Theo tin từ cục Viễn thông (bộ TT&TT), trong thời gian tới, cục này sẽ thực hiện đo kiểm định kỳ và đo kiểm đột xuất khi có phản ánh của người dân về chất lượng dịch vụ 4G. Nếu nhà mạng nào vi phạm sẽ bị xử phạt theo Nghị định 174 của Chính phủ.
Bên cạnh đó, về phía Bộ cũng sẽ tiếp tục thúc đẩy sự cạnh tranh giữa các nhà mạng, giúp người tiêu dùng được sử dụng dịch vụ chất lượng tốt nhất.
Với 36.000 trạm phát sóng 4G, phủ tới 95% dân số, 700 huyện, 11.000 xã, hiện nhà mạng Viettel đang là nhà mạng đầu tiên có vùng phủ sóng rộng khắp toàn quốc ngay khi chính thức cung cấp dịch vụ 4G.
Trong khi đó, các nhà mạng khác cũng có những chiến lược riêng. Được biết, tính đến thời điểm hiện nay, VNPT đã chính thức cung cấp dịch vụ tại các tỉnh Cà Mau, Đồng Nai, Bình Dương, các tỉnh còn lại như khách hàng vẫn đang được trải nghiệm 4G tính cước như 3G. Sau khi chính thức cung cấp dịch vụ tại 13 tỉnh thành giai đoạn 1, VinaPhone cũng gấp rút triển khai giai đoạn 2 của đề án, đẩy nhanh tiến độ phủ sóng trên toàn quốc sớm nhất trong năm 2017 này.
Thông tin này từ đại diện VNPT cho thấy, cuộc cạnh tranh giữa các nhà mạng trong việc cung cấp dịch vụ 4G đến với người dùng Việt hiện rất gay gắt. Tất nhiên, mỗi nhà mạng sẽ có những chiến lược riêng, nhưng không thể bỏ qua sự hài lòng của khách hàng.
Để có cái nhìn khách quan hơn về vấn đề này, PV báo Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Thái Khang, Trưởng ban công nghệ thông tin của báo Bưu điện Việt Nam.
Ông Khang nhìn nhận, công nghệ Viettel chọn hiện nay là công nghệ hiện mới nhất về 4G, công nghệ có tốc độ cao nhất hiện nay là 4 thu 4 phát (trước đây là công nghệ 2 thu, 2 phát – PV). “Chúng tôi đã đo kết quả thử nghiệm ở môi trường lý tưởng từ 80 Mbps đến 110 Mbps. Đây là tốc độ khá cao”, ông Khang nói.
Tuy nhiên, đấy chỉ là trong điều kiện lý tưởng. Điều kiện lý tưởng như ông Khang phân tích là ít thuê bao hoặc chưa có nhiều thuê bao sử dụng 4G. “Nếu có nhiều thuê bao, tốc độ sẽ giảm xuống, giống như đường cao tốc, nếu như có nhiều xe thì tốc độ sẽ chậm hơn”, ông Khang nêu ví dụ.
Với kinh nghiệm nhiều năm công tác lĩnh vực công nghệ, ông Khang phân tích thêm, công nghệ mới chất lượng tốt, nhưng có hạn chế là một số máy đầu cuối chưa tương thích do chưa hỗ trợ. Trong thời gian ngắn nữa các nhà mạng sẽ khắc phục điều này. Do đó, đây không phải vấn đề lớn.
Việt Nam là một trong số những nước cuối cùng của khu vực triển khai sử dụng 4G. Việc đi sau cũng là một lợi thế bởi chúng ta có thể lựa chọn công nghệ tiên tiến hơn, sau này cung cấp dịch vụ sẽ có chất lượng phục vụ tốt hơn. Người đi sau sẽ tận dụng được công nghệ mới, giải quyết tốt hơn nhiều vấn đề mà công nghệ đi trước chưa làm được.
Cũng theo ông Thái Khang, dù sử dụng bất kỳ công nghệ hiện đại nào, nếu nhà mạng không đảm bảo chất lượng, ví dụ khi một trạm 4G bị quá tải hoặc cung cấp quá nhiều thuê bao, không được nâng cấp mạng lưới, chất lượng sẽ kém.
“Như tôi đã nói, giống như đi đường cao tốc, tiêu chuẩn đi 100 người mà đi quá thậm chí đến 1000 người đương nhiên nó sẽ bị tắc nghẽn. Vấn đề ở đây là phải có chế tài. Bộ Thông tin và Truyền thông cần sớm đưa ra quy định tiêu chuẩn về chất lượng 4G. Tiêu chuẩn đó là bắt buộc với nhà mạng và phải được đo kiểm thường xuyên. Ngoài việc kiểm tra khi khách hàng phản ánh còn có những đo kiểm định kỳ theo luật, công khai kết quả đo kiểm để khách hàng tự lựa chọn”, ông Khang đề nghị.
“Quy chuẩn về chất lượng 4G phải đc bộ Thông tin và Truyền thông đưa ra sớm. Như vậy vừa đảm bảo quyền lợi khách hàng, bắt buộc các nhà mạng phải tuân thủ đảm bảo quy định chất lượng, không phải cứ lên 4G là tốc độ cao. Nếu nhà mạng vi phạm quy chuẩn phải xử phạt công khai để khách hàng biết. Thêm nữa phải thúc đẩy sự cạnh tranh, nếu có nhiều nhà mạng họ sẽ có lựa chọn”, vị chuyên gia phân tích thêm.
Cũng theo nhìn nhận của ông Nguyễn Thái Khang, cước 4G sẽ rẻ hơn vì tỉ lệ đầu tư cho 4G rẻ hơn so với 3G. “Chỉ 1 năm nữa thôi, 4G sẽ phủ rộng hơn 3G rất nhiều”, ông Khang đưa ra dự đoán cá nhân.
Phong Thu