Nguyên nhân bị bạo lực học đường
Từ vụ việc Y.N, nữ sinh lớp 10 (Nghệ An) tự tử nghi vấn do bạo lực học đường, học sinh, thầy cô và cha mẹ cần làm gì để bảo vệ con trẻ trước nạn bạo lực học đường? Đây là câu hỏi được nhiều bậc phụ huynh quan tâm suốt tuần qua.
Đây không phải lần đầu tiên vụ bạo lực học đường nhận được sự quan tâm của dư luận, mà trước đó có rất nhiều vụ việc đã bị lên án, cảnh báo. Tuy nhiên, thực trạng này vẫn tiếp diễn.
Trao đổi với Người Đưa Tin, bà Hoàng Thị Thu Nhiên, chuyên gia lập trình ngôn ngữ tư duy - Trung tâm hỗ trợ cộng đồng Thu Nhiên Better Minds đưa ra một số nguyên nhân dẫn đến bạo lực học đường.
Theo chuyên gia Thu Nhiên, chỉ cần không ưng ý hay không hợp với một bạn nào đó trong nhóm, nhất là khi học sinh đó không giỏi kết nối với bạn bè thì sẽ có nhiều khả năng bị cô lập, tẩy chay trong lớp học.
“Bạn bị cô lập sẽ luôn có cảm giác bị các bạn khác bàn tán sau lưng mình”, bà Nhiên cho hay.
Nhìn nhận dưới góc độ tâm lý, bà Nhiên cho rằng khi bị các bạn cô lập, không có bạn bè chơi cùng sẽ khiến con vô cùng khổ tâm.
“Tâm lý của các em chỉ phát triển đạt tới một ngưỡng nhất định và chưa thể biết cách tự cân bằng cảm xúc. Nếu bố mẹ không nắm bắt được vấn đề trẻ đang phải trải qua thì trẻ sẽ dễ rơi vào trạng thái stress, sợ đi học, sợ phải đến lớp, tiếp xúc với các bạn”, bà Nhiên phân tích.
Bà Nhiên chỉ ra nguyên nhân khiến trẻ bị bạo lực học đường là do ảnh hưởng từ mạng xã hội. Nhiều khúc mắc nảy sinh do chat, tám chuyện qua Facebook, zalo. Ngoài ra, nhiều trào lưu không sạch sẽ, phản giáo dục trên mạng xã hội: TikTok, Youtube… ảnh hưởng tới suy nghĩ và hành động của giới trẻ.
Việc thiếu chia sẻ giữa bố mẹ với các con cũng là một nguyên nhân rất lớn khiến trẻ không thoát ra được tình trạng bị bạo lực học đường.
“Các con có thể đã từng tâm sự với bố mẹ về vấn đề mình đang gặp phải nhưng bố mẹ lại không dành cho con sự quan tâm mà con cần. Ở trường con đã bị bế tắc và ở nhà, con lại không nhận được sự chia sẻ của bố mẹ nên con sẽ không có cách giải quyết vấn đề”, bà Nhiên cho biết.
Làm gì để tránh sự việc đau lòng?
Từ những vụ việc đau lòng xảy ra thời gian qua liên quan đến bạo lực học đường, bà Nhiên cho rằng các phụ huynh nên gần gũi, là bạn của con.
“Phải thực sự thân thiết với bố mẹ thì trẻ mới dám kể câu chuyện của mình. Sau đó, cha mẹ nên hỏi thái độ của con với việc đó như thế nào?”, bà Nhiên đưa ra giải pháp.
Theo bà Nhiên, khi chia sẻ về rắc rối mà trẻ đang gặp phải ở trường, sẽ không ít bố mẹ nói với con rằng: “Chắc tại vì con như thế nào nên mới cùng lúc bị nhiều bạn cô lập con như thế, con cần xem lại mình trước”. Đó sẽ là câu phổ thông nhiều bậc cha mẹ hay nói.
“Tuy nhiên, không nên làm như vậy. Đó là hành động tự ngắt kết nối với con và những câu chuyện tiếp theo, con sẽ không kể thật thậm chí không chia sẻ vì thấy thiếu sự đồng cảm ở cha mẹ”, bà Nhiên nói.
Vì vậy, theo bà Nhiên, khi thấy con chia sẻ câu chuyện, cha mẹ cần lắng nghe để nắm được câu chuyện.
Sau đó, cần cảm ơn con đã kể câu chuyện ra cho cha mẹ, ghi nhận những điều con sẽ làm. Sau đó, cần hỏi con để con tự đưa ra phương án giải quyết vấn đề: “Ngày mai, tới trường, con sẽ làm gì để giải quyết việc này?”.
Sau khi nghe con nói rồi thì cha mẹ mới bày tỏ ý kiến bằng cách đưa ra đề xuất: “cha mẹ góp ý với con một chút được không?”. Khi con đồng ý lắng nghe lời góp ý của cha mẹ thì đó là lúc con sẵng sàng làm theo lời cha mẹ khuyên. Ngoài ra, việc trao đổi, tương tác với thầy cô để giải quyết vấn đề của con là điều rất cần thiết.
Thiết lập quy trình an toàn 24/24
Trong khi đó, PGS.TS Trần Thành Nam - giảng viên đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội, Phó chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục Việt Nam cho rằng, qua vụ việc đau lòng nêu trên cần có một quy trình xử lý bạo lực học đường. Một đứa trẻ nếu bị bạo lực học đường thì cần phải thiết lập quy trình an toàn 24/24 cho trẻ.
Sau khi thông báo với cha mẹ và nhà trường, trẻ cần được gia đình và nhà trường kết hợp để có các biện pháp chấm dứt ngay việc bị bạo hành đối với trẻ chứ không chỉ dừng lại ở việc “hứa sẽ xem xét sự việc và không làm gì, khiến những đối tượng đang bạo hành trẻ tiếp tục đe dọa".
Cần xem xét trẻ bị tổn thương tâm lý như thế nào sau khi bị bạo hành? có biểu hiện của trầm cảm, suy nghĩ tự sát hay không? Sau khi vụ việc bạo hành đã được trẻ tiết lộ rồi thì cần hỏi trẻ để biết tình hình trẻ có bị bạo hành tiếp không? Đã được cải thiện chưa? để có cách thức hỗ trợ tiếp theo.
Theo ông Nam, cần thiết lập một quy trình xử lý bạo lực học đường. Khi một vụ việc bạo lực học đường được thông báo tới thì cần làm các bước theo một sơ đồ chung như sau:
Nhận thông tin bạo lực học đường -> giao cho phòng tư vấn học đường tìm hiểu vụ việc có kế hoạch bảo vệ cho học sinh bị bạo lực -> làm việc với kẻ gây ra bạo lực, và phụ huynh của người này, đưa ra một hợp đồng cam kết đảm bảo không được tiếp diễn hành động bắ nạt học sinh kể cả ở không gian thực và trên mạng -> gia đình nạn nhân giám sát cả nạn nhân và cả người bắt nạt trong một khoảng thời gian để đảm bảo các hành vi bạo lực không tái diễn.