Theo quan điểm của tôi, đây là lúc chúng ta nên nhìn nhận quyền "riêng tư" trong thi cử.
Từng là một thí sinh nên tôi hiểu cảm giác khi bị người khác so đo kết quả thi cử với người này, người kia. Đặc biệt, là khi kết quả không được như mong đợi, ánh nhìn thương cảm của nhiều người khiến tôi ái ngại, chán ghét bản thân.
Vẫn còn nhớ cách đây gần 10 năm trước, khi chúng tôi học chương trình đổi mới sách giáo khoa và hình thức thi cũng có phần thay đổi. Năm đó trong lớp tôi rất nhiều bạn không vượt qua được kỳ thi tốt nghiệp, lúc xem bảng điểm ở trường họ đã khóc, thậm chí, có bạn còn bỏ chạy ra khỏi đám đông.
Với tôi, công khai điểm thi vô tình trở thành con dao hai lưỡi, với những thí sinh có điểm cao các em nhận được vô số lời chúc mừng từ người khác. Nhưng với các thí sinh thi trượt, các em muốn quên đi nỗi buồn, muốn vượt qua nó cũng khó, bởi ai cũng biết kết quả thi... chính điều đó là một trở ngại lớn.
Ngoài ra, việc công khai điểm thi còn khiến các em chịu áp lực từ người thân, gia đình. Thực tế chứng minh, một số em học sinh thi trượt, vì áp lực gia đình, bị hàng xóm dè bỉu, bạn bè cười chê kém cỏi đã tìm đến bước đường cùng. Có những em tự mặc định chặng đường trước mắt là “hố đen”, dù có cố gắng mấy, cũng chẳng thể thành công. Từ tâm lý đó, các em đã tự tìm cho mình những cái kết nghẹn đắng.
Đã đến lúc, chúng ta nên tôn trọng quyền riêng tư của các em, nhất là trong cách đón nhận kết quả thi. Hãy để các em chuẩn bị tốt tâm lý và có phương án dự trù nếu kết quả thi không như mong muốn. Ở lứa tuổi 18 của các em nếu nhận quá nhiều áp lực và phán xét sẽ ảnh hưởng không tốt đến quá trình phấn đấu, cũng như hoàn thiện bản thân.
Nếu thật sự vì tương lai con trẻ, hãy tôn trọng quyền cá nhân của các em bằng cách gửi điểm thi qua email thông báo, qua số điện thoại hoặc giấy báo về tận nhà cho các em, để điểm thi không bị công khai lên mạng xã hội. Hãy thấu hiểu cho suy nghĩ, cảm xúc của các em để có cách xử lý văn minh và hợp lý nhất! Xin hãy nghĩ đến quyền “riêng tư”.
Cùng chủ đề:
Kết quả luôn 'đẹp', nên chăng bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT?
Trượt kỳ thi THPT Quốc gia: Chưa phải là dấu chấm hết!
Thạc sỹ Lê Thị Thảo
Trung tâm Tư vấn và đào tạo Rồng Việt