Theo người nhà anh T.H.T, 42 tuổi, địa chỉ tại tỉnh Hậu Giang, làm nghề thợ mộc cho biết, khi anh T. đang cưa gỗ thì bị một mãnh gỗ văng trúng ngực, vị trí văng ngay trước ngực, đâm xuyên qua vùng ngực, hơi hướng lệch về bên phải. Vết thương khoảng 2 – 3 cm.
Ngay sau đó, anh T. được người nhà đưa vào cấp cứu Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long. Qua thăm khám và thực hiện cận lâm sàng: chụp Xquang ngực thẳng, siêu âm bụng, siêu âm tim, kết hợp với truyền giảm đau, hỗ trợ oxy thì tình trạng anh T. khá hơn.
Kết quả ghi nhận từ bác sĩ bệnh viện cho thấy, vết thương chưa ảnh hưởng đến tim nhưng đã đâm xuyên vùng phổi bên phải gây tràn máu màng phổi bên phải lượng vừa. Người bệnh được chẩn đoán: vết thương thấu ngực, tràn máu màng phổi phải do tai nạn lao động.
Khoảng hơn một giờ sau thì người bệnh được đưa vào phòng phẫu thuật thám sát vết thương, kết quả có gãy một sụn sườn và đứt tĩnh mạch vú trong gây chảy máu khoảng 200 ml vào khoang màng phổi phải.
Ê-kíp bác sĩ đã phẫu thuật cấp cứu cầm máu, khâu cố định sụn sườn, dẫn lưu màng phổi phải. Sau 48 giờ điều trị tích cực, hiện tại sức khoẻ người bệnh tạm ổn và đang nằm nội trú để tiếp tục điều trị.
Theo BS. Trịnh Thái Bình, Khoa Cấp Cứu, Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long, trong y khoa, chấn thương ngực được phân thành hai nhóm, chấn thương ngực kín và vết thương ngực.
Với chấn thương ngực kín nhìn quan sát bên ngoài sẽ không thấy hoặc có thể chỉ thấy những vết bầm trên ngực, nhưng khi kiểm tra nhờ vào các phương tiện chẩn đoán hình ảnh như X-quang ngực hoặc siêu âm có thể thấy hình ảnh gãy xương, tổn thương phổi, tổn thương tim…
Còn với vết thương ngực thì ta có thể dễ dàng nhìn thấy sự mất liên tục của da do bị vật nhọn, vật tù đâm xuyên vào ngực, tùy theo mức độ nông sâu mà vùng ảnh hưởng sẽ nhiều hay ít, đôi khi chỉ là rách da nhưng cũng sẽ có những trường hợp dập phổi, tràn máu, tràn khí vào phổi, vào tim do vết thương đâm vào quá sâu. Chính vì vậy, việc cấp cứu những trường hợp trên đòi hỏi cần thực hiện nhanh chóng và an toàn.
Lưu ý khi có những trường hợp tương tự xảy ra
BS.CKII. Nguyễn Thị Thuỳ Mỵ, Phó Trưởng khoa Cấp Cứu, Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long cho biết thêm, dù là chấn thương ngực kín hay hở đều cần đảm bảo an toàn, khi ở ngoài hiện trường thì nên tránh di chuyển hay xốc người bệnh, việc cần làm là gọi ngay cho y tế gần nhất trước.
Trong thời gian chờ đợi nên trấn an nếu người bệnh tỉnh, băng bó, che vết thương hở, cầm máu và chú ý nếu có vật đâm thì nên để lại vật đâm trong vết thương chờ đội ngũ y tế đến xử lý cho người bệnh, không nên di chuyển vì có thể gây tổn thương thêm. Lúc này, vật đâm đóng vai trò trong việc ngăn chảy máu. Việc kéo ra sẽ làm tăng mất máu, trong khi đẩy vào có thể gây thêm thương tích cho các cơ quan nội tạng.
Những trường hợp bị tai nạn tương tự người bệnh này không phải hiếm gặp, tuy nhiên không phải trường hợp nào cũng được cấp cứu kịp thời và đúng cách. Vì thế, khi gặp nhưng tình huống trên mọi người cần bình tĩnh, sơ cứu và nhanh chóng đưa người bệnh vào viện để được chăm sóc y tế hiệu quả, tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra.