Luật Nhân đạo quốc tế đã chỉ rõ biểu tượng Chữ thập đỏ -Trăng lưỡi liềm đỏ Quốc tế là then chốt của tất cả các hoạt động nhân đạo, bất kỳ việc sử dụng không được luật Nhân đạo Quốc tế cho phép đều bị coi là lạm dụng biểu tượng. Hiện nay, việc lạm dụng biểu tượng Chữ thập đỏ xảy ra tại một số nơi phần nào ảnh hưởng đến uy tín, vị thế, hình ảnh của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam. Điều này đòi hỏi cần áp dụng các biện pháp, ban hành các quy định cần thiết, hoàn chỉnh để ngăn chặn. Xung quanh vấn đề này, PV đã có cuộc trao đổi với Luật sư Nguyễn Thế Truyền, Công ty luật Thiên Thanh.
PV: Hội chữ Thập đỏ có quyền khởi kiện các doanh nghiệp, cá nhân sử dụng biểu tượng Chữ thập đỏ sai mục đích gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh và uy tín của Hội không, thưa luật sư?
Luật sư Nguyễn Thế Truyền: Hội Chữ thập đỏ có quyền khởi kiện các cá nhân sử dụng biểu tượng Chữ thập bởi vì căn cứ theo Điều 14, 15 Luật hoạt động chữ thập đỏ quy định rõ ràng đặc điểm Biểu tượng chữ thập đỏ cụ thể như:
Biểu tượng Chữ thập đỏ là hình chữ thập màu đỏ, trên nền trắng. Biểu tượng Chữ thập đỏ được tôn trọng và được pháp luật bảo hộ.
Biểu tượng Chữ thập đỏ là dấu hiệu để nhận biết người đang thực hiện hoạt động Chữ thập đỏ và cơ sở, phương tiện, hiện vật được sử dụng trong hoạt động chữ thập đỏ. Trong các cuộc xung đột vũ trang, biểu tượng Chữ thập đỏ là dấu hiệu để nhận biết và bảo vệ người, cơ sở và phương tiện, hiện vật mang biểu tượng này.
Biểu tượng Chữ thập đỏ được sử dụng khi tiến hành hoạt động Chữ thập đỏ và tại cơ sở, trên phương tiện, hiện vật của Hội Chữ thập đỏ.
Khoản 7 Điều 6 Luật hoạt động chữ thập đỏ quy định một trong các hành vi bị nghiêm cấm: “Sử dụng biểu tượng Chữ thập đỏ trái pháp luật”.
Trong Công văn số 7464/BYT-KCB nêu rõ: Các cơ sở y tế chỉ được sử dụng biểu tượng Chữ thập đỏ khi tham gia các hoạt động chữ thập đỏ theo quy định tại điều 2 của luật Hoạt động Chữ thập đỏ; tại các cơ sở y tế và khi tiến hành các hoạt động y tế ngoài các cơ sở y tế, không phải hoạt động chữ thập đỏ, các cơ sở y tế không được sử dụng biểu tượng Chữ thập đỏ.
Qua đó, các đơn vị kinh doanh không được sử dụng Chữ thập đỏ vào những hoạt động không mang ý nghĩa phi lợi nhuận, tránh sử dụng tuỳ tiện và lạm dụng ý nghĩa của Chữ thập đỏ. Những hành vi trái với các quy định trên đều vi phạm pháp luật và cần phải xử lý nghiêm.
Năm 2013, biểu tượng Chữ thập đỏ cũng đã được cục Đăng ký bản quyền tác giả cấp Giấy chứng nhận cho Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đồng nghĩa với việc biểu tượng Chữ thập đỏ được pháp luật Việt Nam bảo hộ theo quy định của pháp luật Sở hữu trí tuệ. Việc sử dụng biểu tượng chữ thập đỏ một cách tràn lan cũng sẽ vi phạm các quy định trong luật Sở hữu trí tuệ.
PV: Theo luật, những doanh nghiệp, cá nhân xâm phạm bản quyền sẽ bị xử lý như thế nào?
Luật sư Nguyễn Thế Truyền: Khoản 1 Điều 199 của luật Sở hữu trí tuệ 2005 quy định biện pháp xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ như sau: “Tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của tổ chức, cá nhân khác thì tuỳ theo tính chất, mức độ xâm phạm, có thể bị xử lý bằng biện pháp dân sự, hành chính hoặc hình sự”.
Những doanh nghiệp, cá nhân xâm phạm bản quyền sẽ bị xử lý: Tuỳ theo tính chất và mức độ, hành vi xâm phạm có thể bị xử lý bằng biện pháp dân sự, hành chính hoặc hình sự.
