Không có ý định lừa đảo vì bán cổ phiếu ở đáy?
Chiều ngày 26/7, sau phần luận tội, đại diện VKS đề nghị ông Trịnh Văn Quyết – cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC mức án 19-20 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, 5-6 năm tù về tội Thao túng thị trường chứng khoán. Tổng đề nghị là 24-26 năm. VKS đánh giá ông Quyết mới chỉ khắc phục được phần nhỏ hậu quả.
Ngay sau đó, tại phần bào chữa các luật sư của ông Quyết đề nghị cơ quan tố tụng xem xét, đánh giá đầy đủ tính chất mức độ, thái độ thành khẩn khắc phục hậu quả để có mức án "thực sự khoan hồng" cho thân chủ.
Cụ thể, luật sư Nguyễn Nam Long (đoàn luật sư Tp.Hà Nội) khẳng định, bị cáo Quyết luôn thể hiện thái độ thành khẩn, ăn năn hối cải và tôn trọng tuyệt đối với các mô tả về hành vi của VKS tại cáo trạng, chấp thuận và không phản đối với kết luận của VKS về tội danh.
Cùng theo luật sư Long, tại thời điểm khởi phát và thực hiện hành vi tăng vốn, niêm yết Công ty Faros, bán cổ phiếu ROS, ông Quyết đồng phạm chưa hình thành mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Cụ thể, sau khi cổ phiếu ROS được chấp thuận niêm yết tại Hose (1/9/2016) đến tháng 9/2019, ông Quyết rất ít bán cổ phiếu ra bên ngoài mà chủ yếu các giao dịch diễn ra trong nội nhóm.
Đến 30/8/2019, ông Quyết bắt đầu bán cổ phiếu ra thị trường. Đến giai đoạn tháng 4 - 6/2020, bị cáo mới thực hiện bán liên tục, số lượng lớn. Lúc này giá đã rơi xuống đáy 2.000 đồng đến 3.000 đồng/cổ.
Sau khi bị cáo Quyết bán phần lớn cổ phiếu ra, từ tháng 7/2020 đến tháng 2/2022, giá cổ phiếu ROS tăng liên tục từ 2.100 đồng/cổ phiếu lên hơn 10.000 đồng/cổ phiếu, có thời điểm là 16.000 đồng.
"Như vậy, nếu có chủ ý lừa đảo thì phải tìm cách bán cổ phiếu khi giá cao nhất, thanh khoản tốt nhất (khoảng cuối năm 2017) chứ không phải chờ đến giữa năm 2020, khi mà giá xuống rất thấp mới bán", ông Long nói.
Đáng chú ý, theo luật sư Long, Công ty Faros có hoạt động sản xuất kinh doanh trên thực tế và đóng góp lớn. Thời điểm trước dịch Covid-19, công ty này mang lại việc làm cho hơn 1.000 lao động với doanh thu hàng nghìn tỷ đồng từ nhiều dự án lớn, công ty đã đóng vào ngân sách Nhà nước 350 tỷ đồng.
Ông Quyết cũng luôn muốn giữ quyền chi phối và chịu trách nhiệm cao nhất về hoạt động của Faros. Ngay khi bán phần lớn cổ phần ở vùng giá rất thấp, thân chủ tôi đã lên kế hoạch mua lại số cổ phần đã bán.
Sau khi bán đi với số lượng lớn cổ phiếu ROS, ông Quyết vẫn tiếp tục sử dụng tài sản cá nhân để đảm bảo cho các hoạt động của Công ty bằng việc cầm cố tài sản cá nhân để đảm bảo cho khoản vay 350 tỷ đồng của Công ty Faros tại Ngân hàng NCB.
Từ giai đoạn tháng 6/2020 đến 3/2022, ông Quyết đã chỉ đạo Trịnh Thị Minh Huế (em gái) mua lại cổ phiếu ROS. Tuy nhiên, dịch covid 19 bùng phát dẫn tới khó khăn của cả nền kinh tế, trong đó, dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng - những ngành kinh doanh cốt lõi của FLC - bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Việc huy động tài chính để mua lại cổ phiếu ROS trong giai đoạn này đối với bị cáo Trịnh Văn Quyết là bất khả thi. Tiếp đó, đến tháng 3/2022, ông Quyết bị khởi tố và bắt tạm giam dẫn tới kế hoạch mua lại cổ phiếu ROS không thể tiếp tục thực hiện.
Từ đó, luật sư cho rằng ý định thật sự của ông Quyết là phát triển Faros thành một "thương hiệu" mạnh về xây dựng. Không phải mua lại công ty này để thực hiện mục đích lừa đảo.
Cần được tạo điều kiện để khắc phục hậu quả
Luật sư Long cho rằng, cơ bản thì toàn bộ số tiền phải khắc phục hậu quả cho tội "thao túng thị trường chứng khoán" đã được khắc phục hoàn toàn.
Ông Long dẫn chứng, ngay từ khi bị khởi tố về tội thao túng TTCK với mức bồi thường thiệt hại khoảng 700 tỷ, ông Quyết đã chủ động bán "tài sản tâm huyết nhất" là hãng hàng không Bamboo để khắc phục hậu quả.
