Ngày 13/12, trao đổi với PV Người Đưa Tin, ông Nguyễn Minh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận cho biết, tỉnh đã có buổi làm việc với Sở Y tế và các Sở, ngành có liên quan về Đề án Phát triển Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Bình Thuận đạt tiêu chuẩn hạng I, giai đoạn 2023 – 2028.
BVĐK tỉnh Bình Thuận là BVĐK tuyến tỉnh, được công nhận BVĐK hạng II theo Quyết định số 1283/QĐ-UB ngày 22/5/2006 của UBND tỉnh Bình Thuận về việc xếp hạng BVĐK tỉnh.
Trong thời gian qua, dù được các cấp, ngành luôn quan tâm, tạo điều kiện phát triển; song do nhu cầu thực tiễn khám chữa bệnh của người dân tăng cao cả về số lượng và chất lượng dịch vụ của BVĐK tỉnh Bình Thuận.
Đứng trước thực trạng về cơ sở vật chất, trang thiết bị có nhiều hạn chế và nguồn nhân lực còn “yếu và mỏng”; đòi hỏi Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Thuận, trong thời gian đến phải được quy hoạch và phát triển một cách toàn diện, khoa học, từng bước tập trung nguồn lực con người, trang thiết bị, tài chính… để phát triển toàn diện, đáp ứng tốt hơn nhu cầu chăm sóc sức khỏe của Nhân dân trong thời kỳ mới, thời kỳ công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước.
Tại cuộc họp, đại diện Sở Y tế và đơn vị tư vấn đã trình bày chi tiết Đề án phát triển Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Thuận đạt tiêu chuẩn hạng I, giai đoạn 2023 - 2028.
Theo đó, đề án xác định rõ việc Bệnh viện Đa khoa tỉnh đạt tiêu chuẩn hạng I là một trong các giải pháp đột phá phát triển ngành y tế tỉnh, đóng vai trò là “đầu tàu” tạo sức bật phát triển cho toàn ngành.
Đề án cũng tập trung phân tích, đánh giá tình hình kinh tế - xã hội và dự báo các yếu tố ảnh hưởng đến phát triển Bệnh viện Đa khoa; đánh giá mức độ sẵn sàng nâng hạng; quan điểm, mục tiêu và giải pháp thực hiện; tổ chức thực hiện…
Theo đề án, trong giai đoạn 2023 – 2025, Bệnh viện Đa khoa tỉnh sẽ tập trung cũng cố, kiện toàn cơ cấu lao động, tăng cường đào tạo, phát triển nguồn nhân lực theo hướng nâng lên hạng I với quy mô 950 giường bệnh; có trên 50% khoa lâm sàng đạt chăm sóc người bệnh toàn diện.
Số người bệnh nội trú thuộc đối tượng chăm sóc cấp I đạt 20% trở lên. Phấn đấu triển khai 50% kỹ thuật theo phân tuyến Bệnh viện hạng I…
Trong giai đoạn 2026 – 2028 sẽ đẩy nhanh việc sắp xếp và thành lập mới các phòng chức năng, khoa chuyên môn phù hợp, tiếp tục đào tạo, phát triển nguồn nhân lực đạt tiêu chuẩn.
Nâng cao các chỉ tiêu của giai đoạn 2023 – 2025; nâng tỷ lệ tự chủ chi thường xuyên đạt hơn 91%; đa dạng hoá các dịch vụ chăm sóc sức khỏe…
Tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Nguyễn Minh đề nghị Sở Y tế, đơn vị tư vấn nghiêm túc tiếp thu các ý kiến của các đại biểu dự họp để hoàn thiện Đề án theo hướng sâu, kỹ và chính xác.
Trong đó, tập trung rà soát thực trạng, dự báo xu hướng, điểm yếu, thách thức của Bệnh viện Đa khoa; đánh giá việc phân công lao động theo vị trí việc làm; tính toán lộ trình thực hiện, kinh phí đầu tư kể cả dự kiến chi phí giải phóng mặt bằng…
Đặc biệt, việc duy tu, bảo dưỡng, bảo trì cơ sở vật chất, trang thiết bị được đầu tư cho Bệnh viện Đa khoa tỉnh phải được thực hiện thường xuyên.
Bên cạnh đó, Bệnh viện Đa khoa tỉnh và Sở Y tế cần nghiên cứu và triển khai nhanh các chế độ thu hút nhân tài, nâng cao chế độ đãi ngộ cho cán bộ, y – bác sĩ; củng cố vững chắc tư tưởng nhân viên y tế theo hướng bám trụ bệnh viện, phục vụ Nhân dân…
Phó Chủ tịch UBND tỉnh còn lưu ý các Sở, ngành và địa phương phải có quyết tâm chính trị cao nhất, không để chậm trễ các công việc được giao, giải quyết tốt các khó khăn, vướng mắc.
Riêng thành phố Phan Thiết cần đẩy nhanh tiến độ các công việc được giao; khẩn trương làm việc với phường Phú Tài để tăng cường sự quản lý về đất đai, xây dựng trong khu vực dự kiến mở rộng Bệnh viện Đa khoa tỉnh; nhanh chóng lên phương án bố trí đất, tái định cư cho người dân; đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng để triển khai đầu tư dự án...