Ngày 31/5, Bộ Tư pháp tổ chức hội thảo với chủ đề Giải pháp huy động nguồn lực xã hội tham gia truyền thông dự thảo chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.
Phát biểu khai mạc, ông Lê Vệ Quốc - Vụ trưởng Vụ Phổ biến, Giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp cho biết, ngày 30/3/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 407/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022-2027" (Đề án 407).
Đề án 407 đề ra 8 nhóm giải pháp trọng tâm để thực hiện, trong đó có nhóm giải pháp huy động nguồn lực xã hội tham gia truyền thông chính sách pháp luật.
Qua nắm bắt tình hình, kết quả 1 năm triển khai thực hiện Đề án cho thấy, nhiều bộ, ngành, địa phương đã quan tâm chỉ đạo, chủ động phối hợp với các cơ quan truyền thông, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan tổ chức hoạt động truyền thông dự thảo chính sách với hình thức khá đa dạng cũng như huy động nguồn lực tham gia, bước đầu đạt một số kết quả tích cực, quan trọng.
Tuy nhiên, hiện nay có thực tế là, hầu hết các cơ quan chủ trì soạn thảo không có đủ nguồn lực về con người, kinh phí để có thể triển khai hiệu quả nhiệm vụ truyền thông dự thảo chính sách.
Việc huy động, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận, Hội Luật gia Việt Nam, Liên đoàn Luật sư Việt Nam và các đoàn luật sư, các chuyên gia, nhà khoa học, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tham gia, hỗ trợ cho truyền thông dự thảo chính sách còn chưa tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ.
Vì vậy, để hoạt động truyền thông dự thảo chính sách có hiệu quả, lan tỏa sâu rộng đến được với đông đảo các tầng lớp nhân dân, yêu cầu đặt ra là cần thu hút, huy động được các lực lượng trong xã hội tham gia, đồng hành cùng với các cơ quan chủ trì soạn thảo và hỗ trợ kinh phí thực hiện các hoạt động truyền thông dự thảo chính sách.
Phát biểu đề dẫn tại hội thảo, Phó Vụ trưởng Vụ Phổ biến giáo dục pháp luật (Bộ Tư pháp) Phan Hồng Nguyên nhấn mạnh: Việc Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án 407 được coi là một trong những “cú hích”, giải pháp quan trọng, cấp bách để hoạt động truyền thông dự thảo chính sách được thực hiện từ sớm, từ xa, ngay từ khi lập đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật góp phần nâng cao chất lượng chính sách, thể chế, tạo đồng thuận xã hội cũng như ý thức tôn trọng, tuân theo pháp luật của người dân, doanh nghiệp, đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước.
Để tăng cường việc huy động nguồn lực xã hội tham gia truyền thông dự thảo chính sách, ông Phan Hồng Nguyên cũng đề xuất một số giải pháp cần thiết, quan trọng.
Theo đó, cần tiếp tục nâng cap nhận thức của các cấp, các ngành, các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân về vai trò của công tác truyền thông dự thảo chính sách; phát huy vai trò của Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật các cấp trong hướng dẫn, chỉ đạo các giải pháp cụ thể, phù hợp.
Bên cạnh đó, nghiên cứu, hoàn thiện chính sách, thể chế để tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác truyền thông dự thảo chính sách nói chung, việc huy động nguồn lực nói riêng theo hướng gắn trách nhiệm với quyền lợi khi tham gia, hỗ trợ kinh phí và có cơ chế, chính sách khuyến khích cụ thể để thu hút sự tham gia của toàn xã hội.
Xác định những kênh huy động nguồn lực xã hội chính, đồng thời xác định cơ quan, tổ chức mà cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật cần chú trọng phối hợp trong quá trình truyền thông dự thảo chính sách (cơ quan thông tin, báo chí, doanh nghiệp, người dân, đối tượng chịu sự tác động của chính sách, Mặt trận Tổ quốc các cấp, các tổ chức thành viên của Mặt trận, trong đó chú trọng Hội Luật gia Việt Nam, Liên đoàn Luật sư Việt Nam,…)
Mở rộng và đa dạng hóa các hình thức tham gia, đổi mới phương pháp tiếp nhận, xử lý, phân tích, chắt lọc thông tin về ý kiến tham gia của người dân, các nhà khoa học, doanh nghiệp, chuyên gia trong xây dựng chính sách…
Theo TS. Nguyễn Thanh Sơn - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, đối với chính sách tác động lớn đến xã hội thì truyền thông không chỉ đóng vai trò trong xây dựng văn bản mà nếu được làm thực chất, hiệu qủa, nó còn góp phần quan trọng tạo sức sống của chính sách.
Để gia tăng hiệu quả việc truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của ngành, theo ông Sơn, thời gian tới cần cân nhắc 5 nội dung: xác định nhiệm vụ, định rõ nội dung, khoanh vùng đối tượng, tiếp cận thích ứng, phối hợp nhịp nhàng.
Trong đó, huy động sự tham gia từ cơ sở của các hội đồng, chuyên gia tư vấn để tham gia mạnh mẽ vào quá trình xây dựng pháp luật nói chung và truyền thông chính sách nói riêng; các chủ thể chịu sự tác động của chính sách phối hợp và vai trò không thể thiếu của các cơ quan truyền thông, báo chí.
Tại Hội thảo, đại diện một số cơ quan truyền thông báo chí nêu lên những khó khăn trong việc tiếp nhận chính sách. Bên cạnh đó, điều kiện cơ sở vật chất và hạ tầng để tiếp cận thông tin còn hạn chế dẫn đến khi người dân chưa được biết rõ thì việc phản hồi chính sách gần như là không thể.
Trên cơ sở đó, đề xuất các cơ quan soạn thảo chính sách cần chủ động, tích cực phối hợp với truyền thông, báo chí, qua đó giúp thông tin kịp thời, đầy đủ các chính sách, các vấn đề được xã hội quan tâm đến với người dân, doanh nghiệp cũng như định hướng dư luận xã hội.
Đồng thời, kiến nghị đa dạng hóa các cách thức, biện pháp thực hiện truyền thông dự thảo chính sách gắn với huy động nguồn lực xã hội tham gia, chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số; truyền thông trên các cơ quan thông tin, báo chí, nhất là các kênh thông tin đa phương tiện.
Chú trọng truyền thông dự thảo chính sách cho đối tượng đặc thù, địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.