Qua sự việc cô bé 12 tuổi đánh chết em họ, ông đánh giá thế nào về tình trạng bạo lực ở lứa tuổi thiếu niên?
Tình trạng này đang gia tăng, không chỉ riêng ở Việt Nam mà bạo lực đang gia tăng trên toàn thế giới nói chung. Môi trường xã hội, phim ảnh và truyền thông là những lý do cơ bản dẫn đến tình trạng này. Phim ảnh bạo lực, những video clip về các vụ đánh hội đồng nhan nhản trên internet mà trẻ em xem hằng ngày. Các em bị ảnh hưởng quá nhiều từ truyền thông. Thông tin bây giờ tìm đến từng người chứ không phải như trước đây người ta phải đi tìm thông tin. Giờ thì mặc kệ bạn có thích hay không thì thông tin vẫn cứ tràn vào người. Khi xem những bộ phim hành động mang tính bạo lực, con người ta dễ nhập tâm và ghi nhớ nhiều hơn. Nhất là trẻ em, chúng thấy và dễ bắt chước theo hành động. Những hành vi ngoài xã hội, những hành vi trong phim ảnh và đặc biệt là hành vi của người thân trong gia đình, nhất là của bố mẹ "nhập" vào đứa trẻ rất mạnh.
Những "năng lượng ác" bị phát tán trong xã hội nhiều hơn. Người ta tiếp nhận những thông tin xấu và thường hay nghĩ xấu về nhau. Điều này dễ dẫn đến hành vi xấu, bạo lực của trẻ em. Trẻ em thiên về hành động hơn, ít suy nghĩ hơn, bắt chước hành động nhanh hơn!
TS. Phan Quốc Việt
Nhưng báo chí cũng đưa nhiều thông tin tốt đấy chứ, thưa ông?
Có nhưng tỉ trọng quá ít. Người ta có thể ngụy biện rằng đưa những thông tin xấu để độc giả tránh. Nhưng trên thực tế, khi bạn nhắc nhiều đến cái xấu thì vô hình trung lại kéo cái xấu đến, trong khi cái tốt lại không có. Người ta bảo "ghét của nào trời trao của đó", khi mình nhắc đến nó nhiều thì nó đến với mình, giống như một hình thức gọi nó đến vậy. Tôi đến thăm một trường đại học từ tầng 1 đến tầng 5 toàn hình ảnh: Nói không với bạo lực, nói không với ma túy, nói không với mại dâm, nói không với sống thử…. Não không có từ không, khi viết như thế trong não chỉ xuất hiện: Bạo lực, ma túy, mại dâm, sống thử….
Chỉ có cái tốt mới đè bẹp cái xấu. Ngày xưa thời Bác Hồ báo chí tập trung vào người tốt - việc tốt. Thời đó ra ngõ gặp anh hùng, suốt ngày thấy người người thi đua, nhà nhà thi đua, ngành ngành thi đua, những gương nhặt của rơi trả lại hay cõng bạn đi học rất nhiều và được nêu nhiều kỳ.
Mảng pháp luật thì tôi không nói nhưng mảng đời sống thì cần đưa nhiều gương người tốt việc tốt để cái tốt át đi cái xấu. Truyền thông của chúng ta nặng về cấm đoán. Nhưng người ta nhầm, vì khi họ cấm cái gì đó, thì hình ảnh của nó lại xâm chiếm đầu óc người khác. Ví dụ như "Không hút thuốc lá", "Không hút thuốc phiện" thì thuốc lá và thuốc phiện đi vào tâm trí người ta. Nó giống như luật hấp dẫn vậy. Chính vì thế, chúng ta không nên cấm đoán mà nên khích lệ người ta làm việc tốt. Giống như trong bóng đá, cách phòng thủ tốt nhất là tấn công, chỉ có cái tốt mới triệt tiêu được cái xấu chứ không phải vì bị ngăn cấm mà cái xấu mất đi. Tôi nghĩ trong mỗi tờ báo cần có ít nhất 50% viết về cái tốt, cái xấu vì vài ba phần trăm, còn lại là đưa tin. Báo chí gần như là định hướng cho tư duy của quốc gia. Nếu báo chí làm không tốt sẽ ảnh hưởng rất xấu đến xã hội.
Quay trở lại trường hợp của bé gái 12 tuổi thì rõ ràng bé không chỉ chịu ảnh hưởng của truyền thông hay phim ảnh?
