Nhận 2 giải thưởng lớn trước lùm xùm
Mới đây, độc giả và giới chuyên môn đặc biệt quan tâm đến cuốn sách Phê bình phân tâm học - Phía của những ám ảnh nghệ thuật của TS. Vũ Thị Trang (Viện Văn học) khi bị tố đạo văn. Theo đó, TS. Đỗ Hải Ninh (cũng ở Viện Văn học) đưa thông tin lên mạng xã hội "tố" bà Trang đã lấy toàn bộ 1 chương trong đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ Tự truyện và tiểu thuyết Việt Nam sau 1986 nhìn từ phê bình phân tâm học thuộc Viện Khoa học xã hội mà TS. Vũ Thị Trang chủ nhiệm đề tài, làm cùng với 5 người khác trong đó có bà Hải Ninh.
Đáng chú ý là tác phẩm của TS. Vũ Thị Trang từng được trao tặng 2 thưởng lớn chuyên ngành.
Cụ thể, ngày 22/11/2021 cuốn Phê bình phân tâm học - Phía của những ám ảnh nghệ thuật của TS. Vũ Thị Trang nhận giải C của Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương.
Nói về giải thưởng này, đại diện của Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương cho biết: Các tác phẩm được nhận tặng thưởng lần này ở cả 3 lĩnh vực: lý luận chung, lý luận phê bình văn học, lý luận phê bình các loại hình nghệ thuật đều thể hiện sự công phu, nghiêm túc, có giá trị khoa học và thực tiễn; đề cập kịp thời những vấn đề thiết thực trong đời sống văn học, nghệ thuật, có tác dụng định hướng công tác lý luận, sáng tác; đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, lệch lạc trong đời sống văn học, nghệ thuật.
Bên cạnh các bậc thành danh, đã xuất hiện nhiều tác giả trẻ. Kết quả là cả quá trình kết tinh tâm huyết, nỗ lực lao động không ngừng nghỉ của đội ngũ làm nghề.
Tiếp đó, vào ngày 6/1/2022, Phê bình phân tâm học - Phía của những ám ảnh nghệ thuật của TS. Trang được nhận giải thưởng Tác giải trẻ lần thứ nhất của Hội Nhà văn Việt Nam.
Giải thưởng này nằm trong hệ thống giải thưởng hằng năm của Hội Nhà văn Việt Nam, trao tặng những tác phẩm văn học xuất sắc trong năm (xuất bản từ ngày 1/10 năm trước đến 30/9 năm trao giải) của các tác giả tuổi từ 35 trở xuống (tính tại thời điểm xuất bản sách). Giải thưởng trao cho 4 thể loại văn học, gồm: thơ, văn xuôi, lý luận-phê bình và văn học dịch.
Tại thời điểm nhận giải, cuốn chuyên khảo Phê bình phân tâm học - Phía của những ám ảnh nghệ thuật được đánh giá là một ấn phẩm được biết đến với nhiều vấn đề lý luận, phê bình mới mẻ, để tìm hiểu cái hay của một tác phẩm văn học, tác phẩm giúp "giải phẫu" những nỗi "ám ảnh" nghệ thuật mà ngôn từ thể hiện. Những nhà phê bình văn học hoặc những người quan tâm đến chiều cạnh này phải nhờ đến con "dao mổ" của "phê bình phân tâm học". Chuyên khảo do TS. Vũ Thị Trang chấp bút là một công trình nghiên cứu về phê bình phân tâm học như vậy.
Dù sách xuất bản đã lâu và nhận được các giải thưởng lớn nhưng mãi đến tận tháng 1/2022 TS. Đỗ Hải Ninh mới tiếp cận được cuốn sách Phê bình phân tâm học phía của những ám ảnh nghệ thuật của Vũ Thị Trang và tại đây bà mới “tá hoả” phát hiện văn của mình bị đạo trong cuốn sách.
Ngay lập tức, sự việc này nhận được sự quan tâm của cộng đồng người yêu văn học.
Đề nghị Viện Hàn lâm KHXH làm rõ
Trước sự việc trên, Người Đưa Tin đã liên hệ với TS. Đỗ Hải Ninh (Viện Văn học). Theo đó, bà Ninh cho biết bà phát hiện sự việc vào tháng 1/2022: “Vì lúc trước tôi có hỏi sách từ Trang nhưng Trang bảo hết sách rồi, không còn sách để tặng những người quan trọng nhất. Về sau tôi mới phát hiện ra là Trang không muốn tôi tiếp cận sách nên mới nói với tôi là hết sách rồi, tôi cũng không tìm sách được ở đâu”.
