Quy định phù hợp với tình hình mới
Viện kiểm sát Nhân dân Tối cao, Bộ Công an, Bộ Quốc Phòng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính vừa thống nhất ban hành Thông tư liên tịch quy định chi tiết việc áp dụng căn cứ tạm đình chỉ vì lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh.
Theo đó, cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng chỉ được tạm đình chỉ giải quyết vụ việc, vụ án vì lý do bất khả kháng do thiên tai (quy định tại điểm c khoản 1 Điều 148, điểm d khoản 1 Điều 229 hoặc điểm d khoản 1 Điều 247 Bộ luật Tố tụng hình sự) khi có đủ các căn cứ đã quy định.
Thông tư này được kỳ vọng sẽ tháo gỡ khó khăn cho các cơ quan chức năng trong thực hiện các biện pháp tố tụng đối với các vụ án hình sự.
Thực tế, thời gian qua, các lực lượng chức năng, trong đó có lực lượng Hải quan gặp khó khăn trong việc thực hiện các biện pháp tố tụng đối với các vụ án hình sự do dịch Covid-19, nước ta áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội, ảnh hưởng đến thời hạn xử lý theo quy định. Trong khi quy định trước đó chưa có nội dung tạm đình chỉ vì lý do như trường hợp dịch Covid-19 vừa qua.
Lý giải về việc áp dụng quy định mới này, bà Hoàng Thị Quỳnh Chi, Vụ trưởng Vụ Pháp chế và quản lý khoa học (Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao- cơ quan chủ trì soạn thảo Thông tư) cho biết, về nguyên tắc áp dụng căn cứ tạm đình chỉ “vì lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh” (Điều 2) quy định rõ: Khi áp dụng căn cứ tạm đình chỉ “vì lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh” quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều 148, Điểm d Khoản 1 Điều 229 và Điểm d Khoản 1 Điều 247 Bộ luật Tố tụng hình sự, cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải thực hiện các nguyên tắc gồm: tuân thủ các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự và các quy định của pháp luật khác có liên quan; chỉ áp dụng căn cứ tạm đình chỉ “vì lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh” khi thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 3, Điều 4 Thông tư liên tịch này; bảo đảm quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức và cá nhân liên quan.
Đồng thời, bảo đảm thận trọng, cân nhắc kỹ lưỡng khi quyết định áp dụng căn cứ này đối với từng vụ án, vụ việc cụ thể; không để xảy ra tình trạng lạm dụng. Đồng thời, bảo đảm kiểm soát tội phạm; hạn chế tối đa việc ảnh hưởng đến giải quyết vụ án, vụ việc khi được phục hồi.
Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Nguyễn Chiến- Ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội khóa XIV cho rằng, thực tiễn dịch bệnh Covid-19 phức tạp chưa từng có trong thời gian qua đã đặt ra yêu cầu cần phải bổ sung quy định về các căn cứ tạm đình chỉ điều tra, tạm đình chỉ vụ án vì lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh. Đây là quy định cần thiết.
Đồng tình với với quan điểm trên, luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư Tp.Hà Nội) cho rằng, bổ sung căn cứ tạm đình chỉ điều tra “vì lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh” là phù hợp với tình hình mới.
“Về nguyên tắc trong tố tụng là phải giải quyết liên tục, nhanh chóng, kịp thời, đảm bảo quyền công dân, quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước, của tổ chức, của cá nhân. Tuy nhiên, thực tế vừa qua cho thấy, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp; tác động, ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống xã hội. Bởi vậy, diễn biến của dịch bệnh có thể được xác định là bất khả kháng, có thể tạm đình chỉ giải quyết vụ án hình sự trong các giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử”, luật sư Đặng Văn Cường phân tích.
Cũng theo vị này, quy định này sẽ đảm bảo việc giải quyết vụ án hình sự đúng luật, không gây áp lực, quá tải cho cơ quan tiến hành tố tụng trong thời điểm dịch bệnh, làm cơ sở pháp lý để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho các bị can, bị cáo, người bị hại và các đương sự khác trong vụ án hình sự.
Tuy nhiên, khi tổ chức thực hiện quy định này thì cần phải có văn bản hướng dẫn để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của bị cáo, bị can trong những trường hợp vụ việc kéo dài khiến việc tạm giam, cấm đi khỏi nơi cư trú vẫn được duy trì.
Tránh lạm dụng việc “vin” vào lý do dịch bệnh
Theo nhận định của luật sư Đặng Văn Cường, dịch bệnh là bất khả kháng, tuy nhiên, quy định về thời hạn tố tụng trong vụ án hình sự hiện nay chưa cụ thể, đặc biệt là với những vụ án mà tòa án hủy án để điều tra lại thì thời hạn điều tra, truy tố, xét xử lại được tính lại từ đầu, dẫn đến việc có những vụ án kéo dài nhiều năm vẫn chưa có hồi kết, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của bị can, bị cáo, của các cá nhân, tổ chức và của Nhà nước.
“Có thể bổ sung các trường hợp tạm đình chỉ giải quyết vụ án hình sự nhưng cũng cần tính đến việc quy định hồi kết cho vụ án hình sự để tránh vụ việc, vụ án kéo dài lê thê, việc tạm đình chỉ không có giới hạn. Tuy nhiên, không được để lạm dụng lý do vì thiên tai, dịch bệnh mà tạm đình chỉ vụ án; bất đắc dĩ mới phải sử dụng đến quy định này”, luật sư Cường nêu quan điểm.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Chiến cho rằng, chủ trương chung là hãn hữu mới phải áp dụng quy định tạm đình chỉ vụ án vì lý do thiên tai, dịch bệnh; thế nhưng, những tình huống liên quan thì vẫn phải tính toán kỹ.
Đối với những tội phạm ít nghiêm trọng thì có thể đưa về, giao cho địa phương quản lý. Thế nhưng, với những đối tượng bị điều tra về tội đặc biệt nghiêm trọng, thậm chí còn không có nơi cư trú rõ ràng thì sẽ xử lý như thế nào? Theo đó, các cơ quan chức năng phải tính toán rất kỹ đối với các trường hợp này và có hướng dẫn cụ thể, để làm sao vừa bảo đảm quyền con người theo quy định của Hiến pháp và vừa bảo đảm quy trình tố tụng theo quy định của Luật.
Trong chương trình Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao trình Quốc hội xem xét dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình, trong đó có nội dung đáng chú ý là bổ sung căn cứ tạm đình chỉ khởi tố, điều tra, truy tố “vì lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh”.
Theo báo cáo của Công an và Viện kiểm sát cấp tỉnh, kể từ khi thực hiện triệt để việc giãn cách, cách ly phòng, chống dịch Covid-19 theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đến thời điểm hiện nay, có 171 tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố đã gần hết thời hạn kiểm tra, xác minh, có 77 vụ án đã gần hết thời hạn điều tra nhưng chưa có căn cứ để ban hành quyết định tố tụng, có 111 vụ án đang gặp khó khăn, vướng mắc ở giai đoạn truy tố do không thể tiến hành được hoạt động tố tụng để quyết định việc truy tố.
Ngân Giang