Dịch Covid-19 xâm nhập vào tỉnh Bắc Giang là đợt dịch lần thứ 4, với số người mắc lớn. Tính từ ngày 7/5 đến ngày 11/7/2021, tổng số ca F0 trên toàn tỉnh là 5.766 trường hợp.
Trước tình hình đó, Tỉnh ủy Bắc Giang đã xác định “Các xã, phường phải là pháo đài, mỗi người dân là 1 chiến sĩ trong phòng chống dịch và tổ Covid-19 cộng đồng là vũ khí chiến lược, hạt nhân quan trọng để huy động sức mạnh toàn dân, quyết định chiến thắng và bảo vệ vững chắc thành quả phòng chống dịch Covid-19”, nhất là trong điều kiện tiêm chủng vắc-xin chưa đạt được miễn dịch cộng đồng.
Trong quá trình chống dịch của Bắc Giang, đã cho thấy những hiệu quả của tổ Covid cộng đồng đến công tác phòng chống dịch.
Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Nguyễn Văn Vụ, Chủ tịch UBND xã Ngọc Thiện, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang cho biết: “Dưới sự chỉ đạo của Ban Dân vận tỉnh Bắc Giang, địa phương chúng tôi đã thành lập tổ Covid cộng đồng ngay khi ghi nhận ca mắc đầu tiên ở Nam Dương, sau đó là xã Ngọc Thiện. Quá trình tập huấn do trực tiếp Bí thư Huyện ủy hướng dẫn, chỉ đạo. Do không được tụ tập đông người nên địa phương phải tổ chức làm ba lớp, và đã có hơn 200 người tham gia vào tổ Covid cộng đồng và đều là những người trong các thôn”.
Tuy số lực lượng thành viên của tổ khá đông, nhưng theo chia sẻ của ông Vụ, lúc đầu mọi người cũng không muốn tham gia vì lo lắng vấn đề sức khỏe của bản thân và chưa hiểu rõ tầm quan trọng của công việc phải làm. Nhưng sau khi nghe hướng dẫn, mọi người tham gia rất tích cực và làm tròn nhiệm vụ được giao.
Ông Nguyễn Văn Vỹ, Bí thư Chi bộ thôn Chè, xã Ngọc Thiện, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang, một trong những tổ trưởng tổ Covid cộng đồng cũng thông tin với Người Đưa Tin: “Thôn Chè là một trong những địa phương có trường hợp mắc Covid-19 đầu tiên ở xã Ngọc Thiện. Ngay đêm 19/5 sau khi có ca dương tính xuất hiện, thôn chúng tôi đã lập tức triển khai rà soát từng hộ, lập danh sách những trường hợp công nhân đi làm xa, lao động làm việc ở các nhà máy, xí nghiệp để khoanh vùng. Cùng với đó là tổ chức xét nghiệm, lập chốt ngay trong đêm”.
“Trước đó, căn cứ tình hình thực tế của địa phương, được sự chỉ đạo của cấp trên, Chủ tịch UBND các xã, Bí thư Chi bộ các thôn đã được tập huấn về công tác phòng chống dịch, cách theo dõi sức khỏe cho người dân như đo nhiệt độ, các triệu chứng bệnh cần lưu ý, cách giám sát sức khỏe những người trong vùng dịch, hoạt động khai báo y tế. Sau đó, các Bí thư Chi bộ sẽ về thôn mình để triển khai, giao nhiệm vụ cụ thể cho các tổ Covid cộng đồng”, ông Vỹ cho biết.
Về cách thức chia địa bàn quản lý của tổ, ông Vỹ cũng thông tin: “Các thôn sẽ căn cứ theo số hộ để chia cho các tổ Covid cộng đồng quản lý, trung bình mỗi tổ phụ trách 30-50 hộ. Đối với thôn Chè, có 255 hộ dân, ban đầu thành lập 4 tổ hoạt động, nhưng sau đó do tình hình diễn biến dịch phức tạp nên chúng tôi đã quyết định thành lập thêm 3 tổ để đảm bảo quản lý chặt chẽ, tuy nhiên mỗi tổ chỉ có 3 thành viên”.
Hằng ngày, những thành viên trong tổ được phân công việc cụ thể, Tổ trưởng sẽ là người phụ trách quản lý chung, tổng hợp ý kiến, nhu cầu của người dân để báo cáo cho cấp trên. Về hoạt động trực chốt tại các vùng, tổ kết hợp với lực lượng công an để chia thời gian trực chốt. Bên cạnh đó, vẫn phải hoàn thành những nhiệm vụ khác của địa phương.
Mỗi tổ Covid cộng đồng sẽ hoạt động linh hoạt khác nhau, ông Vỹ cho biết: “Đối với những “vùng xanh”, chưa có dịch, những thành viên trong tổ Covid cộng đồng phải theo dõi người dân đi làm, ra/vào phải khai báo y tế đầy đủ. Đặc biệt phải nắm rõ họ làm việc ở đâu, lịch trình rõ ràng cụ thể.
Những tổ phụ trách ở vùng cách ly sẽ vất vả hơn, vì đây là lực lượng phụ trách mua nhu yếu phẩm cho các hộ dân. Những gia đình có nhu cầu, sẽ điện thoại cho tổ Covid cộng đồng, sau đó chúng tôi lập danh sách những hàng hóa cần mua và đưa đến tay người dân. Cần phải làm như vậy thì dân mới yên tâm ở nhà chống dịch. Để những tổ ở “vùng đỏ” không bị quá tải, thì cũng cần sự hỗ trợ của những thành viên ở các tổ khác và lực lượng khác của địa phương”.
Chia sẻ về những khó khăn trong quá trình thực hiện, ông Vỹ bày tỏ: “Khi thực hiện chúng tôi cũng rất vất vả bởi người dân địa phương chưa hiểu rõ mức độ nghiêm trọng của dịch, không hiểu rõ các vấn đề liên quan đến phòng chống dịch. Vì vậy lúc đầu người dân còn thiếu hợp tác. Địa phương đã phải sử dụng loa phát thanh tuyên truyền cho bà con hiểu. Đối với những vùng phức tạp thì đến từng hộ để tuyên truyền”.
Hồng Bích