Gia đình, mà cụ thể là chính mẹ bé! Người ta bảo "rau nào sâu nấy". "giỏ nhà ai quai nhà nấy" thì vấn đề là gì? Vấn đề chính là ở việc người bố trong gia đình không biết cách giáo dục. Rõ ràng có một sự ghen tị ở đây. Người vợ và các con của anh ghen ghét vì bỗng dưng phải nuôi thêm đứa trẻ cùng mẹ bé bị thần kinh, nghĩ rằng những người này ăn mất phần nhà mình. Người mẹ không biết dạy con nhường cơm sẻ áo mà lại đánh cháu trước mặt con thì đứa bé sẽ học theo. Tôi nghĩ đánh trẻ con cũng phải có phương pháp, không phải cứ vớ được cái gì là đánh. Khi trẻ mắc lỗi, phải để trẻ được chuẩn bị, cho trẻ nằm ra và đánh vào mông, nêu tội của trẻ để trẻ biết chừa chứ không phải bạ đâu đánh đấy.
Bố mẹ bạ đâu đánh đấy thì đứa trẻ rồi cũng thế, nó cũng bạ đâu đánh đấy. Cứ cầm cái gì có thể gây thương tích được là quơ, có khi nó không cố tình đánh chết em nhưng vô tình vung gậy vào chỗ hiểm của em họ, gây tử vong. Nhất là đứa trẻ chỉ mới 2 tuổi lại rất yếu.
TS. đánh giá thế nào về vai trò của gia đình trong việc giáo dục nhân cách của trẻ?
Nhiều khi bố mẹ cứ lao vào kiếm tiền, rồi suốt ngày chỉ tiền, tiền, tiền mà không quan tâm đến trẻ. Quãng thời gian quan trọng nhất đối với trẻ là thời điểm trước khi bắt đầu bước vào lớp 1. Đây là lúc hình thành nhân cách và gia đình là yếu tố quan trọng nhất. Nhưng đa số các gia đình chỉ biết kiếm tiền "dúi" cho nhà trường rồi tất cả xã hội lại cũng "dúi" hết cho nhà trường, đổ tội cho bộ Giáo dục là không nên. Trẻ cần phải đứng trên chiếc kiềng ba chân: Gia đình, nhà trường và xã hội, không chân nào kém chân nào. Nhưng khi trẻ chưa đi học thì gia đình là quan trọng nhất. Khi đó trẻ như tờ giấy trắng nên nhập tâm mọi việc rất nhanh và dễ. "Núi sông dễ chuyển, bản tính khó dời". Lúc trẻ đã nhập cái ác vào rồi thì lớn khó thay đổi lắm. Nếu trẻ thấy ông bà hiền từ, bố mẹ thân thiện thì tất nhiên, trẻ cũng nhập tâm luôn điều đó.
Dạo này người ta hay nhắc đến cụm từ "khủng hoảng tình thương", ông có thấy thế không?
Đúng rồi. Vì người ta quan tâm đến tiền nhiều quá. Ai cũng muốn giàu cả nhưng người ta cần phải biết làm người trước khi làm giàu. Cần phải dạy trẻ làm người trước khi dạy làm… tiền. Chúng ta thường vội lao vào thuật hành nghề kiếm tiền, đa số bây giờ còn không thèm quan tâm đến ngành nghề mà tất cả đều có một tử số chung là kiếm tiền bất cần ngành nghề, bất cần đạo lý. Sợ nhất trong mọi nỗi sợ là mất gốc - Mất đi đạo lý làm người, mất đạo lý tạo dựng sự nghiệp.
Tôi kể một câu chuyện thế này, khi hỏi một em nhỏ: "Em thích nhất cái gì?", em ấy trả lời: "Tiền!". Hỏi tiếp: "Sau này lớn lên em làm gì?" em ấy nói: "Kiếm tiền!". Đâu đâu cũng chỉ nói đến tiền, làm tiền… Mặt ai cũng chỉ có một chữ tiền. Bây giờ tôi mới hiểu tại sao người ta lại mê nhà "mặt tiền" như thế! Chắc phải đưa một khái niệm mới vào cuộc đời "người mặt tiền".
Cần phải biết làm giàu thì giàu cơ bản nhất là giàu tình thương, giàu tính người. Từ đó ta phát triển năng lực bản thân. Năng lực bản thân bao gồm ba yếu tố: Kiến thức, kĩ năng và thái độ thì thái độ phải chiếm 75%, "chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài". Thế giới bây giờ đang dịch chuyển từ thông minh logic sang thông minh cảm xúc - EI (Emotional Intelligence).
Cái giàu vật chất là giàu hữu hình, hữu hình là hữu hạn. Cái giàu vô hình mới là vô hạn, vô cùng vô tận, vô lượng vô biên, giàu năng lực, giàu thái độ giàu đạo và thuật làm người mới là cái gốc để giàu vật chất. Để đạt được điều đó, cần phải dạy trẻ đạo làm người, tình người trước khi nhồi nhét vào đầu óc trẻ những kiến thức vô bổ. Dạy tình người chính là dạy trẻ biết yêu thương đồng loại. Trong trường hợp của bé 12 tuổi này, bé không yêu thương được chính họ hàng của mình thì thật nguy hiểm.
Thanh Xuân - Bảo Hằng