Khi phát hiện ra sự việc, bà Ninh đã điện thoại cho bà Trang để hỏi và yêu cầu bà Trang đính chính. Nhưng, theo lời bà Ninh, bà Trang phản hồi lại là: “Chị cứ làm đơn gửi Học viện Khoa học xã hội và Viện Hàn Lâm. Bởi vì hồ sơ còn lưu trên đó cả, còn Trang sẽ im lặng bất kể đúng sai. Vì vậy, tôi đã gửi đơn đến các cơ quan và Viện Hàn Lâm Khoa học Xã hội Việt nam, Học viện Khoa học xã hội, Viện Văn học (nơi tôi và Trang cùng công tác), nhưng tôi chờ từ tháng 1 đến nay các cơ quan đều không có phản hồi, cho nên tôi mới chính thức lên tiếng”.
Nói cụ thể về sự việc, bà Ninh cho hay, từ tháng 11/2017, bà Ninh nhận được email của Vũ Thị Trang mời tham gia đề tài cấp Bộ Tự truyện và tiểu thuyết Việt Nam sau 1986 nhìn từ phê bình phân tâm học do Vũ Thị Trang làm chủ nhiệm, các thành viên tham gia là Đỗ Lai Thúy, Đỗ Hải Ninh, Nguyễn Mạnh Tiến, Nông Thị Nhung, Nguyễn Thị Hồng Hạnh, tổ chức chủ trì đề tài là Học viện Khoa học xã hội (Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam).
Tháng 7/2018 bà Ninh gửi bà Trang 2 nội dung thanh toán theo như Thuyết minh và dự toán kinh phí. Sau đó, để hướng tới mục tiêu xuất bản chuyên luận mà Trang đề ra, bà Ninh đã suy nghĩ, góp ý điều chỉnh về nội dung chương 2 cho phù hợp với mục tiêu khoa học và cấu trúc tổng thể của đề tài.
“Trang đã gửi email nhờ tôi viết phần này và khẳng định là xong đề tài sẽ in một cuốn chuyên khảo “phần ai viết thực chất vẫn để đúng tên người ấy. Phần kinh phí thì trừ kinh phí ngoài và các tọa đàm sẽ chia 3 đúng như dự kiến ban đầu”. Tôi đã viết toàn bộ phần Tự truyện Việt Nam đương đại nhìn từ phê bình phân tâm học và đã gửi cho Trang qua email phần viết này (file 50 trang) ngày 21/2/2019. Trang nhận phần viết này với lời nhắn "em nhận được rồi, thôi em cứ ốp nguyên si vào nhé, hôm nào đi bảo vệ chị qua nghe với em xem có ai góp ý gì về chị em chỉnh sửa vậy" và Trang đã đưa toàn bộ phần này vào chương 2 của Báo cáo tổng hợp để đưa nghiệm thu cấp Học viện Khoa học xã hội”, bà Ninh nói.
Sau khi nghiệm thu đề tài, Vũ Thị Trang đã đưa công trình tập thể này in tại Nhà xuất bản Khoa học xã hội với tên sách là Phê bình phân tâm học- Phía của những ám ảnh nghệ thuật nhưng chỉ đề tên một mình Vũ Thị Trang là tác giả trên bìa sách.
“Chương 2 tôi viết trong đề tài Trang đã đổi tên khác, đảo vị trí các đoạn văn và thêm thắt một số đoạn mà không hề xin phép và gửi lại văn bản để tôi xem. Nội dung cơ bản vẫn là những phần tôi đã viết, trong đó có đoạn tôi đã công bố trên Tạp chí Nghiên cứu văn học số 10/2015”, bà Ninh cho hay.
Tuy làm cùng cơ quan nhưng theo lời bà Ninh, không chỉ có một mình bà Ninh không được tặng sách mà những người cùng phòng cũng không ai được bà Trang tặng sách. Thậm chí, những người quen thân cũng không có.
Sau khi thông tin được đăng tải trên mạng xã hội, bà Ninh cho biết những tác giả được mời làm cùng đề tài không có liên lạc gì, bà Trang cũng không liên lạc gì với bà Ninh.
“Tôi đã gửi đơn sang hai bên Hội đồng nêu trên để Hội đồng xem xét lại giải thưởng, có vi phạm tác quyền. Tôi đã gửi từ 24/1 nhưng đến nay vẫn chưa nhận được phản hồi từ hai hội đồng”, bà Ninh cho biết thêm.
Để có thông tin 2 chiều, Người Đưa Tin đã liên hệ với TS. Vũ Thị Trang, chia sẻ về những ồn ào xung quanh cuốn sách Phê bình phân tâm học - phía sau của những ám ảnh nghệ thuật, bà Trang cho hay: "Tôi cũng đã trả lời vài người về thông tin cuốn sách rồi nhưng quan điểm của tôi là đợi những thông tin chính thống mới chia sẻ. Tôi không muốn nói nhiều, hãy đợi thông tin từ bên Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam. Giờ ai lên tiếng cũng nói những thông tin có lợi cho mình.
