Theo luật sư Ứng, đây là một trong những dự luật mang tính chất nhân đạo, giúp những cặp vợ chồng khao khát có con có thể thỏa được ước mơ của mình. Tuy nhiên, nếu không làm chặt chẽ trong việc đưa ra quy định, sẽ nảy sinh những vấn đề hết sức khó giải quyết.
Mới đây, bộ Tư pháp đưa ra dự thảo luật HN&GĐ, trong đó có quy định về việc cho phép mang thai hộ. Nhiều người lo lắng rằng, đây sẽ là kẽ hở cho việc đẻ thuê, buôn bán trẻ sơ sinh. Quan điểm của luật sư về ý kiến này như thế nào?
Theo quan điểm của tôi, việc cho phép mang thai hộ cũng là điều nên làm, vì nó mang tính nhân văn sâu sắc. Nếu luật đi vào thực tiễn, sẽ có rất nhiều người cảm thấy vui mừng.
Hiện nay tình trạng đẻ thuê, buôn bán trẻ em cũng đang khiến cơ quan chức năng quan tâm. Cũng có ý kiến bày tỏ với tôi rằng, nếu dự thảo luật này đi vào thực tế sẽ có rất nhiều người dựa vào đó để "lách luật". Tuy nhiên, các cơ quan chức năng đừng vì điều đó mà "chặt đứt" đi ước vọng cao cả của những cặp vợ chồng hiếm muộn. Đừng vì sợ không quản lý được mà cấm việc mang thai hộ. Điều chúng ta cần quan tâm, đó là những quy định từ khâu đầu tiên đến cuối cùng phải chặt chẽ.
Luật sư Bùi Đình Ứng
Thưa luật sư, nhiều người lo ngại rằng, khi đang trong quá trình mang thai hộ, không may bố mẹ cháu bé (người nhờ mang thai) chết thì ai sẽ là người nuôi cháu bé sau khi ra đời?
Tình huống này không nằm trong góc độ về pháp lý. Đây là vấn đề thuộc về ý thức xã hội và nhân văn. Nếu cha mẹ cháu bé mất thì sau khi đẻ xong, người thân của vợ chồng nhờ mang thai hộ sẽ nuôi cháu bé. Bởi vì, đó cũng chính là máu mủ, ruột rà của họ. Trong trường hợp, bên nhờ không còn hoặc không đủ điều kiện để nhận con thì bên mang thai là cha mẹ của đứa trẻ. Nếu bên mang thai không đủ điều kiện để nuôi con thì tòa án chỉ định người giám hộ cho con. Đây là quy định cần thiết để bảo vệ đứa trẻ sau sinh. Trong trường hợp, khi cháu bé chưa ra đời, bố mẹ cháu bé (người nhờ mang thai hộ) mất, tài sản của họ, cháu bé có được thừa kế không? Tôi nghĩ bộ Tư pháp và cơ quan soạn thảo, sửa đổi luật cần phải phân tích rõ vấn đề này. Đây là những sự việc sẽ gây tranh cãi sau khi luật đi vào thực hiện.
Nếu trong trường hợp đang mang thai, bên nhờ và bên mang thai hộ nảy sinh mâu thuẫn. Người mang thai không muốn trả con cho người nhờ, lúc ấy sẽ xử lý như thế nào, thưa luật sư?
Xét về mặt pháp luật, trứng và tinh trùng (phôi thai) là của người nhờ. Khi người phụ nữ mang thai sinh ra thì phải giao lại cho người nhờ. Luật cũng có quy định như vậy. Tuy nhiên, khi người mang thai hộ lại quá yêu đứa trẻ, không cần bất cứ thứ gì chỉ cần đứa con và kiên quyết giữ bằng được. Đây lại là vấn đề liên quan đến đạo đức. Người phụ nữ này đã mất công mang nặng đẻ đau mới sinh ra đứa bé, giờ chẳng lẽ lại giằng con của bà ta? Đây sẽ là cuộc đấu tranh giữa đạo đức và luật pháp. Tất nhiên, trong sự việc này khi đưa ra tòa, phần thắng sẽ thuộc về hai vợ chồng người nhờ mang thai nhưng họ sẽ gây đau khổ cho bà mẹ kia.
Những cặp vợ chồng hiếm muộn nên lường trước tình huống này để tìm đến người mang thai hộ thực sự thông cảm với hoàn cảnh của mình.
Cảm ơn luật sư.
Văn Chương (thực hiện)