Nguy cơ chực chờ
Là loại hình kinh doanh có điều kiện, các cơ sở thu mua phế liệu cần phải đạt nhiều tiêu chí, như: giấy phép kinh doanh đúng với chức năng; đảm bảo môi trường, hệ thống xử lý chất thải (nước, không khí) phải đạt tiêu chuẩn quy định; hệ thống phòng, chống cháy, nổ đúng quy định... Tuy nhiên, ghi nhận thực tế của phóng viên cho thấy, hầu hết các cơ sở kinh doanh phế liệu trên địa bàn các phường nội ô TP.Biên Hòa đều không đáp ứng được các điều kiện này.
Chiếc xe tải “cõng” đầy phế liệu từ khu vực phường Tam Hiệp (TP.Biên Hòa) đi tiêu thụ. (Ảnh chụp trên đường Trần Quốc Toản).
Theo thống kê, trong hơn 300 cơ sở thu mua phế liệu ở TP.Biên Hòa, chỉ vài chục cơ sở có giấy phép. Đa số cơ sở này lại không đảm bảo về môi trường. Việc hình thành và đi vào hoạt động của các cơ sở này chủ yếu là… “làm chui”. Chính vì vậy, nguy cơ mất an toàn, dễ xảy ra cháy, nổ trong quá trình lưu giữ, vận chuyển phế liệu dễ cháy này rất lớn.
Các cơ sở kinh doanh phế liệu gây ô nhiễm môi trường cho người dân sinh sống xung quanh cũng là vấn đề rất đáng lo ngại. Đặc biệt là nạn ô nhiễm không khí, nguồn nước và tiềng ồn…
Ngoài ra, các điểm thu mua phế liệu tạo ra các “bãi rác” ở chốn công cộng đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến mỹ quan đô thị. Nhiều tuyến đường đẹp, khu dân cư trong lành đã bị các cơ sở thu mua phế liệu làm nhếch nhác vì… rác.
Anh V.M. (ngụ KP5, phường Long Bình) cho biết, do nhà ở cạnh cơ sở thu mua phế liệu của bà H., nên gia đình anh thường xuyên hứng chịu những đợt bốc mùi hôi thối từ cơ sở này. Theo anh M., mỗi lần cơ sở của bà H. súc, rửa các thùng hóa chất là y như rằng những người dân xung quanh phải chịu đựng mùi hôi khó chịu. Anh M. còn nhiều lần chứng kiến cơ sở này thu gom cả những quả bom, đạn hoen rỉ, khiến anh luôn nơm nớp lo sợ và dặn dò con cái không được bén mảng gần cơ sở thu mua phế liệu để đề phòng sự cố cháy, nổ xảy ra.
Tại địa bàn KP2, phường Trảng Dài, nhiều người dân nơi đây thường xuyên bị tra tấn bởi tiếng ồn từ cơ sở thu mua phế liệu của gia đình ông T. Theo một người dân sống gần đó, hầu như ngày nào cơ sở của ông T. cũng tiến hành cắt, xẻ, sắp xếp phế liệu (chủ yếu là sắt, đồ nhựa…), gây ầm ĩ cả tổ dân phố.
Còn anh D.H. (ngụ KP8, phường Tam Hiệp) thì bức xúc bởi cứ vào khoảng 5-6 giờ sáng mỗi ngày, phải chứng kiến xe chở phế liệu của các cơ sở thu mua gần đó chất đầy từng “núi” phế liệu chạy như điên trên đường. “Với một lượng hàng như thế, nguy cơ lật xe, gây tai nạn là điều có thể xảy ra” - anh H. lo lắng nói.
Cần sự vào cuộc...
