Hoàn cảnh gia đình đáng thương
Bà Phạm Thị Đạt, thường trú tại thôn Bà Gò, xã Nghĩa Phương, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang. Gia đình bà Phạm Thị Đạt (thôn Bà Gò, xã Nghĩa Phương, Lục Nam, Bắc Giang) chỉ có hai mẹ con, con bà đang là sinh viên đại học trên Thái Nguyên. Gia đình khó khăn, người mẹ nghèo luôn tự nhủ phải cố gắng tần tảo để kiếm sống, nuôi con ăn học nên người.
Do căn nhà nhỏ nằm trên đường vào khu du lịch Suối mỡ nên mỗi ngày bà cũng kiếm được dăm đồng bán nước, tiết kiệm gửi lên cho con ăn học. Chứ ở đây khu rừng núi này, với cái thân phụ nữ yếu ớt như tôi cũng chẳng có việc gì làm ra tiền cả.
>>Clip nước nhấn chìm ngôi nhà người mẹ nghèo
Năm 2008 UBND tỉnh Bắc Giang ban hành Quyết định 1625/2008/QĐ –UBND phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất để đầu tư xây dựng công trình hồ chứa nước Suối mỡ, xã Nghĩa Phương, huyện Lục Nam. Nằm trong khu vực phải giải tỏa mặt bằng, gia đình bà Phạm Thị Đạt có khoảng hơn 6000m2 đất. Mặc dù không muốn chuyển đi nơi khác, ảnh hưởng đến việc làm, nghề nghiệp kiếm sống của gia đình. Nhưng bà Đạt vẫn sẵn sàng tuân thủ các quy định của Nhà nước và pháp luật về giải phóng mặt bằng.
Ngôi nhà lúc chưa ngập sâu và chưa bị chìm hẳn (Ảnh cắt từ clip).
Thế nhưng, khi cầm văn bản quyết định phương án chi tiết bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thì bà Phạm Thị Đạt không giấu nổi sự thất vọng. Đất nhà bà đang ở chỉ được hỗ trợ đúng 34.000 đồng/m2. Thửa đất đó là nguồn sống duy nhất, chỗ ở duy nhất của hai mẹ con nhà bà Đạt, thế nhưng khi thu hồi đất địa phương không hề chi trả một suất đất tái định cư nào hoặc hỗ trợ, tạo điều kiện giao cho bà Đạt một nơi ở, một chỗ sinh hoạt bình thường.
Không đồng ý với phương án bồi thường hỗ trợ tái định cư khi nhà nước thu hồi đất, hai mẹ con chàng sinh viên nghèo vác đơn đi kêu cứu khắp nơi với mong muốn nhận được đúng những chính sách pháp luật về đất đai. Thế nhưng khi chưa thuyết phục được bà Phạm Thị Đạt nhận tiền bồi thường, phía Ban giải phóng mặt bằng, ban quản lý dự án hồ Suối Mỡ đã “nhẫn tâm” chặn dòng nước nhấn chìm ngôi nhà mà hai mẹ con đang ở.
Bà Phạm Thị Đạt bên khu nhà ở của mình, giờ đã mênh mông nước (Ảnh Băng Tâm)
Có mặt tại nơi bà Đạt đang sinh sống, chúng tôi không khỏi xót xa trước cảnh toàn bộ khu nhà ở của người phụ nữ này bị chìm trong bể nước, đồ đạc bị “hà bá” nuốt chửng. Người con đang học đại học nghe tin cũng chạy về ôm mẹ vào lòng mà khóc. Hiện hai mẹ con đang tá túc tạm gia đình nhà hàng xóm, hoàn cảnh vô cùng đáng thương.
Thiếu trách nhiệm với cuộc sống và sinh mệnh của người dân
Trao đổi với PV có hay không việc nhà của người dân bị “nhấn chìm” từ việc chặn nước lòng hồ, ông Đặng Văn Nhàn, phó chủ tịch UBND huyện Lục Nam xác nhận là đúng. Ông Nhàn cho biết thêm do một mình nhà bà Đạt không nhận tiền nên Phòng NN&PTNT huyện đã chặn dòng để thi công khu chứa nước hồ Suối Mỡ. Nhưng dường như vị phó chủ tịch này không quan tâm lắm đến những thiệt hại về vật chất cũng như an toàn tính mạng của người dân xuất phát từ việc chặn dòng nước “nhấn chìm” nhà bà Phạm Thị Đạt.
