Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo số 67/TB- VPCP thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định phí dịch vụ sử dụng đường cao tốc thông qua trạm thu phí trên đường cao tốc do Nhà nước đầu tư hôm 15/3.
Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, thời gian tới Việt Nam cần phải hoàn thành trên 3.000km đường cao tốc để thực hiện được mục tiêu 5.000km đường cao tốc vào cuối năm 2030.
Do đó, bên cạnh nguồn lực của Nhà nước, cần huy động và sử dụng linh hoạt các nguồn lực đầu tư của xã hội để xây dựng đường cao tốc.
Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với bộ Kế hoạch và Đầu tư, bộ Tài chính và các cơ quan liên quan khẩn trương nghiên cứu, xây dựng phương án cụ thể, khả thi để thực hiện được mục tiêu, yêu cầu nêu trên, báo cáo Chính phủ xem xét, quyết định.
Về việc xây dựng cơ chế thu phí dịch vụ sử dụng đường cao tốc thông qua trạm thu phí trên đường cao tốc do Nhà nước đầu tư, Thủ tướng cho biết, đây là yêu cầu đã được Quốc hội đặt ra, là giải pháp cần thiết để thu hồi vốn đầu tư, tạo thêm nguồn lực cho Nhà nước tiếp tục đầu tư các dự án đường cao tốc theo mục tiêu đề ra.
Bảo đảm nguyên tắc bù đắp các chi phí cần thiết (như trả nợ vốn vay, duy tu, bảo dưỡng...), xác định mức thu phù hợp, đồng bộ với mức thu trên các đoạn đường cao tốc liền kề, nhằm khuyến khích, thu hút thêm các nguồn lực xã hội trong việc đầu tư, nâng cấp mạng lưới đường cao tốc của Việt Nam.
Tuy nhiên, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến đời sống của người dân và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, việc đề xuất một vấn đề cụ thể, nhạy cảm tác động đến người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế cần phải được cân nhắc hết sức kỹ lưỡng.
Hiện nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV cũng chưa bố trí được chương trình để cho ý kiến về nội dung trên. Tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã cho ý kiến đối với dự án Luật giao thông đường bộ (sửa đổi).
Vì vậy, Thủ tướng giao bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu đề xuất về cơ chế thu phí của Bộ Tài chính và các ý kiến tại cuộc họp để hoàn thiện dự án Luật giao thông đường bộ, trong đó có nội dung về cơ chế thu phí đường cao tốc do Nhà nước đầu tư, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ và phù hợp với hệ thống pháp luật hiện hành.
Trên cơ sở đó, phối hợp với các cơ quan của Quốc hội để đẩy nhanh tiến độ trình Quốc hội xem xét, thông qua Luật giao thông đường bộ sửa đổi trong thời gian sớm nhất theo quy định.
Trước đó, vào tháng 10/2020, bộ Tài chính đã trình Chính phủ về dự thảo nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định thu phí dịch vụ sử dụng đường cao tốc do Nhà nước đầu tư.
Theo đó, bộ Tài chính đã để xuất 2 phương án thu phí sử dụng đường bộ cao tốc do Nhà nước đầu tư.
Phương án 1: Quy định thu phí dịch vụ sử dụng đường cao tốc thông qua trạm thu phí trên đường cao tốc do Nhà nước đầu tư theo quy định pháp luật về giá.
Theo Bộ Tài chính, phướng án 1 này có các ưu điểm: Thứ nhất, phù hợp với Nghị quyết số 52/2017/QH14 ngày 22/11/2017 của Quốc hội về chủ trương đầu tư dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam, phía Đông giai đoạn 2017 - 2020;
Thứ hai, khuyến khích thu hút nguồn lực xã hội đầu tư xây dựng hạ tầng đường bộ;
Thứ ba, công khai, minh bạch và dễ nhận được sự đồng thuận của người dân và chủ phương tiện.
Tuy nhiên, phương án này cũng có nhược điểm là: Có ý kiến cho rằng, đường cao tốc do Nhà nước đầu tư quy định thu phí dịch vụ (theo cơ chế giá) là không đúng bản chất; Bộ Giao thông vận tải và địa phương phải thành lập công ty để quản lý thu phí dịch vụ đường cao tốc do Nhà nước đầu tư.
Phương án 2: Quy định thu phí sử dụng đường cao tốc thu qua trạm thu phí trên đường cao tốc do Nhà nước đầu tư, theo quy định pháp luật về phí, lệ phí.
Phương án 2 có ưu điểm: Đảm bảo nguyên tắc tại Luật Phí và lệ phí: Dịch vụ công do Nhà nước cung cấp thu phí.
Nhưng các nhược điểm là: Thứ nhất, không phù hợp với Nghị quyết số 52/2017/QH14, trong đó, giao Chính phủ: Đối với những dự án thành phần sử dụng toàn bộ vốn đầu tư công nghiên cứu áp dụng phương án thu giá dịch vụ hợp lý để thu hồi vốn Nhà nước đầu tư.
Thứ hai, không khuyến khích thu hút nguồn lực xã hội đầu tư xây dựng hạ tầng đường bộ. Lý do, cùng sử dụng dịch vụ đường cao tốc như nhau, chủ phương tiện trả mức phí sử dụng đường cao tốc sẽ thấp hơn mức phí dịch vụ.
Qua phân tích ưu, nhược điểm của 2 phương án nêu trên, để đảm bảo công khai, minh bạch, đồng bộ với thu phí dịch vụ hoàn vốn các dự án BOT, Bộ Tài chính chọn Phương án 1: Trình UBTVQH ban hành Nghị quyết quy định thu phí dịch vụ sử dụng đường cao tốc thông qua trạm thu phí trên đường cao tốc do Nhà nước đầu tư theo quy định pháp luật về giá.
Bộ Tài chính cũng cho biết các tác động về mặt kinh tế - xã hội như sau: Theo tính toán của bộ Giao thông vận tải trên cơ sở phân tích dữ liệu sử dụng 05 tuyến đường cao tốc hiện hành, kết quả lượng hóa chi phí vận hành và chi phí thời gian của phương tiện cho thấy so với lưu thông tuyến trên quốc lộ song hành, phương tiện lưu thông trên các tuyến cao tốc sẽ được lợi bình quân theo xe đơn vị là 2.518 đồng/km/xe tiêu chuẩn.
Như vậy, nếu phải nộp phí khoảng 1.000 đồng/km/xe tiêu chuẩn thì chủ phương tiện vẫn hưởng lợi khoảng 1.500 đồng/km.
Hệ thống đường cao tốc do Nhà nước đầu tư hiện nay (tổng dài 196 km), nếu thực hiện thu phí dịch vụ đường cao tốc với mức thu là 1.000 đồng/km/xe tiêu chuẩn thì dự kiến hàng năm sẽ thu được khoảng 2.142 tỷ đồng. Đây là nguồn vốn quan trọng bổ sung cho việc đầu tư cải tạo hệ thống đường cao tốc hiện hành, cũng như bổ sung vốn đầu tư xây dựng tuyến đường cao tốc mới.
H.H