Cần nói ‘Không’ với các lễ vật khổng lồ

Cần nói ‘Không’ với các lễ vật khổng lồ

Trương Ngân Hà

Trương Ngân Hà

Thứ 2, 06/02/2017 16:48

Kích thước của chiếc bánh chưng, bình rượu... được dùng làm lễ vật để dâng cúng tổ tiên, tiền nhân không thể trở thành thước đo để thể hiện “tâm thành”.

Đất nước đang bước vào mùa lễ hội với hàng ngàn hoạt động truyền thống như cúng bái, du xuân, tham gia các trò chơi dân gian…

Trong đó, phần lễ gồm các lễ vật và nghi thức cúng tế được người Việt xem trọng hơn cả. Thực hiện nghi lễ tỏ lòng tôn kính, biết ơn với tổ tiên, các bậc tiền nhân có công trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc là một nét son trong truyền thống, cần được duy trì.

Có câu: “Lòng thành thắp một nén hương ”. Lễ phẩm được coi là biểu hiện của tấm lòng (lòng thành, tâm thành) và chỉ cần đáp ứng được điều kiện: “Thật”. Chẳng ai đánh giá phẩm vật dâng cúng thông qua các tiêu chí to hay nhỏ, nhiều hay ít, xấu hay đẹp, ngon hay dở cả.

Nhưng dường như, một số tổ chức, cá nhân vẫn chưa bỏ được tâm lý “tốt lễ dễ cầu” khi cúi đầu trình diện trước tiền nhân. Và những chiếc bánh, bình rượu… to kỷ lục chỉ gợi lên trong người xem cảm giác ngạc nhiên về sự phô trương, phù phiếm.

Năm 2008, một cặp bánh chưng bánh giầy khổng lồ được vận chuyển từ TP.HCM về Phú Thọ để dâng cúng Vua Hùng. Tuy nhiên sau đó, hai chiếc bánh không được chia đều cho khách hành hương về nguồn như dự kiến do bánh giầy bị mốc xanh, bánh chưng đã lên men và có mùi khó chịu.

Thậm chí, người ta còn phát hiện ra trong chiếc bánh giầy khổng lồ có nhiều… mút xốp.

Năm ngoái, những hình ảnh không đẹp mắt về chiếc bánh chưng khổng lồ nặng 2,5 tấn được công viên văn hóa Đầm Sen (quận 11, TP. HCM) gói để dâng Quốc tổ chỉ khiến dư luận thêm ngao ngán về giá trị của những kỷ lục và căn bệnh thích “xây to – làm lớn”.

Xi nhan Trái Phải - Cần nói ‘Không’ với các lễ vật khổng lồ

 Hai người nhân viên đi chân không trong khuôn làm bánh của một chiếc bánh chưng khổng lồ (Công viên văn hóa Đầm Sen). Ảnh: Zing.

Mới đây, vào ngày 2/2, UBND tỉnh Nghệ An phối hợp với Hiệp hội Du lịch tỉnh tổ chức lễ dâng bánh chưng tri ân bà Hoàng Thị Loan - thân mẫu Chủ tịch Hồ Chí Minh tại xã Nam Giang, huyện Nam Đàn.

Điểm đáng lưu ý, cặp bánh chưng này có trọng lượng khoảng 7 tạ, được làm từ 600kg gạo nếp, 100kg đậu xanh, thịt, dưa hành và hàng nghìn chiếc lá dong. Dư luận đặt câu hỏi rằng: Tại sao không sử dụng số nguyên liệu này để gói 700 hay 1400 chiếc bánh nhỏ, vừa dễ chia cho người nghèo vừa đảm bảo vệ sinh?

Trả lời PV Báo điện tử Pháp Luật thành phố Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Mạnh Cường - Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Nghệ An cho biết: “Sở Du lịch vừa thành lập, không tham gia, không chỉ đạo. Kinh phí làm cặp bánh chưng là do gần 1.000 doanh nghiệp đóng góp".

Nhưng, dẫu được huy động từ nguồn vốn nào thì hoạt động dâng bánh chưng khổng lồ trong khi tỉnh nhà vẫn phải xin cấp gạo cứu đói (cụ thể là 1800 tấn) dịp giáp Tết vẫn là việc làm nặng về hình thức khoe khoang, xa rời thực tế.

Kích thước của chiếc bánh chưng, bình rượu...  được dùng làm lễ vật để dâng cúng tổ tiên, tiền nhân càng không phải thước đo để thể hiện sự “thành tâm” hay biện pháp hữu hiệu để quảng bá hình ảnh địa phương.

Và có lẽ đã đến lúc người làm lãnh đạo cần nói “Không” với tất cả các lễ vật khổng lồ.

Ngọc Hà

* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.