Trao đổi với PV Người đưa tin, PGS.TS Nguyễn Hồng Phương, PGĐ Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần thuộc Viện Vật lý địa cầu cho biết: "Theo nghiên cứu, Thủy điện sông Tranh 2 nằm trong khu vực có đứt gãy Hưng Nhượng - Tà Vi. Đứt gãy này từ xưa đã có khả năng phát sinh động đất. Việc xuất hiện động đất vào ngày 4/9 vừa qua là điều không quá bất ngờ. Tuy nhiên, do không có được những dự báo chính xác nên gây tâm lý hoang mang lo sợ của người dân".
Trong cuộc họp mới đây nhất ngay sau chấn động xôn xao dư luận, Trung tâm Vật lý địa cầu cùng các cơ quan hữu quan đã đưa ra hai giả thuyết để cùng tìm ra hướng giải quyết thích hợp và triệt để nhất, nhằm khắc phục hậu quả và không làm ảnh hưởng đến đời sống của người dân.
Giả thuyết thứ nhất cho rằng công trình thủy điện sông Tranh 2 nằm trùng lên đứt gãy Hưng Nhượng - Tà Vi. Đây có thể là nguyên nhân dẫn đến sự việc nghiêm trọng nói trên. Giả thuyết thứ hai cho rằng đó là hệ quả của động đất kích thích lên đập chứa nước. Nhưng dù là theo giả thuyết nào thì cũng không tránh khỏi việc sẽ xuất hiện những trận động đất tiếp theo trong tương lai.
PGS.TS Nguyễn Hồng Phương, PGĐ Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần thuộc Viện Vật lý địa cầu
Lý giải cho điều này, ông Phương quan ngại: "Trận động đất lần này là một dấu hiệu đáng lo ngại. Tính từ năm 2011 đến nay đã có 4 trận dư chấn xảy ra tại khu vựa xây hồ thủy điện. Hai trận động đất năm 2011 là 3,1 và 3,5 độ richte. Trận động đất đầu năm 2012 là 3,8 độ, và trận này là lớn nhất từ trước đến nay ghi nhận là 4,2 độ richte.
Nếu theo giả thiết thứ hai và căn cứ vào độ mạnh dần của động đất thì đây rất có thể là một chuỗi động đất kéo dài và nó sẽ không dừng lại ở đây. Khả năng về chuỗi động đất theo quy luật là tương đối cao. Do đó, việc sẽ xuất hiện thêm những trận động đất tiếp theo với cấp độ mạnh dần không phải là không có căn cứ.
Ông Phương nhấn mạnh: "Dù có nghiên cứu theo giả thuyết nào thì nguy cơ có những trận động đất tiếp theo là chắc chắn. Nếu không có số liệu quan trắc thì khó có thể theo dõi và đưa ra những dự báo chính xác được".
Cũng theo ông Phương, trên địa bàn cả nước hiện nay có tất cả 25 trạm địa chất hoạt động. Đây là số liệu quá mỏng so với nhu cầu phục vụ cho công tác dự báo động đất. Muốn dự báo được chính xác để tránh những hậu quả nghiêm trọng thì bắt buộc phải có được số liệu chính xác. Và cách duy nhất là thiết lập ngay trạm địa chấn địa phương quan trắc. Có như vậy mới có thể nghiên cứu cụ thể về cơ chế hoạt động của dãy đứt gãy và có những dự báo chính xác được.
"Đề nghị xây dựng trạm địa chất tại địa phương đã được chúng tôi làm đề cương và gửi đến các cơ quan hữu quan như Bộ Khoa học và Công nghệ, Viện Nghiên cứu, thập chí cả Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
Tuy nhiên, vẫn chỉ dừng lại ở các cuộc họp nhấn mạnh về sự cần thiết phải xây dựng các trạm quan trắc địa phương. Trên thực tế, dự án gần như giậm chân tại chỗ", ông Phương bức xúc.
Phúc - Thu