UBND TP Cần Thơ vừa phối hợp với Ngân hàng thế giới tổ chức hội thảo góp ý dự án “Xây dựng kế hoạch ứng phó toàn diện quản lý rủi ro ngập lụt của thành phố Cần Thơ”. Theo đánh giá của WB, TP Cần Thơ hiện là một trong những địa phương của khu vực ĐBSCL đang bị ảnh hưởng lớn do biến đổi khí hậu và nước biển dâng.
Tình hình lũ lụt tại TP Cần Thơ có diễn biến bất thường trong những năm gần đây. Nếu như năm 2000 mực nước lũ là 1,79m thì năm 2007 là 2,03m và năm 2011 đạt mốc 2,15m... Đặc biệt, hiện TP Cần Thơ đang đối mặt với ngập lụt do triều cường chứ không phải do lũ từ thượng nguồn tràn về như trước đây.
Theo tính toán, trong 10 đến 15 năm qua, mức thủy triều tại TP Cần Thơ đã tăng lên khoảng 20 đến 30cm, do đó, nguy cơ lũ lụt trong khu vực đô thị phụ thuộc rất nhiều vào thủy triều… Bên cạnh đó, khi trời mưa lớn, khu vực đô thị bị ngập lụt do hệ thống thoát nước không đủ năng lực tiêu thoát, dẫn nước. Đồng thời, Cần Thơ nằm ở hạ lưu khu vực ĐBSCL nên thường xuyên hứng chịu tác động xấu của thiên tai và đối mặt với những rủi ro chính như: ngập lụt, sạt lở, xâm nhập mặn và giông bão, lốc xoáy.
Nước biển dâng khiến nhiều khu vực ĐBSCL bị ngập
Ngoài ra, Cần Thơ lại nằm ở hạ lưu ở Đồng bằng sông Cửu Long nên thường xuyên chịu tác động xấu của thiên tai. Đặc biệt, trong mùa mưa lũ, triều cường kết hợp với lũ trên sông Hậu sẽ gây ra mực nước cao ở tất cả các khu vực đô thị. Trong những ngày mưa lớn kéo dài, lượng nước trong khu vực đô thị của thành phố không được thu gom hết bởi hệ thống nước thoát nước không đủ năng lực, làm cho tình trạng ngập lụt này càng trở nên xấu đi, gây tổn thương lớn về cơ sở hạ tầng, làm ảnh hưởng sinh hoạt và sức khỏe của người dân. Vì vậy, cần có sự thích nghi lớn để tiếp tục ứng phó.
Theo các đại biểu nhận định, vấn đề đáng quan tâm và làm ngay hiện nay là cần tối ưu hóa năng lực trữ nước và thoát nước ở các khu vực trong trung tâm quận Ninh Kiều và các thị trấn thuộc các quận, huyện để có thể ngăn dòng chảy ngược trong hệ thống thoát nước khi triều cường lên và tiêu nước nhanh khi triều cường xuống thấp. Ngoài ra, cần có biện pháp giảm nghèo đối với nông dân không có đất, các gia đình sống trong ngôi nhà tạm bợ dọc con kênh, sông...không được tiếp cận các dịch vụ công cộng. Tăng cường phương tiện, nhân lực chia sẻ thông tin, đẩy mạnh hợp tác, phối hợp giữa các cơ quan và có sự tham gia của cộng đồng.
Theo Công an Thành Phố Hồ Chí Minh