Cần tạo cơ chế pháp lý cho người dân thực hiện quyền bồi thường

Cần tạo cơ chế pháp lý cho người dân thực hiện quyền bồi thường

Thứ 5, 27/12/2012 23:44

Luật TNBTCNN từ khi có hiệu lực thi hành (1/1/2010) đã được kỳ vọng trở thành công cụ pháp lý hữu hiệu giúp người dân thực hiện được một quyền vốn đã được Hiến pháp quy định từ lâu nhưng ít được thực thi.

Tuy nhiên, để Luật thực sự đi vào cuộc sống, đòi hỏi những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Luật như đã đề cập trong bài trước cần sớm được tháo gỡ. Tại Tọa đàm đánh giá 3 năm thi hành Luật, nhiều kiến nghị từ phía các Bộ, ngành đã được đề xuất để sớm hoàn thiện cơ chế pháp lý về bồi thường, tạo thuận lợi cho người dân thực hiện quyền yêu cầu bồi thường của mình.

Pháp luật - Cần tạo cơ chế pháp lý cho người dân thực hiện quyền bồi thường

Nhiều kiến nghị để hoàn thiện cơ chế pháp lý, tạo thuận lợi cho người dân thực hiện quyền yêu cầu bồi thường đã được đại diện các Bộ ngành kiến nghị tại Tọa đàm (Ảnh: Phan Chính)

Theo bà Phùng Thị Hoàn, chuyên viên Viện Khoa học xét xử, TAND tối cao, thời hiệu yêu cầu bồi thường Luật quy định hiện chưa có lợi cho người dân thì cần sửa đổi theo hướng: Đối với văn bản xác định hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ là bản án, quyết định của Tòa án hoặc những văn bản có xác định thời điểm có hiệu lực thi hành không phải là ngày ban hành văn bản thì thời hiệu yêu cầu giải quyết bồi thường là 2 năm kể từ ngày bản án, quyết định hoặc văn bản đó có hiệu lực thi hành.

Trường hợp văn bản xác định hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ là các văn bản không xác định thời điểm có hiệu lực thi hành hoặc thời điểm có hiệu lực thi hành là ngày ban hành văn bản thì thời hiệu yêu cầu giải quyết bồi thường là 2 năm kể từ ngày người bị thiệt hại nhận được văn bản. Nếu có lý do khách quan hoặc bất khả kháng, người bị thiệt hại không thể tiến hành yêu cầu giải quyết bồi thường thì thời gian xảy ra lý do khách quan hoặc bất khả kháng ấy không được tính vào thời gian tính thời hiệu yêu cầu giải quyết bồi thường.

Ông Nguyễn Duy Giảng, phó vụ trưởng Vụ 1, VKSND Tối cao lại đề xuất quy định rõ việc xác định cơ quan có trách nhiệm bồi thường. Việc xác định theo hướng mỗi cơ quan có quyền được bảo vệ quan điểm của mình trên cơ sở các quy định của pháp luật đối với từng vụ việc cụ thể. trong trường hợp các cơ quan tiến hành tố tụng không có sự thống nhất về trách nhiệm thì sẽ có một cơ quan đứng ra quyết định trách nhiệm của từng cơ quan.

Ngoài ra, cũng nên quy định việc xác định mức độ lỗi của từng cơ quan trong từng giai đoạn tố tụng để quy trách nhiệm bồi thường cho từng cơ quan. Có như vậy mới nâng cao trách nhiệm của từng cán bộ, công chức và cơ quan nhà nước trong từng giai đoạn của hoạt động tố tụng, tránh được tình trạng đùn đẩy trách nhiệm giữa các cơ quan tiến hành tố tụng, giảm bớt được các vụ việc oan sai – ông Giảng nhấn mạnh.

Quan tâm đến tình trạng người dân bị thiếu thông tin, nhận thức hạn chế về quyền yêu cầu bồi thường, nhất là đối với các trường hợp hết thời hạn quy định mà người yêu cầu không bổ sung được đầy đủ thủ tục hoặc đã hết thời hiệu yêu cầu mới gửi đơn yêu cầu đang diễn ra hiện nay. LS Lê Anh Văn, Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, cho rằng, cần tăng cường hoạt động phổ biến, tuyên truyền và hướng dẫn công chức các ngành nhận thức rõ trách nhiệm của Luật TNBTCNN. Đồng thời triển khai sâu rộng đến các cá nhân, tổ chức, trong đó có cộng đồng doanh nghiệp để các doanh nghiệp hiểu và thấy rõ các quy định của pháp luật liên quan đến bồi thường nhà nước mà doanh nghiệp thấy có căn cứ yêu cầu.

LS Văn cũng kiến nghị, về phía các cơ quan nhà nước cần tổ chức tập huấn, đào tạo nghiệp vụ cho người làm công tác pháp chế. Đặc biệt là nghiệp vụ về công tác bồi thường của nhà nước vì đây là những lĩnh vực mới, chưa phát sinh nhiều nhưng khi phát sinh thì liên quan đến nhiều đối tượng; đặc biệt đối tượng là doanh nghiệp khi khôi phục lại những quyền lợi thì thiệt hại của doanh nghiệp đã là rất lớn thậm chí có những việc không khôi phục lại được.

Nhiều ý kiến tại buổi Tọa đàm cũng cho rằng, các cơ quan nhà nước về công tác bồi thường ở Trung ương, địa phương cần tăng cường thực hiện việc giải đáp vướng mắc pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước cho các đối tượng là cá nhân, tổ chức doanh nghiệp thông qua các hình thức phù hợp. Bởi để được bồi thường, trước hết người dân cần biết rõ các quyền của mình và cơ chế bồi thường nhà nước bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người dân có vậy mới phát huy được hiệu quả.

Tiếp thu các ý kiến tại Tọa đàm, thứ trưởng Bộ Tư pháp Phạm Quý Tỵ đề nghị, trong thời gian tới các Bộ, ngành có liên quan cần tiếp tục nghiên cứu xem xét xét đã đến thời điểm “chín muồi” để mở rộng đối tượng được yêu cầu bồi thường hay tính toán thế nào với thủ tục phải có văn bản xác định hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ, thậm chí có thể tiến tới tập trung cơ quan giải quyết bồi thường vào một đầu mối thay vì thủ trưởng cơ quan có cán bộ có hành vi trái pháp luật chịu trách nhiệm bồi thường như hiện nay…

Phan Chính


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.