Cần quy định cho phép tịch thu tài sản bất minh để chống tham nhũng

Cần quy định cho phép tịch thu tài sản bất minh để chống tham nhũng

Dương Thị Thu

Dương Thị Thu

Thứ 3, 07/11/2017 07:08

Tham gia ý kiến thảo luận về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2017, ĐBQH Phạm Văn Hòa (đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp) cho rằng, tham nhũng làm tổn hại nghiêm trọng đến nền kinh tế, gây bức xúc trong nhân dân; uy tín của Đảng, Nhà nước từ đó cũng bị giảm sút.

Người đứng đầu bị xử lý còn ít

Vị Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp đánh giá, trong năm 2017, công tác phòng, chống tham nhũng đã có sự khắc phục sâu về hạn chế, thiếu sót thời gian qua. Tệ nạn tham nhũng được tích cực đẩy lùi, quan tâm của những người trong cuộc có mạnh mẽ và quyết tâm hơn. Tuy nhiên, công tác này vẫn còn những bất cập cần phải tiếp tục quan tâm.

ĐBQH Phạm Văn Hòa chỉ rõ: “Công tác phòng ngừa và đấu tranh chống tham nhũng chưa chặt chẽ, sâu sát. Xử lý hành vi tham nhũng vẫn còn sự nể nang. Cơ chế xin-cho vẫn tồn tại chưa khắc phục được.

Có những đối tượng phạm pháp còn che giấu mắt xích phạm tội nhằm thực hiện ý đồ thà “hy sinh” một vài mắt xích để cứu cả đường dây. Số người có chức quyền thời gian qua mang tai tiếng và bị xử lý kỷ luật liên quan đến tài sản bất minh chỉ có số ít kê khai không trung thực, số lớn còn lại thì không được phát hiện.

Xã hội - Cần quy định cho phép tịch thu tài sản bất minh để chống tham nhũng

ĐBQH Phạm Văn Hòa. (Ảnh: Quochoi.vn).

 Các vụ án tham nhũng lớn thất thoát hàng nghìn tỷ đồng phần lớn do nội bộ tố cáo, truyền thông phát hiện vào cuộc, còn cơ quan kiểm toán, thanh tra phát hiện chuyển cơ quan điều tra làm rõ thì không nhiều.

Lợi ích nhóm, tiêu cực thường rất tinh vi, có sự bao che, “cầm tiền chia chỗ này, chạy chỗ kia” nên khó phát hiện, kiểm soát. Đạo đức công vụ của cán bộ công chức ở một số lĩnh vực yếu kém, lợi dụng nhiệm vụ được giao để trục lợi cá nhân.

Việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng vẫn còn gặp nhiều khó khăn do chưa có quy định rõ ràng. Số người đứng đầu bị xử lý còn ít so với vụ việc tham nhũng được phát hiện”.

Xử lý tham nhũng “quan cũng như dân”

Theo ĐBQH Phạm Văn Hòa, để công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng đạt hiệu quả cao trong thời gian tới, cần tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục về phòng, chống tham nhũng, xử lý người có hành vi tham nhũng. Quy định về liên đới trách nhiệm và xử lý nghiêm người đứng đầu cơ quan, đơn vị nếu để xảy ra vụ việc tham nhũng do công chức, viên chức thuộc quyền của mình gây nên.

Tập trung công tác thanh tra, kiểm tra trên các lĩnh vực nhạy cảm có nhiều dư luận quan tâm đến tham nhũng như: Tài chính, ngân hàng, thuế, hải quan, đất đai, thanh tra giao thông, cảnh sát giao thông, các doanh nghiệp Nhà nước…

Bố trí cán bộ có đức, có tài, có tâm trong sáng ở cơ quan thanh tra, kiểm toán. Khi phát hiện tổ chức, cá nhân có hành vi tham nhũng, điều cốt lõi là làm sao cho các đối tượng này tự giác nhìn nhận hành vi của mình, mà hoàn trả lại tài sản tham nhũng cho Nhà nước; hoặc các đối tượng đã bị truy tố, mà bản thân cũng như gia đình cam kết trả lại tài sản tham nhũng, cũng được hưởng chính sách khoan hồng trong xét xử.

