Phải mất rất nhiều thời gian và công sức, nhà chức trách mới tạo được thói quen và giúp rèn ý thức cho người tham gia giao thông tại Việt Nam đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên xe máy.
Nhiều người đã phải thừa nhận rằng, với thói quen này khi ra đường, nếu không có mũ bảo hiểm trên đầu thì họ cảm thấy thiếu hẳn tự tin, cảm giác mất an toàn hiển hiện rõ…
Đó quả là một điều đáng mừng trong nỗ lực cải thiện ý thức của người dân khi tham gia giao thông. Nhưng trong không khí hân hoan đó, một vụ việc đã phá hỏng tất cả!
Đó là khi một phụ nữ trẻ đang điều khiển xe máy trên đường ở đoạn ngã tư Phạm Văn Đồng – Hoàng Quốc Việt thì bị một mảnh kim loại bắn ra như đạn, cắm trúng ngực và đe dọa tới tính mạng.
Nếu đã biết về vụ việc này, hẳn mỗi người đều cảm thấy vô cùng “rợn gáy”, và bức xúc đặt ra vô số câu hỏi: Mảnh kim loại đó là từ đâu ra? Ai phải chịu trách nhiệm cho vụ “giết người” vô tình ấy?
Xin thưa, câu trả lời vẫn đang bị bỏ ngỏ, vì phía cơ quan điều tra chưa có kết luận cuối cùng!
Chỉ biết rằng, mảnh kim loại đó bị nghi văng ra do tác động từ máy cắt cỏ của một nhóm công nhân môi trường đang làm gần đó. Đấy là những chiếc máy cắt cỏ “xoèn xoẹt” vẫn xuất hiện phổ biến ở những thảm cỏ công cộng, bên cạnh dòng xe lưu thông hằng ngày…
Tới đây, có thể bạn đã đồng ý với đề xuất cần thay đổi ngay quy định đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy. Bởi vì, mũ bảo hiểm chỉ bảo vệ được phần đầu, trong khi những nguy cơ hiển hiện trên mỗi con đường mà chúng ta lưu thông hằng ngày, thì đe dọa… nhiều bộ phận khác nữa. Như vụ việc trên là một điển hình!
Bởi thế, thay vì chỉ có mũ bảo hiểm, có lẽ tới lúc chúng ta phải mặc cả… áo giáp ra đường thì mới mong sự an toàn bản thân được đảm bảo.
Nếu bạn vẫn do dự với đề xuất này thì hãy cùng thử điểm qua những thứ nguy hiểm trên đường mà chắc chắn ai tham gia giao thông cũng đã gặp, để xem chỉ với mũ bảo hiểm, bạn có được an toàn hay không:
Một anh chàng ngồi sau xe máy, tay cầm cả bó ống sắt, ống inox mà không hề buộc nilon cảnh báo, nên dưới trời ban ngày, khó có thể quan sát thấy nếu đi ngay đằng sau…
Một chú trung niên đèo theo dụng cụ xây dựng với một chiếc đục sắt dài, nhọn hoắt, sẵn sàng ‘chọc’ bất kỳ ai đi phía sau mà không chịu căng mắt nhìn…
Một người mặc bộ quần áo màu xanh bạc phếch có vẻ như thương binh lái xe 3 gác chở theo hàng đống khung sắt chĩa mũi nhọn ra 4 hướng, thản nhiên lách phải, lao trái để mọi người tránh đường như diễn xiếc…
Một chiếc xe rác cao ngập đầu, được các nữ công nhân vệ sinh đẩy mà không cần nhìn, sẵn sàng tông vào phương tiện nào không biết tránh đường…
…
Nhiều lắm, kể ra đây thì vô số, nhưng ngần đó cũng đủ chứng minh “một chiếc mũ bảo hiểm… không thể làm nên mùa xuân!” Rõ ràng phải buộc người tham gia giao thông mặc áo giáp khi ra đường thì mới đủ!
Nhưng rồi, tác giả đề xuất này cũng chợt giật mình, khi nghĩ tới những chiếc cần cẩu xây dựng vẫn đang thò những cục bê tông đối trọng lù lù ra đường, ở hàng loạt công trình nhà cao tầng trên phố.
Thế này thì áo giáp cũng không đủ… Chẳng lẽ phải đề xuất người dân thay xe máy bằng… xe tăng mới ổn?
Thật là đau đầu và phức tạp!
Trong cơn đau đầu này, chúng ta mới giật mình nhận ra, nguy cơ trên đường nhiều như thế, thì cơ quan chức năng nào phải chịu trách nhiệm tổng thể? Quá khó để lần ra đầu mối, vì công trình cản trở, cần cẩu ‘thò đường’ là thuộc lĩnh vực của Sở Xây dựng, công nhân cắt cỏ, dọn vệ sinh do Công ty Môi trường quản lý, còn chở hàng cồng kềnh lại là phần việc dành cho CSGT…
Thế thì, nói tóm lại, ai sẽ chịu trách nhiệm “xây dựng một môi trường đáng sống” cho người dân? Chắc chắn là không phải các nhà sản xuất xe tăng hay áo giáp rồi!
Bút Lãng
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả