Cần thêm những cơ chế, chính sách đột phá để đạt mục tiêu tăng trưởng

Phạm Hồng Nhung

Phạm Hồng Nhung

Thứ 3, 08/08/2023 17:15

Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhìn nhận, thị trường tài chính, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường chứng khoán,... đang đối mặt với khó khăn chưa từng có.

Trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều thách thức, ngày 8/8, tại Diễn đàn Cấp cao Cố vấn tài chính Việt Nam 2023 (Vietnam Wealth Advisor Summit 2023), Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương nhận định tình hình thế giới từ đầu năm đến nay tiếp tục biến động nhanh, phức tạp. Thị trường tài chính, trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán, bất động sản,… trong nước đối mặt với những thách thức chưa từng có.

Theo Thứ trưởng, điểm tích cực là xu thế kinh tế đang dần khả quan hơn. Các số liệu thống kê về sản xuất công nghiệp, xuất nhập khẩu, thu hút đầu tư nước ngoài, giải ngân vốn đầu tư công… đều cho thấy điều đó. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 7/2023 đã tăng 3,9% so với tháng trước và tăng 3,7% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 7 tháng, thu hút đầu tư nước ngoài đã lần đầu tiên trong năm tăng 4,5% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt gần 16,24 tỷ USD; kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 195,4 tỷ USD, vẫn giảm 10,6% so với cùng kỳ năm trước, nhưng xuất siêu trên 16,5 tỷ USD…

Xu hướng thị trường - Cần thêm những cơ chế, chính sách đột phá để đạt mục tiêu tăng trưởng

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương phát biểu tại diễn đàn.

Trong những tháng cuối năm 2023 và cả năm 2024, ông Phương dự báo, kinh tế Việt Nam sẽ còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, từ cả tình hình thế giới, khu vực biến động khó lường và những hạn chế, khó khăn trong nội tại của nền kinh tế.

Để kinh tế Việt Nam có thể trụ vững và tiếp tục tăng trưởng và phát triển, để khu vực doanh nghiệp được tiếp sức vượt qua khó khăn, sự vững mạnh của thị trường tài chính, tiền tệ, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp… có ý nghĩa rất quan trọng.

Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh, đây là một nhiệm vụ rất nặng nề, bởi nếu năm nay, tăng trưởng không đạt mục tiêu sẽ ảnh hưởng đến việc thực hiện Kế hoạch 5 năm 2021-2025, Chiến lược 10 năm 2021-2025, thậm chí xa hơn là các mục tiêu 2030 - 2045 như Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đề ra.

"Theo tính toán của chúng tôi, ngay cả khi năm nay đạt mục tiêu tăng trưởng 6,5%, thì bình quân hai năm 2024-2025, tăng trưởng GDP phải đạt 7,76%/năm, mới có thể đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 5 năm là 6,5%, cận dưới mục tiêu 5 năm 6,5-7%, theo Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII. Còn nếu tăng trưởng năm 2023 chỉ là 6%, bình quân hai năm 2024-2025, phải tăng trưởng 8%/năm”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương bổ sung.

Xu hướng thị trường - Cần thêm những cơ chế, chính sách đột phá để đạt mục tiêu tăng trưởng (Hình 2).

Toàn cảnh diễn đàn.

Đây là những mức tăng trưởng rất cao, nhất là trong bối cảnh kinh tế toàn cầu vẫn còn quá nhiều yếu tố bất định, còn kinh tế trong nước thì vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro như hiện nay. Theo Thứ trưởng, để đạt được các con số này là rất khó nếu không có thêm những cơ chế, chính sách đột phá.

Chính vì vậy, bên cạnh việc thực hiện các chính sách tiền tệ, tài khóa linh hoạt, chủ động, kịp thời và hiệu quả, cũng như các giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho đầu tư, sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, nhất là với các dự án trọng điểm, tăng cường xuất khẩu, kích cầu tiêu dùng, thu hút đầu tư nước ngoài… Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu Chính phủ báo cáo Bộ Chính trị về việc sửa đổi, bổ sung một số cơ chế, chính sách liên quan đến sản xuất - kinh doanh và đầu tư.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.