Thắc mắc của phóng viên về chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư liệu đã thỏa đáng? Ông Đặng Văn Nhàn cho biết: Phía huyện đã có phương án hỗ trợ bà Phạm Thị Đạt bằng cách cho mua một lô đất không qua đấu giá hoặc hỗ trợ các thủ tục hành chính nếu bà Đạt nhận chuyển nhượng của ai đó, thậm chí miễn thuế. Ông Nhàn cũng khẳng định do bà Phạm Thị Đạt đã ký vào văn bản nhận 20.000.000 đồng tiền hỗ trợ tìm đất tái định cư nên không được nhận đất tái định cư. Cũng theo ông Nhàn hiện UBND huyện đã hết sức ưu đãi với bà Đạt.
Nước lên nhanh nhấn chìm cả ngôi nhà, cây cối chỉ còn mỗi cái chuồng gà nằm trên gò đất cao (Ảnh: Băng Tâm)
Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên, luật sư Trương Toàn Thắng, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết, sau khi nghiên cứu hồ sơ vụ việc, nhận đơn kêu cứu của bà Phạm Thị Đạt, dựa trên những quy định của pháp luật về chính sách hỗ trợ, bồi thường, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất có thể thấy: Việc bồi thường, hỗ trợ của UBND huyện Lục Nam là chưa thỏa đáng. Đặc biệt, trong điều kiện hoàn cảnh gia đình nhà bà Đạt chỉ có 01 chỗ ở duy nhất, thuộc diện gia đình có hoàn cảnh khó khăn, lại đang nuôi con ăn học thì việc không bố trí tái định cư là vi phạm nghiêm trọng các quy định của pháp luật. Xét về cả góc độ pháp lý, lẫn góc độ tình cảm đều chưa hợp lý.
Luật gia Giang Văn Quyết (Chi hội luật gia Đông Đô, Hà Nội) đánh giá, nếu UBND huyện Lục Nam, Ban Giải phóng mặt bằng dự án hồ chứa nước Suối Mỡ chỉ căn cứ vào bản đăng ký “tự tìm địa điểm tái định cư khi nhà nước thu hồi đất” mà bà Đạt ký ngày 12/9/2008 mà không bố trí tái định cư hoặc tạo một chỗ ở cho bà Đạt là cách làm thiếu nhân văn và đi ngược với chính sách bù đắp, hỗ trợ của Nhà nước khi có đất bị thu hồi. Mặt khác việc làm chặn dòng nước làm chìm nhà của dân, thiệt hại về tài sản, đe dọa về tính mạng là việc làm thiếu trách nhiệm, coi thường lợi ích của người dân, cần phải thanh tra xem xét trách nhiệm của người làm việc đó.
Gặp PV, bà Đạt nói trong nước mắt: Hiện nhà cửa không có, chỗ ăn chỗ ở cũng không, thực sự là khổ lắm. Hơn 4 tháng nay gia đình tôi bị cô lập, bị cắt điện. Đến khi cả khu nhà ở, hoa màu bị chìm trong bể nước thì mới thấu cảnh màn trời, chiếu đất. Chỉ mong các cấp các ngành sớm vào cuộc giúp mẹ con chúng tôi. Cháu Tuấn nó đang ăn học, tôi không muốn cháu phải bỏ học giữa chừng vì phải lo cho mẹ, lo cho gia đình. Nhưng nếu Nhà nước, địa phương thu hồi cả nghìn mét vuông đất của tôi mà không bố trí nổi cho tôi và con tôi một chỗ ở thì thật là đau xót lắm.
Thiết nghĩ, đã đến lúc phía lãnh đạo UBND huyện Lục Nam không thể thờ ơ với sinh mệnh và tài sản của người dân. Việc đẩy cảnh hai mẹ con nghèo đến nước không có chỗ mà ở chắc chắn không phải là chính sách nhân đạo, ưu đãi của Nhà nước và pháp luật đối với những người có hoàn cảnh khó khăn bị thu hồi đất.
Đề nghị phía cơ quan thanh tra có thẩm quyền vào cuộc xác minh làm rõ bảo đảm các quyền và lợi ích hợp pháp của người bị thu hồi đất. Và trước mắt là tạo chỗ ăn, chỗ ở hợp pháp cho mẹ con nhà bà Phạm Thị Đạt, để mẹ con bà Đạt sớm ổn định cuộc sống.
Băng Tâm