"Giá trị định giá rất thấp với 250 đồng/CP và chỉ thu được gần 200 tỷ, nhưng với mong muốn khắc phục được toàn bộ thiệt hại, bị cáo đã nỗ lực đàm phán với người mua để họ hỗ trợ thêm 500 tỷ đồng bằng văn bản, cam kết nộp toàn bộ vào tài khoản tạm giữ của Cơ quan điều tra.
Với số tiền gần 200 tỷ đã nộp và việc bên mua hãng hàng không cam kết hỗ trợ 500 tỷ bằng văn bản dưới sự chứng kiến và cho phép của cơ quan chức năng, hoàn toàn có cơ sở khẳng định rằng, khoản tiền này chắc chắn sẽ được thu hồi về cho ngân sách nhà nước. Theo đó, toàn bộ hậu quả đối với tội "thao túng TTCK" đã được khắc phục toàn bộ, xin đề nghị HĐXX ghi nhận", luật sư Long nói.
Luật sư Long cho rằng, thân chủ của mình đã có ý thức khắc phục hậu quả và trên thực tế, đã có thể khắc phục hoàn toàn hậu quả nếu được tạo điều kiện. Ông Quyết, luôn khẳng định nếu sẽ sử dụng tài sản sản cá nhân và nguồn lực khác huy động để khắc phục toàn bộ hậu quả vụ án. Do đó, cần sớm tạo điều kiện cho ông Quyết khắc phục hậu quả vụ án.
Thực tế, trong hoàn cảnh khó khăn, bản thân bị cách ly khỏi xã hội, tài sản bị phong tỏa, ông Quyết liên tục thúc giục gia đình, bạn bè huy động tối đa mọi nguồn lực, vay mượn để khắc phục hậu quả và đến phiên tòa hôm nay, thân chủ tôi đã khắc phục được gần 240 tỷ đồng.
Như vậy, xét về ý thức khắc phục hậu quả và thực tế khắc phục hậu quả của Vụ Án, có thể khẳng định một cách khách quan là bị cáo Quyết đã tự nguyện khắc phục toàn bộ thiệt hại của vụ án bằng sự chân thành và nỗ lực cao nhất.
"Sự khắc phục này cần được ghi nhận và áp dụng chính sách khoan hồng cao nhất. Tôi cho rằng, để đảm bảo sự công bằng và khách quan, có thể tham khảo mức hình phạt đã được áp dụng cho các bị cáo trong vụ án "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" xảy ra tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh", luật sư Long nêu quan điểm.
Cần xem xét, xác định đúng thiệt hại
Trong khi đó, luật sư Đặng Nguyễn Hải Yến đề nghị HĐXX xem xét một cách khách quan trong vấn đề xác định yếu tố thiệt hại, người bị hại trong vụ án.
Luật sư cho biết, VKS đang thực hiện phân loại 2 nhóm người bị hại gồm: nhóm 133 nhà đầu tư mua cổ phiếu ROS ban đầu và hiện chưa bán; nhóm 30.403 nhà đầu tư mua cổ phiếu ROS ban đầu (không phân biệt NĐT đã bán hay vẫn đang sở hữu cổ phiếu).
"Chúng tôi không rõ về lý do VKS khi thực hiện phân loại 2 nhóm người bị hại như trên. Tuy nhiên, xét quy định của Bộ luật tố tụng hình sự về người bị hại (cụ thể là Điều 62 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015) thì chỉ có nhóm 133 nhà đầu tư mua cổ phiếu ROS ban đầu và hiện chưa bán mới đáp ứng các tiêu chí về bị hại.
Việc xác định nhóm 30.403 là người bị hại là không phù hợp với khoa học pháp lý, không đáp ứng các tiêu chí về bị hại theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự.
Theo luật sư Yến, nhiều trường hợp đã bán cổ phiếu và có lãi và khả năng có lãi của 30.403 nhà đầu tư mua cổ phiếu ROS ban đầu là rất lớn. Bởi lẽ, thực tế sau giai đoạn bị cáo Quyết bán cổ phiếu ban đầu ra thị trường, giá đã có xu hướng tăng liên tục trong một thời gian dài sau đó.
"Có nhiều trường hợp thuộc danh sách 30.403 người bị hại, nhưng tài liệu điều tra ghi nhận "Cơ quan điều tra đã không thể liên hệ để mời đến để làm việc hoặc các chủ thể này từ chối làm việc" – luật sư dẫn chứng thêm.
Có nhiều trường hợp thuộc danh sách 30.403 người bị hại nhưng "không yêu cầu bồi thường", có nhà đầu tư còn khẳng định "không bị thiệt hại gì".
"Với những dẫn chứng trên, tôi cho rằng, việc xác định danh sách 30.403 người bị hại là chưa đủ khách quan và chưa đảm bảo tính chính xác, toàn diện và phù hợp với quy định", luật sư Yến nêu ý kiến.