Cần thẳng thắn nhìn nhận trách nhiệm và tích cực khắc phục

Cần thẳng thắn nhìn nhận trách nhiệm và tích cực khắc phục

Thứ 5, 27/12/2012 23:45

Sau sự cố “hố tử thần” xuất hiện trên đường Lê Văn Lương kéo dài, dư luận giật mình lo ngại trước chất lượng công trình giao thông hiện nay.

Dư luận đặt câu hỏi, ai sẽ là đơn vị đứng ra chịu trách nhiệm cho sự xuống cấp này? PV Người đưa tin đã có cuộc trao đổi thẳng thắn với phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, nguyên thứ trưởng Bộ Giao thông -Vận tải Phạm Thế Minh.

Bất động sản - Cần thẳng thắn nhìn nhận trách nhiệm và tích cực khắc phục

Ông Phạm Thế Minh

Không dũng cảm nhận trách nhiệm

Xin ông cho biết đánh giá của mình về nguyên nhân căn bản dẫn đến hiện tượng sụt lún, đứt gãy trên đường Lê Văn Lương kéo dài?

Tôi chưa trực tiếp xuống khu vực để khảo sát nên chưa thể đưa ra kết luận chính xác. Tuy nhiên, theo dõi trên đài báo, tôi thấy các bên liên quan đều dự đoán hàng chục nguyên nhân, chẳng biết đằng nào mà lần. Người thì bảo do bên thi công, người thì lại khẳng định do ảnh hưởng của công trình bên cạnh, cơ quan quản lý lại nói do thời tiết. Thậm chí lãnh đạo Tập đoàn Nam Cường và Công ty Cổ phần Sông Đà Thăng Long tranh luận tay đôi, đá quả bóng trách nhiệm cho nhau.

Tôi xin không đưa ra dự đoán, tuy nhiên theo tôi phải mời cơ quan giám định độc lập, tập hợp những chuyên gia có chuyên môn nghiên cứu thực địa để đưa ra kết luận cuối cùng. Trên cơ sở đó, quy trách nhiệm cho các đơn vị liên quan. Đại diện các bên không nên tiếp tục tranh cãi về trách nhiệm mà bắt tay sửa chữa con đường, đảm bảo giao thông thông suốt sớm nhất.

Từ trước đến nay, mỗi khi xảy ra sự cố, các bên dường như không dám dũng cảm nhận trách nhiệm mà thường “đổ lỗi” cho nhau để mong giảm “tội”. Ông đánh giá như thế nào về thực tế này?

Đúng là có hiện tượng như vậy. Sau sự cố “hố tử thần” trên đường Lê Văn Lương, chúng ta thấy rõ hơn điều đó. Khi nguyên nhân vẫn chưa được sáng tỏ, chủ đầu tư kiêm đơn vị thi công trục đường và chủ đầu tư công trình thi công bên cạnh liên tục đổ trách nhiệm cho nhau. Theo tôi, đây là biểu hiện thiếu dũng cảm, khiêm tốn của những người quản lý. Sự cố xảy ra là điều không ai muốn, tuy nhiên phải dũng cảm phân tích, tìm ra sự thật để giải quyết chứ không nên né tránh. Nếu cứ đổ lỗi cho nhau sẽ khiến sự việc ngày càng phức tạp hơn và trở thành trò cười cho thiên hạ.

Một số người cho rằng, ngoài hai đơn vị chịu trách nhiệm trực tiếp, cơ quan quản lý là Sở GTVT và Sở Xây dựng Hà Nội cũng không thể đứng ngoài cuộc. Quan điểm của ông thế nào?

Theo tôi, đơn vị tư vấn giám sát phải chịu trách nhiệm, tiếp đó là đơn vị giám sát. Còn nhà thầu thi công, nói đi cũng phải nói lại, khó tránh khỏi chuyện bớt xén nguyên vật liệu dẫn đến không đảm bảo chất lượng công trình. Bên cạnh đó, đơn vị cấp giấy phép xây dựng cho dự án bên cạnh đoạn đường xảy ra “hố tử thần” cũng phải chịu liên đới. Thông thường, đơn vị cấp phép xây dựng (thuộc Sở Xây dựng) phải tính toán đến những sự cố này và có phương án đảm bảo an toàn của công trình lân cận. Không những thế, trong suốt quá trình thi công, họ phải kiểm tra, kiểm soát để tính đến những tai biến.

Theo quy định, các công trình công cộng và nhà ở cao tầng từ 6 tầng trở lên, khi xây dựng mới phải lùi vào so với lộ giới đường đỏ tối thiểu 10m. Như vậy công trình của Cty CP Sông Đà -Thăng Long đã vi phạm chỉ giới xây dựng. Đơn vị cấp phép xây dựng cũng vi phạm trong khâu giám sát.

Không chạy theo tiến độ mà bỏ ngỏ chất lượng

Liệu có hiện tượng, chất lượng công trình xuống cấp là hệ quả của việc “chạy tiến độ” chào mừng Đại lễ 1000 năm Thăng Long không, thưa ông?

Cũng không phủ nhận, việc thông xe bằng mọi giá để đảm bảo tiến độ công trình có thể là nguyên nhân dẫn tới “chạy tiến độ”, khiến chất lượng công trình không đảm bảo. Tuy nhiên, trong sự việc này, chưa thể vội vàng khẳng định được. Theo tôi, các nhà đầu tư đừng vì chạy theo thành tích, tiến độ mà bỏ ngỏ chất lượng công trình.

Ông đánh giá thế nào trước sự xuống cấp của hàng loạt các công trình giao thông nghìn tỷ thời gian qua?

Rõ ràng, đồng tiền chúng ta bỏ ra làm đường đã không được sử dụng tốt nhất. Từ khâu khảo sát đến thi công đều có vấn đề. Tôi thử lấy ví dụ, cát yêu cầu là cát sạch nhưng nhiều chỗ lấy cát sông, lẫn phù sa. Đá phải là đá cứng, tuy nhiên nhiều khi họ dùng lẫn cả đá vôi khiến mặt đường bị phong hóa. Nhiều nguyên vật liệu bị ăn bớt nên công trình nhanh xuống cấp. Bên cạnh đó, theo đúng quy trình, mùa mưa chúng ta không được thi công, nhưng thực tế vì chạy theo tiến độ, họ vẫn thi công dưới mưa. Các lớp vật liệu không được liên kết hoặc bị nước mưa rửa trôi nên rất nhanh xuống cấp.

Liệu có hiện tượng tham nhũng, “ăn mòn” các dự án không, thưa ông?

Đối với các đơn vị nước ngoài, danh dự nghề nghiệp, kỷ luật của họ rất nghiêm. Nếu bị “dính” vào tham nhũng họ sẽ không bao giờ được đi làm trở lại. Nhưng ở ta, kỹ sư, đơn vị tư vấn giám sát có khi “đi đêm” với nhau, thậm chí bày cách cho nhà thầu bòn rút công trình. Một số người do quá chạy theo đồng tiền mà đánh mất danh dự của bản thân, làm giàu không chính đáng. Thực tế, có những công trình thuê tư vấn nước ngoài vào giám sát, chất lượng hơn hẳn tư vấn trong nước.

Anh Văn


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.