Cả gia đình cô Liu Liu được phen hoảng sợ, nhìn đứa con trai 2 tuổi vừa thoát khỏi bàn tay tử thần, cả nhà cô Liu thở phào nhẹ nhõm.
Cách đây ít hôm cậu bé 2 tuổi Zhiang nhập viện trong tình trạng lơ mơ, đồng tử phản xạ chậm, trên miệng của cậu bé chảy máu do mảnh vỡ của chiếc nhiệt kế gây ra.
Mẹ cậu bé cho biết, trong lúc ở nhà với bảo mẫu, Zhiang nghịch ngợm đã với tay lên tủ lấy chiếc nhiệt kế trong góc bàn và cho vào miệng. Không ngờ chiếc nhiệt kế vỡ, toàn bộ dung dịch thủy ngân trong nhiệt kế theo khoang miệng của Zhiang xuống dạ dày gây ngộ độc cấp tính.
Sau khi sự việc xảy ra, cô Liu vô cùng hối hận và đau lòng do sự chủ quan của bản thân đã khiến con mình gặp nạn, may mắn cậu bé được đưa đến bệnh viện kịp thời và dần hồi phục.
Nhiệt kế thuỷ ngân là dụng cụ cần thiết phải có trong tủ thuốc của gia đình, nhất là nhà có em bé. Tuy nhiên, thủy ngân bên trong nhiệt kế cực kì độc, chỉ cần một lượng nhỏ thoát ra ngoài là đã gây ngộ độc nghiêm trọng.
Thủy ngân dễ bị bốc hơi ở nhiệt độ phòng, khi hít phải thủy ngân sẽ hấp thu qua đường hô hấp, vào phổi qua màng phế nang vào máu đến thận, gan lách và hệ thần kinh trung ương gây tử vong nhanh chóng.
Hít phải thủy ngân gây bệnh phổi nặng cấp tính. Triệu chứng đầu tiên là sốt do khói kim loại gồm sốt, ớn lạnh, thở khó, thường xuất hiện sau vài giờ.
Người nhiễm độc thủy ngân có thể gặp những triệu chứng cấp khác như: Đau bụng, viêm miệng, choáng váng, co giật, nôn ói và viêm ruột. Các biểu hiện này thường dịu đi trong vòng 1 tuần. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, diễn tiến nặng hơn phù phổi cấp, suy hô hấp và tử vong.
Khi không may bị nuốt phải thủy ngân, đặc biệt là trẻ nhỏ, bố mẹ không nên móc họng, ép nôn mửa vì như thế chỉ khiến thủy ngân bị đẩy ngược lên trên tràn vào phổi.
Cách tốt nhất là nên chuyển đến bệnh viện gần nhất, sau khi được cấp cứu kịp thời thì nên cho trẻ ăn uống đầy đủ, uống nhiều nước để không bị táo bón, dễ bài tiết.
Trang Dung (Tổng hợp)