Ngược lại thì phải bị xử lý nghiêm minh không có vùng cấm “quan cũng như dân”. Có như thế, thân nhân của người tham nhũng mới mang tài sản ra hoàn trả, để chuộc tội cho người thân.

“Thực tế nhiều tài sản tham ô đã phân tán, chuyển cho người thân làm chủ sở hữu. Qua các vụ án tham nhũng đã xử lý quan tham là chủ tài sản rất ít, nên thu hồi lại được không đáng là bao. Đây là điều mong muốn của cử tri, làm sao thu hồi tài sản các vụ án tham nhũng càng nhiều càng tốt, tránh thất thoát cho Nhà nước.

Cần có quy định trách nhiệm của cơ quan, cá nhân thanh tra, kiểm toán khi đã thực hiện nhiệm vụ, dù chủ quan hay khách quan để lọt các trường hợp vi phạm. Có như vậy mới nâng cao trách nhiệm công tác thanh tra, kiểm toán, cũng như kiểm soát chính những công việc mà các cơ quan, cá nhân này thực hiện nhiệm vụ.

Vì thời gian qua dư luận rất quan tâm đến các vụ việc đã thanh tra, kiểm toán mà vẫn không phát hiện, dễ tạo nghi ngờ có sự bao che hoặc công bố kết quả kết luận rất nhẹ nhàng có lợi cho chủ thể được thanh tra, kiểm toán.

Bảo đảm mức sống cho những người hưởng lương trong khu vực Nhà nước cũng là giải pháp căn cơ, nhất là người có chức vụ quyền hạn. Làm như vậy họ không dám, không muốn tham nhũng và luật pháp phải hoàn chỉnh chặt chẽ, bảo đảm ai đó có muốn tham nhũng cũng không thể.

Phòng và chống phải coi trọng phòng, để không xảy ra sai phạm hoặc tái phạm, đồng thời phải đi đôi với thực hành tiết kiệm chống lãng phí. Việc thanh toán thông qua tài khoản không dùng tiền mặt cũng là giải pháp cần chú ý để dễ dàng kiểm soát thu nhập, tài sản”, ĐBQH Phạm Văn Hòa nói.

Ông cũng đề cập đến việc kê khai tài sản, thu nhập. Theo đó, đối tượng kê khai phải trọng tâm, trọng điểm, không tràn lan để dễ dàng kiểm soát, tập trung người có chức vụ, quyền hạn, người làm việc nơi nhạy cảm, dư luận quan tâm nhiều, lãnh đạo các doanh nghiệp…

Người kê khai phải chịu trách nhiệm về tính trung thực của mình. Việc kê khai phải được cơ quan chức năng thẩm định cụ thể, rõ ràng, để kịp thời phát hiện tài sản bất minh, nhằm ngăn ngừa, tác động, không dám tham nhũng.

“Vấn đề này thời gian qua vẫn còn hình thức, hiệu quả thấp, chưa kiểm soát được tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn. Do số đối tượng kê khai vượt quá khả năng của cơ quan kiểm soát.

Kê khai phải công khai, minh bạch cho người dân nơi cư trú cũng như công chức, viên chức cơ quan người đó làm việc được biết để giám sát thường xuyên, chứ không phải để bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, bầu cử, ứng cử mới công khai.

Ngoài ra cũng cần có quy định cụ thể cho phép tịch thu tài sản bất minh. Có như thế công tác phòng chống tham nhũng mới hiệu quả, tạo lòng tin trong nhân dân”, ĐBQH Phạm Văn Hòa nhấn mạnh.

 

 

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.