Bên hành lang Quốc hội sáng 19/6, PV báo Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với ĐB Nguyễn Lân Hiếu (đoàn An Giang), Phó Chủ nhiệm bộ môn Tim mạch trường đại học Y Hà Nội; Phó Giám đốc trung tâm Tim mạch bệnh viện Đại học Y Hà Nội về vụ việc bác sĩ tại bệnh viện Thể thao bị hành hung, bắt quỳ xuống xin lỗi.
ĐB Nguyễn Lân Hiếu cho rằng: “Câu chuyện liên quan đến vấn đề bạo hành nhân viên y tế không thể kết thúc được vì chúng ta chưa thay đổi được cái gì. Tôi đã từng nói trước diễn đàn Quốc hội cần ít nhất một điều luật trong Bộ luật Hình sự để chống lại sự bạo hành y tế ngày càng gia tăng. Nhưng rất tiếc là chưa được thực hiện.
Trong Bộ luật Hình sự chưa thấy có sự thay đổi ở Điều 134 (tội Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác), việc cố ý gây thương tích đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ; Đối với ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng mình, thầy giáo, cô giáo của mình là tình tiết tăng nặng. Tuy nhiên, không có mục nào quy định với người đang trực tiếp chăm sóc mình được đưa vào tình tiết tăng nặng”.
Về vụ việc bác sĩ tại bệnh viện Thể thao bị hành hung, bắt quỳ xuống xin lỗi, ĐB Nguyễn Lân Hiếu cho biết: “Vụ việc này tôi mới đọc cách đây ít phút, tôi chưa kịp gọi điện cho Giám đốc bệnh viện Thể thao. Chính vì chưa có thông tin chính xác nên không thể đưa ra nhận xét đúng hay sai. Tuy nhiên, nếu đúng theo những thông tin trên báo chí thì việc đánh bác sĩ rồi bắt bác sĩ quỳ xuống hết sức phản cảm, đau đớn”.
Trước một số ý kiến cho rằng “không có lửa làm sao có khói” và các vụ việc có thể bắt nguồn từ nguyên nhân là thái độ của bác sĩ, ĐB Nguyễn Lân Hiếu nhấn mạnh: “Vì không nắm được thông tin chính xác nên tôi không bình luận cụ thể. Trong cuộc sống không thể tránh khỏi những va chạm, nhưng những va chạm ấy có đáng đến mức người ta phải hành xử như thế không?
Theo tôi, mọi lý giải không thể nào biện minh cho hành vi đánh người đang cứu chữa cho người thân trong gia đình mình. Xã hội cần lên tiếng cho việc ra đời một điều luật để ít nhất ngăn chặn sự việc khi người ta định giơ tay đánh bác sĩ, định hành hung cán bộ y tế thì người ta nghĩ đến việc sẽ bị rơi vào tình tiết tăng nặng, người ta sẽ chùn tay. Điều này sẽ hạn chế được phần nào vấn nạn này”.
Đỗ Thơm