















Căn nhà ông Chu Văn Cao (SN 19470) nằm sâu trong con ngõ 63 Thuốc Bắc (Hà Nội).

Căn ngõ nhỏ dẫn vào nhà ông Cao quanh năm không có ánh sáng.

Ông Cao cho biết: trước đây, ông có một căn nhà rộng chừng 16m2, bên trên có căn gác xép. Sau này, vì một biến cố lớn, ông đành bán căn nhà phía dưới để trang trải nợ nần và giữ lại gác xép để ở. Vậy là căn nhà 2m2 ra đời từ đó, tính đến giờ đã hơn 25 năm.


Có lẽ, căn nhà 2m2 này được xếp vào căn nhà nhỏ nhất Hà Nội. Chiều dài của nó chỉ khoảng 2m, rộng 1m và cao chưa đầy 1,4m. Nói là căn nhà cho sang, chứ thực tế đây là căn gác xép.

Theo ông Cao kể: trước đây, căn gác xép này thuộc căn phòng 16m2 bên dưới, đây chỉ là nơi chưa đồ. Nhưng hồi năm 1994, ông cùng người vợ làm ăn thất thoát phải bán căn hộ để trả nợ. Từ đó, căn gác xép này trở thành nơi sinh sống của ông và người con trai Chu Anh Văn (SN 1988).


Căn phòng chật hẹp chỉ có vài đồ đạc đơn giản: 1 chiếc quạt, 1 chiếc đèn và vài bộ quần áo được ông sắp đặt gọn gàng.

Căn phòng nhỏ hẹp, bí bách của ông cụ 70 tuổi này quanh năm không có ánh sáng, không có gió, không có điện, không có nước. Dù là ở ngoài đang là ban trưa nhưng bước vào con ngõ 63 Thuốc Bắc, nơi căn nhà của ông tối om như ban đêm. Những ngày nắng nóng, căn phòng như cái lò thiêu.

Nói về cậu con trai 28 tuổi, khuôn mặt ông Cao thoáng chút buồn bã: “Vì gia cảnh như vậy, con trai tôi chưa bao giờ dám nghĩ đến chuyện lập gia đình. Không được ăn học đàng hoàng nên nó chỉ làm được những công việc lao động phổ thông nay đây mai đó. Nhiều lúc tôi buồn lắm, sinh con ra mà không cho nó được cuộc sống cơ bản như bao bạn bè. Nhưng cũng thật may, từ nhỏ con trai tôi đã nhận thấy gia cảnh nhà mình như vậy, cháu cũng chưa từng trách bố. Hai bố con dựa vào nhau mà sống qua ngày. Những lần đi làm xa thì con trai tôi sẽ ở lại đó, còn nếu làm quanh Hà Nội, tối đến nó về căn phòng đó ngủ”. Hai người đàn ông nằm trong căn phòng 2m2, tính ra mỗi người được 1m2. Đó là còn chưa kể đến đồ đạc xếp xung quanh. Ông Cao chia sẻ: “Mùa hè nóng bức, gần như cả đêm, hai cha con nằm nghiêng cho đỡ nóng lưng”.

Ông Cao tự cập nhật thông tin cho mình bằng cách đọc báo, đọc sách. “Tôi đọc sách để biết cuộc sống xung quanh mình biến đổi như thế nào, hiểu hơn về nhân tình thế thái” ông Cao tâm sự.

Cuộc sống của ông trở lên đơn giản, ăn uống ở ngoài quán, tắm giặt ở nhà vệ sinh chung. Ông hóm hỉnh nó về những bữa ăn của mình “bữa cơm hạng sang” chỉ 10.000 đồng.

Nhiều người nhìn thấy cuộc sống của ông như vậy, sẽ thấy khó khăn cùng cực. Nhưng với ông, đêm về có một chỗ để ngả lưng là cảm thấy hạnh phúc hơn nhiều người phải lang thang ngoài đường.

Khi hỏi về mong ước hiện tại, ông Cao chia sẻ: “Tôi sống thực tế, chứ không sống lãng mạn đâu. Cần này tuổi rồi, tôi hiểu hai từ mong ước nó thế nào chứ. Nhưng thức ra, tôi vẫn mong có một căn nhà đàng hoàng cho mình. Điều đó thì lại xa vời quá”.

Hiện tại, ông Cao phụ việc tại quán café của cô Chi trên phố Hàng Phèn. Cô Chi cho biết: “Ở chỗ ông Cao nóng quá, tôi cho ông ấy ngồi nhờ ở đây. Thỉnh thoảng ông phụ giúp tôi công việc ở quán café. Số ông ấy khổ, mọi người trong khu này đùm bọc ông ấy nhiều. Hôm nay, người cho ông ấy cái này, mai lại có người cho cái khác. Tính ông Cao vui vẻ, hòa nhã nên mọi người trong xóm ai cũng quý”.
Những ngày Hà Nội chìm trong sự oi nồng của tháng Bảy, nhiều người dù ở trong căn phòng rộng, quạt chạy vù vù, điều hòa bật 24/24 vẫn than trời vì sự khắc nghiệt của thời tiết, thì ở một ngõ nhỏ quanh năm không có tia nắng, ngọn gió nào ghé thăm, có hai cha con sống trong một căn nhà nóng như “lò bát quái” mà vẫn lạc quan.