Trao đổi với chúng tôi, ông Đặng Văn Minh, Phó trưởng phòng Tài nguyên - môi trường (TN-MT) TP.Biên Hòa, cho biết: “Sau khi có văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh (số 8557/UBND-NL ngày 30-12-2005) về việc quản lý, quy hoạch các dự án thu gom, xử lý chất thải trong nội ô khu vực đô thị, khu dân cư tập trung, UBND TP.Biên Hòa đã chỉ đạo Phòng TN-MT phối hợp với các địa phương thực hiện nội dung chỉ đạo của UBND tỉnh. Theo đó, các ngành, địa phương phải có biện pháp xử lý đối với các doanh nghiệp, hộ gia đình kinh doanh, thu gom xử lý chất thải… gây ô nhiễm môi trường, làm ảnh hưởng đến sức khỏe của cộng đồng”. Ông Minh còn cho biết, theo tinh thần chỉ đạo của UBND tỉnh tại văn bản 8557, thì các đơn vị, địa phương kiểm tra, không thụ lý hồ sơ và không để phát sinh các điểm kinh doanh phế liệu trong khu vực đô thị, khu dân cư tập trung.
Mặc dù UBND tỉnh đã có chỉ đạo cụ thể, nhưng thực tế cho thấy tình trạng người dân lao vào kinh doanh phế liệu vẫn diễn ra khá phổ biến.
Ông Tống Thanh Đa, Chủ tịch UBND phường Long Bình, cho biết: “Hơn 40 điểm kinh doanh phế liệu hoạt động trên địa bàn phường đã gây không ít khó khăn cho chính quyền địa phương trong công tác quản lý. Trước những sai phạm của các chủ cơ sở này, cán bộ địa phương đã nhiều lần phối hợp với lực lượng cảnh sát môi trường tiến hành xử phạt và cho họ viết cam kết không tái phạm, nhưng mọi việc sau đó lại diễn ra như cũ”.
Nguyên nhân của thực trạng trên, theo ông Đa, một phần là do nghiệp vụ chuyên môn của cán bộ phụ trách còn thiếu và yếu, nên thường vấp phải khó khăn trong quá trình xử lý. Tuy nhiên, ông Đa cũng nhấn mạnh, để giải quyết dứt điểm tình trạng này, ngoài việc tập trung tuyên truyền ý thức chấp hành của người dân, chính quyền các địa phương cần có sự hỗ trợ nhiệt tình của các ngành chức năng khác.
Trao đổi về vấn đề này, ông Vũ Ngọc Duy, Phó chủ tịch UBND phường Tân Mai, cho biết: “Ngoài việc thường xuyên kiểm tra, xử lý đối với các hộ kinh doanh phế liệu vi phạm môi trường, chính quyền địa phương cũng mong muốn kế hoạch di dời các cơ sở kinh doanh phế liệu ra khỏi khu vực nội ô của TP.Biên Hòa sớm được thực thi. Trên thực tế, chính những người dân thường xuyên bị ảnh hưởng cũng tự đấu tranh với các hộ kinh doanh phế liệu gây ô nhiễm, buộc các cơ sở này từ chỗ ngưng hoạt động đến việc phải tự di dời”.
Đội Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường Công an TP.Biên Hòa đã liên tục kiểm tra, xử phạt các cơ sở kinh doanh phế liệu gây ô nhiễm. Theo thống kê, trong thời gian qua, lực lượng công an đã phối hợp với Phòng TN-MT tiến hành kiểm tra, xử phạt hành chính khoảng 100 cơ sở vi phạm, thu nhiều phương tiện có liên quan. Ngoài ra, các phường, xã cũng đã tiến hành kiểm tra, xử phạt đối với 41 cơ sở vi phạm về lĩnh vực môi trường và giấy phép kinh doanh.
Tuy nhiên, những biện pháp xử lý thời gian qua vẫn chưa thể giải quyết rốt ráo vấn đề. Vì vậy, tình trạng kinh doanh phế liệu tràn lan, gây ô nhiễm môi trường vẫn còn phải chờ một giải pháp đồng bộ của các ngành liên quan mới có thể chấn chỉnh triệt để.
Theo Báo Đồng Nai