Theo tôi được biết, chị Hải Ninh đã nhận được thư trả lời lần 1 từ phía Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam rồi, sao chị ấy không đợi trả lời lần 2 mà đã đưa hết thông tin lên mạng xã hội vậy?".
"Khi viết sách, tôi có mời TS. Ninh và 3 thành viên khác tham gia, nhưng đề tài của tôi lúc đó đã triển khai gần xong rồi, các bản lưu đều được lưu cả 2 nơi là Học viện Khoa học xã hội và Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam. Chương 2 có 5 chuyên đề thì tôi viết 3 chuyên đề, TS. Ninh viết 2 chuyên đề. Khi in sách, tôi sử dụng luận án tiến sĩ cộng với đề tài cấp bộ mà tôi viết.
Trước khi in sách, tôi có xin phép 4 thành viên còn lại về việc cắt những dữ liệu mà chị viết trong đề tài đó, ghép với luận án tiến sĩ để ra cuốn sách này và mọi người đã đồng ý từ tháng 12/2020.
Tôi sẽ kiểm tra thật kỹ phần TS. Ninh viết, sẽ làm đơn lên Viện Hàn lâm KHXH, Học viện Khoa học xã hội là 2 nơi lưu trữ đề tài và cuốn sách này, yêu cầu thành lập hội đồng các chuyên gia để đưa ra kết luận cuối cùng...", TS. Vũ Thị Trang cho biết.
Sẽ có quyết định phù hợp với quy định của pháp luật
Người Đưa Tin cũng đã liên hệ với ông Đỗ Lai Thúy – Một trong các thành viên tham gia đề tài cấp Bộ Tự truyện và tiểu thuyết Việt Nam sau 1986 nhìn từ phê bình phân tâm học. Tuy nhiên, ông Thuý từ chối nói về chuyện này.
Liên quan đến vụ việc ồn ào này, Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam cũng mới đưa ra phản hồi chính thức.
Theo đó, giải thưởng Tác giả trẻ năm 2021 đã được trao cho 5 tác phẩm: tiểu thuyết Nắng thổ tang của Đinh Phương; các tập thơ Yao của Lý Hữu Lương và Con người của Phương Đặng; sách lý luận phê bình Phê bình phân tâm học - Phía của những ám ảnh nghệ thuật của Vũ Thị Trang; bản dịch Truyện Kiều từ tiếng Việt sang tiếng Anh của Nguyễn Bình.
Sau lễ trao giải, Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam đã nhận được thư kiến nghị của TS. Đỗ Hải Ninh về việc giải quyết vấn đề vi phạm bản quyền trong cuốn sách Phê bình phân tâm học - Phía của những ám ảnh nghệ thuật của tác giả Vũ Thị Trang (cũng công tác tại Viện Văn học).
Theo thư kiến nghị của TS. Đỗ Hải Ninh, trong cuốn sách này, nội dung phần III: Ám ảnh tự do - xung đột giữa những cái tôi trong tự truyện Việt Nam đương đại (từ trang 206-272), có sử dụng một số phần viết của TS Đỗ Hải Ninh trong đề tài cấp Bộ Tiểu thuyết và tự truyện Việt Nam sau 1986 nhìn từ phê bình phân tâm học nghiệm thu năm 2019 tại Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.
Với giải thưởng Tác giả trẻ, các hội đồng sơ khảo và chung khảo đã thực hiện đúng quy trình và quy chế giải thưởng. Quan điểm của Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam là “luôn bảo vệ sự trung thực, minh bạch, độc lập trong sáng tạo tác phẩm nghệ thuật; không chấp nhận và kiên quyết phản đối những sản phẩm vi phạm bản quyền, vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, là tổ chức hội nghề nghiệp, Hội Nhà văn Việt Nam không có chức năng và thẩm quyền giải quyết những tranh chấp về vi phạm bản quyền tác phẩm văn học. Vì vậy, Ban chấp hành Hội Nhà văn đã làm việc với một số cơ quan hữu quan đề nghị phối hợp làm rõ những nội dung trên”.
“Hiện nay, công việc này đang được khẩn trương tiến hành. Ngay sau khi những vấn đề trên được làm sáng tỏ, Hội Nhà văn Việt Nam sẽ có quyết định phù hợp với quy định của pháp luật, thể lệ giải thưởng Tác giả trẻ và thông báo rộng rãi tới bạn đọc”, đại diện BCH Hội nhà văn cho hay.
Lạc Thành - Hoàng Bích