Thời gian qua, trên cả nước đã diễn ra rất nhiều hoạt động tổ chức kỷ niệm các ngày lêî̃ lớn, nhỏ khác nhau. Tác động về mặt ý nghĩa thì chưa thể xác định được nhưng những con số hạch toán chi phí khổng lồ từ các cuộc đại lễ được công bố lại khiến nhiều người không khỏi giật mình. Trước thực tế trên, trong đợt họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội (ngày 13/8) vừa qua, có đại biểu cho rằng, nên tổ chức lễ diễu binh 10 năm một lần vào dịp Quốc khánh để người dân thấy được sự phát triển của đất nước. Ý kiến này ngay lập tức thu hút được nhiều sự quan tâm của dư luận.
Kỷ niệm đại lễ ngàn năm Thăng Long - Hà Nội từng gây sốt vì kinh phí khủng
Có cần mốc giới cho kỷ niệm?
Tại cuộc họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội liên quan đến việc cho ý kiến về việc ban hành Nghị định quy định về tổ chức các ngày kỷ niệm; nghi thức trao tặng, đón nhận danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng; nghi lễ đối ngoại và đón tiếp khách nước ngoài, chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách, ông Phùng Quốc Hiển cho rằng: Nên tổ chức lễ diễu binh, diễu hành 10 năm một lần vào dịp Quốc khánh. Bởi 10 năm là khoảng thời gian rất xa. Rõ ràng đó là sự động viên để người dân thấy sự phát triển của đất nước. Cũng theo ông Hiển, quy định trong văn bản này cần cụ thể.
Với những người làm chính sách thì cần sự cụ thể về thời gian, con số nhưng thực tế lại không phải vậy. Đại diện UBND TP. Hà Nội cho biết: 5 năm, 10 năm hay 15 năm; năm chẵn, năm lẻ ... không quan trọng bằng kinh phí và cách thức tổ chức. Năm chẵn mà không chuẩn bị được kinh phí, không huy động được nguồn lực thì rất khó tổ chức lễ kỷ niệm. Kinh phí Nhà nước cấp so với thực tế rấ cách xa nhau. Vì thế, Nhà nước cần cho địa phương tự chủ động trong việc tiến hành tổ chức những ngày lễ lớn của mình. Việc chủ động này giúp địa phương, bộ, ngành hạn chế được rất nhiều phát sinh không cần thiết. Hơn nữa, nếu địa phương, bộ, ngành được chủ động thời gian tổ chức, họ sẽ có kế hoạch tuyên truyền, huy động nguồn lực tốt hơn. Tổ chức càng bài bản thì ngày lễ đó càng mang lại ý nghĩa và đạt hiệu quả tuyên truyền, quảng bá hình ảnh cao hơn.
Không cần máy móc theo lập trình
Ông Vũ Hoàng Văn nguyên lãnh đạo của sở Kế hoạch đầu tư tỉnh Phú Thọ cho biết: Phú Thọ là tỉnh có nhiều ngày lễ kỷ niệm lớn của địa phương và dân tộc. Từ khi giỗ tổ Hùng Vương được công nhận là ngày quốc lễ thì hàng năm địa phương có thêm khoản kinh phí hỗ trợ từ Trung ương. Thế nhưng, điều đó không đồng nghĩa là lễ kỷ niệm sẽ trang trọng, hoành tráng, ý nghĩa và hiệu quả hơn. Theo tôi, vấn đề ở chỗ là cách thức tổ chức như thế nào để nhận được sự đồng thuận cao từ người dân, các cơ quan đoàn thể ... mới là quan trọng. Có hiệu ứng xã hội tốt thì mới mang ý nghĩa sâu sắc. Nếu cứ khuôn phép, tổ chức theo kiểu lập trình thì chưa chắc đã hiệu quả. Tùy từng đại lễ, ngày lễ của địa phương mà nơi đó lên kịch bản cho phù hợp, bỏ đi những tiểu tiết rườm rà không cần thiết. Trong lễ kỷ niệm, phần văn hóa, nghệ thuật, phần phối cảnh phụ trợ như tổ chức hội chợ, cuộc thi thể thao... nếu không cần thiết thì nên lồng ghép vào ngay trong lễ khai mạc, sẽ giảm được rất nhiều chi phí mà vẫn tạo được sự trang trọng, hoành tráng.
Ông Nguyễn Thành Loan, cán bộ về hưu (ở Hải Phòng) bộc bạch: Phải chấn chỉnh lại hoạt động này để những ngày lễ kỷ niệm mang ý nghĩa và tầm vóc thực sự. Nếu không nhiều nơi, nhiều cá nhân, lợi dụng việc tổ chức lễ kỷ niệm, “vẽ” ra rất nhiều “hạng mục” để hưởng lợi. Hiện tượng này đã từng diễn ra, khiến tài cho ngày lễ kỷ niệm phình to một cách ngỡ ngàng.
Ông Trần Hoàng Thái, một doanh nhân ở Hà Nội than thở: Mỗi lần chuẩn bị kỷ niệm ngày lễ nào đó, doanh nghiệp nhận được gợi ý từ chính quyền địa phương như hỗ trợ xe, người, kinh phí ...Nếu lễ kỷ niệm hoàn thành tốt, tạo hình ảnh đẹp thì công lao của doanh nghiệp không uổng phí. Song, trên thực tê, có những lễ kỷ niệm thực sự rất úi xùi so với dự kiến, kế hoạch. Theo tôi, chúng ta không nên rập khuôn, phải có những hạng mục này, kia mà chỉ cần chuẩn chỉ phần nghi thức để người dân thấy được sự trang trọng, thành kính, hướng tâm của người đương thời đối với các sự kiện, nhân vật trong lễ kỷ niệm. Theo doanh nhân trẻ Lương Đức Hà (ở Hòa Bình) thì cần phân biệt rõ ngày lễ của cả dân tộc và của riêng địa phương. Các ngày lễ của cả dân tộc như Quốc khánh, ngày thành lập Đảng cộng sản, ngày quốc giỗ (giỗ tổ Hùng Vương)... cũng cần có chu kỳ cụ thể. Việc duyệt binh, diễu hành trong ngày Quốc khánh là cần thiết. Nó tái hiện được lịch sử, hiện tại và sức mạnh tổng thể của cả dân tộc. Tất nhiên, với một ngày lễ kỷ niệm lớn, ý kiến trái chiều về hiệu quả tất yếu sẽ xảy ra.
Nhật Hồng- N.Giang