Mới đây, tại hội thảo "Tăng cường vai trò quản lý, giáo dục an toàn giao thông trong các trường THPT", Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đưa ra dự thảo Thông tư về giáo dục an toàn giao thông trong trường học.
Theo dự thảo, ngoài tuyên truyền, giáo dục pháp luật, cung cấp kiến thức, kỹ năng cơ bản về an toàn và văn hóa giao thông, các nhà trường sẽ dạy nội dung thực hành kỹ năng lái xe bằng thiết bị thực tế hoặc mô phỏng.
Học sinh phổ thông được học các nội dung này ít nhất hai buổi một năm. Các trường có thể lồng ghép, tích hợp vào các môn học chính khóa, các hoạt động trải nghiệm, giáo dục kỹ năng sống, câu lạc bộ...
Ngoài ra, dự thảo của Bộ nêu một số yêu cầu cần đạt với học sinh ở từng cấp học. Ví dụ, học sinh mầm non cần nhận biết một số loại phương tiện, hành vi đúng - sai khi tham gia giao thông. Đến tiểu học, học sinh có kỹ năng đi bộ và điều khiển xe đạp an toàn. Học sinh THCS có kỹ năng điều khiển xe đạp điện an toàn. Ở cấp THPT, các em có kỹ năng điều khiển xe gắn máy, đoán trước và phòng tránh rủi ro khi tham gia giao thông.
Tại hội thảo, nhiều đại biểu nhận định việc trang bị kỹ năng lái xe an toàn cho học sinh là cần thiết.
Ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, cho biết năm 2023, khoảng 7,8% số nạn nhân thương vong do tai nạn giao thông ở độ tuổi trẻ em, tương đương 2.100 em (900 em tử vong và 1.200 bị thương). Trong đó, gần 1.500 là học sinh lớp 10-12.
Các tình huống dẫn đến tai nạn giao thông chủ yếu do đi trái phần đường, làn đường; chuyển hướng không an toàn; lái xe quá tốc độ được phép...
Ông Hùng cho biết để giảm tình trạng trên, thời gian tới, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, một số địa phương tổ chức thí điểm khóa tập huấn về quy định pháp luật, kỹ năng lái xe máy an toàn cho học sinh THPT, thậm chí tổ chức sát hạch như sát hạch cấp giấy phép lái xe.
Hai địa phương đầu tiên thí điểm việc này là Hà Nam, Lào Cai, sau đó mở rộng ra nhiều địa phương khác.
Cũng về vấn đề này, báo Thanh Niên từng đưa ý kiến của TS. Trần Hữu Minh - Chánh văn phòng Ủy ban ATGT quốc gia, thì tại Việt Nam có thể thấy một bất cập lớn là dù bị cấm nhưng thực tế nhiều HS trung học phổ thông đã tự điều khiển xe mô tô trên 50 cm3 tham gia lưu thông, dẫn đến nguy cơ mất ATGT cao. Ngay việc học sinh phổ thông điều khiển xe đạp, xe đạp điện, xe máy điện, xe máy có dung tích động cơ nhỏ hơn 50 cm3 tham gia giao thông cũng tiềm ẩn nguy cơ tai nạn, do các em không có bất cứ chứng chỉ bằng cấp gì, trong khi cả kiến thức về ATGT và kỹ năng điều khiển phương tiện của các em còn rất hạn chế. “Với những HS dưới 18 tuổi, chưa đủ điều kiện cấp bằng, nếu muốn điều khiển xe đạp điện, xe máy điện, xe máy dưới 50 cm3 phải có chứng chỉ cơ bản nhằm bảo đảm các em có đủ kiến thức và kỹ năng để tham gia giao thông một cách an toàn”, ông Minh kiến nghị.
“Việc dạy luật GTĐB và đào tạo GPLX cho HS khối trung học phổ thông là cần thiết để khắc phục những tồn tại về nguy cơ TNGT trong nhóm đối tượng này. Trong đó, việc giáo dục kiến thức về ATGT không phải đợi đến trung học phổ thông mà phải tiến hành ngay từ mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở. Tuy nhiên, việc cấp bằng chính thức phải theo quy định pháp luật về độ tuổi cho phép trong luật GTĐB, hiện nay là từ 18 tuổi trở lên”, TS Minh nêu quan điểm.
Để hiệu quả, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thị Kim Chi đề nghị các nhà trường chủ động phối hợp với cơ quan chức năng trong triển khai đồng bộ các giải pháp tuyên truyền, giáo dục an toàn giao thông cho học sinh.
Trong Chiến lược quốc gia bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045, Chính phủ đưa ra giải pháp điều chỉnh phân hạng giấy phép lái xe cơ giới đường bộ.
Theo đó, người điều khiển xe máy có dung tích xi-lanh dưới 50 phân khối hoặc xe máy điện có công suất động cơ dưới 4kW phải được đào tạo, cấp giấy phép lái xe. Hiện, học sinh phổ thông chủ yếu điều khiển các loại xe máy này.
Quỳnh Chi (t/h)