Dũng, người đại diện của ca sỹ Cao Thái Sơn khẳng định video này đã học hỏi những cái hay cái đẹp chứ không phải là cố ý ăn cắp như mọi người nói. Và nếu xem lại bằng con mắt bao dung thì mọi người sẽ nhận thấy giữa hai video âm nhạc có sự khác biệt.

Xã hội - Cần một chiến dịch “dọn rác” âm nhạc (Hình 2).

So sánh giữa hai video clip

Đồng thời ông Dũng cũng cho biết thêm ý tưởng thực hiện video "Người ở lại" do công ty Avatar Group thực hiện. ông cũng như ca sỹ Cao Thái Sơn khá hài lòng với ý tưởng này. Khi bị dư luận lên tiếng thì người đại diện của ca sỹ có liên lạc với công ty Avatar Group thì được họ giải thích cảnh quay trong video chỉ là sự trùng lặp về ý tưởng!.

Khá bình thản trước bức xúc của dư luận, ca sỹ ưng Hoàng Phúc từng trả lời với báo chí rằng "Chuyện tham khảo ý tưởng lẫn nhau trong âm nhạc là chuyện bình thường, không ít ca sĩ ở Việt Nam và trên thế giới thực hiện..."

Nói về việc đạo trong âm nhạc hiện nay, một nhạc sỹ đã kể câu chuyện sau: "Một nhạc sĩ trẻ mời một giáo sư âm nhạc nổi tiếng tới nhà để nghe tác phẩm mới của mình. Trong lúc nghe, vị Giáo sư cứ liên tiếp nhấc mũ lên rồi lại đội mũ xuống đầu. Nhạc sĩ trẻ ngạc nhiên bèn hỏi lí do. Vị Giáo Sư trả lời: "Tôi có thói quen bao giờ cũng ngả mũ chào khi gặp người quen. Trong bản nhạc của anh tôi gặp nhiều người quen quá nên cứ phải liên tiếp chào họ". Nhạc sỹ này cho biết, ông cũng đã phải nhấc mũ chào khá nhiều người quen trong nhiều tác phẩm âm nhạc hiện nay. Chuyện đạo nhạc, đạo lời và giờ là đạo ý tưởng biểu diễn xảy ra như cơm bữa.

Chia sẻ với Nguoiduatin.vn, nhạc sỹ Phó Đức Phương, Giám đốc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC), Phó Chủ tịch Hội âm nhạc Hà Nội bức xúc: "Nhiều mảng của âm nhạc Việt Nam đang rất tệ. Ngay như chuyện đạo nhạc đến 90%, chắc chắn đến thế rồi mà mãi mới giải quyết được. Còn chuyện bản nhạc này bắt chước ở chỗ này một tí, chỗ kia một tí, giai điệu giống bài này, bài khác còn đang tràn lan. Những bản nhạc na ná giống nhạc Đài Loan, Hàn Quốc nhiều vô kể. Lớp trẻ, họ sáng tác hết sức thực dụng và không hiểu rõ về âm nhạc, ý thức sáng tạo không có. Trong khi vốn liếng kiến thức, nhận thức còn hạn chế".

Ông cho rằng, ngoài đạo nhạc, đạo lời thì đạo ý tưởng biểu diễn cũng cần lên án. Nước ta cần khởi động một chiến dịch quét rác. Quét hết những ca từ rác, nhạc rác. Và đạo ý tưởng biểu diễn cũng là một thứ rác cần quét sạch. Để quét được sạch loại rác này không hề đơn giản bởi hiện nay cơ chế để xử lý hiện tượng này còn chồng chéo. Việc này là trách nhiệm liên đới nhiều cơ quan nhưng lại chưa có cơ quan nào chịu trách nhiệm cụ thể. Kể cả Hội Nhạc sỹ cũng không làm nổi, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cũng không làm hết được... Vì thế, ông cho rằng cần có sự phối hợp của toàn xã hội, công chúng, người sử dụng, người truyền tải, và chính tác giả.

Nhạc sỹ Phó Đức Phương cũng cho rằng: "Với trách nhiệm của những người sáng tạo, các nghệ sỹ nên tự nghiêm khắc với chính mình. Học hỏi với bắt chước và đạo là ranh giới tế nhị, mong manh lắm. Người nghệ sỹ có cái tâm với nghề và tôn trọng khán giả sẽ phân biệt được điều này và hành động tốt hơn".

Xã hội - Cần một chiến dịch “dọn rác” âm nhạc (Hình 3).

Ông Vương Duy Biên, Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn

Ông Vương Duy Biên, Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch) nhận định: "Nghệ sỹ quý nhất là sáng tạo. Nếu không sáng tạo được còn gọi gì là nghệ sỹ nữa. Nếu một tác phẩm mà giống đến 80 - 90 % thì không thể gọi là học hỏi, khán giả sẽ hiểu được nó có là ăn cắp hay học hỏi. Đó là chỉ là ngụy biện cho hành động lừa gạt khán giả. Trong Luật Sở hữu trí tuệ mà cả nước mình và thế giới đều áp dụng thì trường hợp video của ca sỹ giống quá nhiều đến vậy là vi phạm rồi. Và vi phạm thì cần phải xử lý. Tùy từng mức độ để xử lý. Tuy nhiên, bên bị đạo phải có ý kiến thì cơ quan chức năng mới có thể giải quyết được".

Cùng so sánh 2 video clip này nhé. Nguồn: Youtube

Video ca khúc Come Back To Me Part 2:

Video ca khúc Người ở lại của Cao Thái Sơn:

Thành Huế


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.