Phát biểu tại Hội thảo góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) diễn ra sáng ngày 28/2 do Hội Luật gia Việt Nam phối hợp với Viện Nghiên cứu Lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức, ThS.NCS, Nguyễn Tú Anh Phó trưởng phòng Phụ trách phòng Thanh tra, Giảng viên Khoa Luật Hành chính Nhà Nước - Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng một trong những nguyên nhân gây nên những bất cập, vướng mắc trong việc quản lý và sử dụng đất đai hiện nay là do công tác thanh tra về đất đai.
Theo đó, mặc dù trong thời gian qua đã có những tiến bộ tuy nhiên công tác thanh tra về đất đai vẫn chưa được tổ chức thường xuyên, còn thiếu tính chủ động, chưa đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của thực tiễn. Việc xử lý sau thanh tra của các cấp các ngành chưa kiên quyết, triệt để, kịp thời làm hạn chế đến hiệu quả hoạt động thanh tra nói riêng và hoạt động quản lý nhà nước về đất đai nói chung.
Nhiều vi phạm chưa có chế tài đủ mạnh để ngăn ngừa; chế tài quy định xử lý, xử phạt vi phạm pháp luật đất đai còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe các đối tượng vi phạm. Bên cạnh đó, những quy định về thanh tra đất đai đã bộc lộ những bất cập cần khắc phục kịp thời.
Do vậy, bà Nguyễn Tú Anh cho rằng chế định thanh tra là một trong những nội dung được định hướng sửa đổi bổ sung trong Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi lần này.
“Việc sửa đổi chế định thanh tra hết sức cần thiết bởi nó xuất phát từ cơ sở lý luận về vai trò của công tác thanh tra đối với quản lý nhà nước về đất đai cũng như từ yêu cầu về tính tương thích với những quy định của pháp luật thanh tra và quan trọng hơn cả đảm bảo nâng cao hiệu lực hiệu quả của việc áp dụng Luật Đất đai trong thực tiễn”, bà Tú Anh nhấn mạnh.
Đề xuất, kiến nghị hoàn thiện chế định thanh tra đất đai trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), chuyên gia này cho rằng việc chỉ quy định thanh tra chuyên ngành đất đai là chưa đủ. Nguyên nhân của việc chưa quy định đủ này có thể do quá trình rà soát tính tương thích với Luật Thanh tra còn chưa triệt để.
Theo đó, ThS Nguyễn Tú Anh cho rằng cần mở rộng phạm vi điều chỉnh của Điều 223, Mục 2 Chương XV Luật Đất đai sửa đổi.
Cụ thể, đổi tên Điều 223 thành “Thanh tra về đất đai” và tách riêng quy định về kiểm tra đất đai.
Bổ sung khái niệm thanh tra về đất đai vào trong Luật trên cơ sở bám sát nội hàm khái niệm thanh tra đã được quy định tại khoản 1 Điều 2 Luật Thanh tra 2022.
Ngoài ra, bổ sung thêm khái niệm thanh tra hành chính về đất đai có nội hàm tương thích với khái niệm thanh tra hành chính được quy định tại khoản 2 Điều 2 Luật Thanh tra 2022.
Bên cạnh đó, khái niệm thanh tra chuyên ngành đất đai cũng cần được chuẩn hóa tương thích với nội hàm khái niệm thanh tra chuyên ngành đã được quy định tại khoản 3 Điều 2 Luật Thanh tra 2010.
Trên cơ sở việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của Điều 223 Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi, chuyên gia này cho rằng cần xác định cơ quan chỉ đạo và tổ chức thực hiện thanh tra về đất đai không chỉ có Bộ Tài nguyên và Môi trường và các Sở Tài nguyên và Môi trường.
Trên thực tế các cơ quan quản lý hành chính nhà nước đóng vai trò chỉ đạo, còn trực tiếp tổ chức tiến hành thanh tra về đất đai lại là các cơ quan thanh tra nhà nước bao gồm Thanh tra Chính phủ, Thanh tra Bộ Tài nguyên và môi trường, Thanh tra các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương (gọi tắt Thanh tra Tỉnh), Thanh tra các Sở Tài nguyên và Môi trường, Thanh tra quận, huyện (gọi tắt là Thanh tra Huyện).
Cần quy định Chính phủ chỉ đạo công tác thanh tra nhà nước về đất đai trong phạm vi cả nước. Thanh tra Chính phủ chịu trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức thực hiện thanh tra hành chính về đất đai trong cả nước. Bộ Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức thực hiện thanh tra chuyên ngành đất đai trong cả nước.
Cơ quan thanh tra nhà nước theo cấp hành chính và ngành, lĩnh vực ở địa phương (bao gồm Thanh tra tỉnh, Thanh tra huyện, Thanh tra sở tài nguyên và môi trường) chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện thanh tra hành chính và chuyên ngành đất đai tại địa phương trên cơ sở phê duyệt của cơ quan quản lý hành chính về đất đai ở địa phương (các UBND cấp tỉnh, huyện và các Sở tài nguyên và Môi trường).
Đặc biệt, do quy định thanh tra đất đai cần tách riêng khỏi quy định kiểm tra đất đai do vậy nội dung thanh tra đất đai cần tách riêng với nội dung kiểm tra đất đai.
10 nội dung mới tại dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)
[Trực tiếp] Hội thảo góp ý Luật Đất đai (sửa đổi)
Sửa quy định chuyển mục đích sử dụng đất cần lấy ý kiến từ nhân dân
Sửa Luật Đất đai góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội