Tại hội thảo, bà Anjali Acharya, điều phối viên Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng Việt Nam đang có nhiều kịch bản, nhiều dự đoán khác nhau về ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và phải làm thế nào để giúp các tỉnh ở Đồng bằng sông Cửu Long đưa ra quyết định kịp thời ứng phó và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Tuy nhiên, trong điều kiện biến đổi khí hậu ở Đồng bằng sông Cửu Long cần chú ý tới mục tiêu về xóa đói giảm nghèo, những tác động ở phía thượng nguồn, đưa ra giải pháp về thể chế, giải pháp công trình để giảm ảnh hưởng lũ, lụt, biến đổi khí hậu…
Cũng tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hoàng Văn Thắng nhấn mạnh, hiện nay có rất nhiều nghiên cứu về Đồng bằng sông Cửu Long nhưng chưa có nghiên cứu tổng thể về Đồng bằng sông Cửu Long, Việt Nam đang cần sự hỗ trợ của WB để rà soát lại tất cả các nghiên cứu, từ đó thống nhất tầm nhìn, chiến lược và kế hoạch cho Đồng bằng sông Cửu Long. Trên cơ sở tầm nhìn thì Việt Nam mới ra quyết định hành động cho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Ông Đinh Vũ Thanh, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ cho rằng, hoạt động thích ứng và giảm thiểu tác động biến đổi khí hậu khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nên lồng ghép đa ngành, đa lĩnh vực hay xây dựng chương trình nông nghiệp, nông dân, nông thôn Đồng bằng sông Cửu Long ứng phó với biến đổi khí hậu, cũng như kết nối các hoạt động hướng tới sử dụng tài nguyên có hiệu quả trong đó có tài nguyên nước Đồng bằng sông Cửu Long, kết nối phát triển hạ tầng phục vụ phát triển cho nông nghiệp nông thôn, nâng cao đời sống, thu nhập người dân.
Đồng bằng sông Cửu Long mang tính đặc thù nên mong muốn WB cũng như các cơ quan liên quan có dự án trợ giúp đầu tư nghiên cứu sâu để đẩy mạnh xây dựng mô hình nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu.
Đánh giá tác động của biến đổi khí hậu Đồng bằng sông Cửu Long, bà Lê Thị Kim Cúc, Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Hợp tác quốc tế, Tổng cục Thủy lợi chia sẻ khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có 13 tỉnh nhưng các tỉnh có liên hệ chặt chẽ vì giải pháp của tỉnh này có liên quan đến tỉnh khác, vì vậy, kế hoạch ứng phó và thích ứng cụ thể phải có tính chất liên ngành và liên vùng. Bên cạnh giải pháp công trình thì có giải pháp phi công trình để có thể giữ vai trò chuyển giao mạnh cho từng vùng phù hợp.
Theo TTXVN