Thời gian vừa qua, sự bùng nổ của ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách như Uber, Grab chiếm lĩnh thị trường làm cho một số loại hình vận tải truyền thống bị "chết yểu", khiến nhiều chuyên gia cho rằng, cần phải có giải pháp mạnh để quản lý loại hình vận tải này.
Mới đây, tại hội nghị sơ kết đánh giá 1 năm thực hiện đề án thí điểm ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng, ông Hà Huy Quang - Phó giám đốc sở GTVT Hà Nội cho rằng, Uber, Grab là dạng taxi nên phải quản lý như taxi truyền thống, để cạnh tranh công bằng chứ không thể để mỗi loại quản lý một kiểu và muốn quản lý được, phải có thể chế quản lý.
Ông Quang cho rằng, “Thời gian vừa qua, số lượng xe Uber, Grab tăng nhanh không kiểm soát nổi. Chúng tôi không nắm nổi Uber có mấy nghìn xe, thậm chí phải xin số liệu mà không được. Nguyên nhân của việc khó quản lý là do logo doanh nghiệp chủ động dán nên Sở không nắm được và không quản lý được. Uber, Grab phải dán logo, thậm chí đeo mào để dễ nhận biết, quản lý và điều hành”, ông Quang đề xuất.
Liên quan tới vấn đề này, trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, lãnh đạo tổng cục Đường bộ Việt Nam cho rằng: “Cần phải nghiên cứu lên phương án kiểm soát lượng xe Uber, Grab để quản lý như taxi truyền thống. Như vậy, mới tạo ra được sự cạnh tranh công bằng giữa các đơn vị kinh doanh vận tải với nhau. Hiện nay, bộ GTVT chỉ cho thí điểm tại một số thành phố nếu hiệu quả mới cho phát triển rộng rãi”.
Trong khi đó, Thứ trưởng bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho biết, thời gian qua, các văn bản pháp luật chưa theo kịp để quản lý loại hình Uber, Grab nên có sự lúng túng. Bộ GTVT đang sửa Nghị định 86/NĐ –CP ngày 10/9/2014 của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ôtô, nhằm có giải pháp tích cực để quản lý các xe này.
Thứ trưởng Trường cho hay, việc các sở GTVT không kiểm soát được hoạt động của các loại hình này một phần xuất phát từ sự yếu kém của cơ quan quản lý Nhà nước. Vận tải là thị trường mở, không áp đặt số lượng phương tiện. Các sở GTVT cần xem xét thống nhất một loại logo dán ở cửa trước của xe và tem hợp đồng phải dán trước kính xe cho các xe hợp đồng.
Bộ GTVT thống nhất với ý kiến của các sở GTVT là phải có quy hoạch số lượng xe taxi và xe hợp đồng, nhất là đối với các đô thị lớn. Việc cấp phép xe hợp đồng sẽ xem xét ủy quyền cho địa phương và phải được quản lý chặt. Xe hợp đồng phải đăng ký hoạt động với sở GTVT, một xe cũng phải đăng ký và phải được giám sát đăng ký thông qua thiết bị GSHT.
Thế Anh