Điều 4 Nghị định 105/2006/NĐ-CP quy định về áp dụng các biện pháp dân sự, hành chính, hình sự để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ quy định:
1. Biện pháp dân sự được áp dụng để xử lý hành vi xâm phạm theo yêu cầu của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ hoặc của tổ chức, cá nhân bị thiệt hại do hành vi xâm phạm gây ra, kể cả khi hành vi đó đã hoặc đang bị xử lý bằng biện pháp hành chính hoặc biện pháp hình sự.
Thủ tục yêu cầu áp dụng biện pháp dân sự, thẩm quyền, trình tự, thủ tục áp dụng biện pháp dân sự tuân theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.
2. Biện pháp hành chính được áp dụng để xử lý hành vi xâm phạm thuộc một trong các trường hợp: Xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ gây thiệt hại cho tác giả, chủ sở hữu, người tiêu dùng hoặc cho xã hội; Sản xuất, nhập khẩu, vận chuyển, buôn bán hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ hoặc giao cho người khác thực hiện hành vi này; Sản xuất, nhập khẩu, vận chuyển, buôn bán, tàng trữ tem, nhãn hoặc vật phẩm khác mang nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý giả mạo hoặc giao cho người khác thực hiện hành vi này. Theo yêu cầu của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ, tổ chức, cá nhân bị thiệt hại do hành vi xâm phạm gây ra, tổ chức, cá nhân phát hiện hành vi xâm phạm hoặc do cơ quan có thẩm quyền chủ động phát hiện.
Hình thức, mức phạt, thẩm quyền, thủ tục xử phạt hành vi xâm phạm và các biện pháp khắc phục hậu quả tuân theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ và pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quyền tác giả và quyền liên quan, quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng.
3. Biện pháp hình sự được áp dụng để xử lý hành vi xâm phạm trong trường hợp hành vi đó có yếu tố cấu thành tội phạm theo quy định của Bộ luật Hình sự.
Thẩm quyền, trình tự, thủ tục áp dụng biện pháp hình sự tuân theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự.
PV: Theo luật sư, Hội Chữ Thập đỏ phải làm gì để bảo vệ biểu tượng của Hội không bị xâm phạm?
Luật sư Nguyễn Thế Truyền: Khi phát hiện có tổ chức, cá nhân sử dụng biểu tượng Chữ thập đỏ không được phép của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, cần thu thập các bằng chứng, thông tin liên quan đến hành vi vi phạm. Sau đó, Hội Chữ thập đỏ có thể tiến hành nộp đơn đề nghị cơ quan thực thi xử lý vi phạm theo thủ tục xử lý vi phạm hành chính hoặc khởi kiện ra tòa và yêu cầu bồi thường. Thực hiện một vài vụ kiện như thế là rất cần thiết, giúp Hội Chữ thập đỏ Việt Nam bảo vệ được biểu tượng của mình tuỳ theo tính chất cũng như mức độ của hành vi vi phạm. Ngoài quy định về xử phạt hành chính ra, tùy tính chất, mức độ vi phạm, cơ quan thực thi, toà án có thể áp dụng biện pháp xử phạt bổ sung như: Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, đồng thời, tổ chức, cá nhân vi phạm còn có thể bị buộc áp dụng một hoặc các biện pháp khắc phục hậu quả, như: Buộc loại bỏ yếu tố vi phạm trên hàng hóa, phương tiện kinh doanh; Buộc loại bỏ thông tin, chỉ dẫn về hàng hóa, dịch vụ vi phạm trên phương tiện kinh doanh, kể cả phương tiện quảng cáo, mạng điện tử hoặc thay đổi, thu hồi tên miền, tên doanh nghiệp chứa yếu tố vi phạm...
PV: Xin cảm ơn Luật sư!
Hương Lan (thực hiện)
Tùy tiện sử dụng biệu tượng Chữ thập đỏ bị xử lý như thế nào?
Chỉ có một số tổ chức mới được quyền sử dụng biểu tượng Chữ thập đỏ trong hoạt động của mình. Trên thực tế sự vi phạm quy định nêu trên diễn ra phổ biến nhưng việc xử lý còn nhiều khó khăn. Pháp luật chưa có quy định nào cụ thể và riêng biệt về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Chữ thập đỏ. Vì vậy cần bổ sung chế tài để xử lý dứt điểm những vi phạm”, Luật sư Lê Trọng Minh, Văn phòng Luật sư Thành Sơn khẳng định.