Cần triệt tiêu hủ tục hại con để “tránh tai họa"

Cần triệt tiêu hủ tục hại con để “tránh tai họa"

Thứ 5, 27/12/2012 23:44

Những đứa trẻ không may sinh sau trong các ca sinh đôi, sinh ba sẽ bị cả làng kéo đến chôn sống để tránh tai họa...

Người Jrai quan niệm, người phụ nữ sinh đôi, sinh ba là một hiện tượng lạ và là sự trừng phạt của Yàng (trời). Vì thế, những đứa trẻ vô tội trong trường hợp này bỗng dưng trở thành nỗi kinh hoàng của dân làng.

Khi đứa trẻ bị xem là tai họa của làng

Đồng bào Jrai ở nhiều nơi trên mảnh đất Tây Nguyên cho rằng, chỉ có những người phụ nữ bị ma ám mới sinh nở một lúc hai hoặc ba đứa bé trở lên. Và những đứa trẻ này được sinh ra là do trời phạt, nếu để đứa trẻ sống thì nó sẽ là tai họa làm khổ bố mẹ, dân làng.

Pháp luật - Cần triệt tiêu hủ tục hại con để “tránh tai họa'

Hai anh em Rơ Châm Phót, Rơ Châm Phét nạn nhân hiếm hoi thoát khỏi hủ tục

Vẫn còn chưa hết rùng mình khi kể về hủ tục đầy rùng rợn của đồng bào mình, già làng Ksor H'BLâm (67 tuổi, làng Kông, xã Ia Mơr, huyện Chư Prông, Gia Lai) cất tiếng thở dài cho biết, từ khi bà sinh ra đến nay thì đã có hàng chục trường hợp những đứa trẻ song sinh khi vừa chào đời đã phải bị mang đi chôn sống. Nguyên nhân cũng chỉ vì nhận thức hạn chế của những người dân trong làng.

Chuyện đã xảy ra cách đây vài thập kỷ. Khi đó, chị Rơ Mah Pheac sau thời gian lâm bồn đã sinh hạ hai đứa bé gái. Với dân làng, đây là sự việc chẳng cần phải bàn cãi nữa, Pheac đã bị ma nhập thật rồi, đứa trẻ vô tội kia sinh ra là do Yàng phạt nên cần phải tiêu diệt đứa trẻ sinh ra sau để tránh tai ương ập xuống đầu người dân, kể cả cha mẹ đứa bé. Trước sự kiện lạ trên, vợ chồng Pheac rất sợ hãi và đương nhiên quyền quyết định mạng sống của đứa con vô tội của họ không phải là đấng sinh thành mang nặng đẻ đau, mà chính là hủ tục đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân nơi đây.

Ngay lập tức, đứa bé sinh sau chưa kịp hưởng một giọt sữa mẹ thơm ngon một lần đã bị tách ra khỏi người chị và người mẹ. Tiếng khóc của cô bé tội nghiệp càng ngày càng thống thiết thì sự đáp trả chỉ là sự thờ ơ của những người nhận thức còn hạn hẹp. Và kết cục, cô bé bị chôn sống tại một cái hố trong rừng được người dân đào vội. Sau khi chôn được cô bé, những người dân đã cảm thấy khá yên tâm vì họ cho rằng tai họa sẽ không còn giáng xuống đầu mình nữa.

Không chỉ những đứa bé vô tội trong trường hợp song sinh mới bị chôn sống, mà theo già H'Blâm thì trước đây, do cuộc sống của người dân còn quá nhiều đói khổ, trình độ nhận thức còn hạn chế nên có gia đình sau khi sinh đến 5-6 đứa con, cuộc sống đói khổ nên họ đã lén lút chôn những đứa con mới sinh ra của mình.

Pháp luật - Cần triệt tiêu hủ tục hại con để “tránh tai họa' (Hình 2).

Hai anh em chụp ảnh cùng cha mẹ và các em tại ngôi nhà của mình

Người "tiêu diệt" luật tục

Là người hiếm hoi trong xã Ia Mơr lúc bấy giờ được giác ngộ Cách mạng cao nên sau khi trưởng thành, già H'Blâm đã thoát ly khỏi làng tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Đây cũng chính là thời gian già H'Blâm học hỏi và tiếp thu được rất nhiều những tiến bộ của người Kinh. Chính vì vậy, sau khi đất nước thống nhất, già đã trở lại nơi sinh ra để giúp người dân thoát khỏi cái hủ tục cay nghiệt trên. Từ đó đến nay, già đã dám đứng lên chống lại hủ tục, chống lại sự suy nghĩ lạc hậu của người đồng bào Jrai trong xã của mình để cứu hàng chục đứa trẻ đáng thương.

Và có lẽ một trong những niềm vui lớn nhất của già H'Blâm không thể không kể đến đó là cặp song sinh nam Rơ Châm Phót và Rơ Châm Phét (đang học lớp 6, trường THCS Nguyễn Văn Trỗi, xã Ia Mơr) - con của vợ chồng chị Rơ Châm Thon (làng Cò Lã). Cách đây 12 năm, chị Thon mang thai với cái bụng bất thường, và quả thật là chuyện lạ đã xảy ra khi chị Thon trong một thời gian ngắn đã đẻ được đến hai đứa con. Dân làng kéo đến đòi chôn đứa bé thứ hai để tránh tai họa ập đến. Lúc này, già H'Blâm đã tức tốc cùng với ông Ksor Hoài (lúc đó đang là Trưởng công an xã Ia Mơr) chạy đến chỗ cậu bé vô tội. Hai người đã động viên và tuyên truyền vận động dân làng không cho mang đứa bé đi chôn sống và giải thích cho dân làng hiểu đứa trẻ dù mới sinh ra vài ngày tuổi nhưng cũng là một sinh linh, có quyền được sống và được làm người, dân làng và bà con không có quyền tước đi quyền được sống của đứa bé.

Sau một hồi nỗ lực để giành giật mạng sống của đứa bé từ tay mọi người, thì cuối cùng những lời nói của già H'Blâm và ông Ksor Hoài đã làm động lòng Yàng. Cả lũ làng đã hiểu ra nên lục tục ra về. Đứa trẻ thoát chết được đặt tên là Rơ Châm Phét, còn đứa sinh trước là Rơ Châm Phót.

Khi PV Người đưa tin hỏi lúc đó già H'Blâm có sợ dân làng làm gì không, thì già thẳng thắn nói: "Mình là người đã từng tham gia cách mạng nhiều năm, đi đây đi đó cũng nhiều cho nên có những nhận thức khác với người làng của mình. Hơn hết, mình cảm thấy lúc ấy chỉ có một điều duy nhất nên làm là cứu lấy đứa bé vô tội. Ngoài ra không kịp suy nghĩ gì hơn, cũng không sợ phải mang cái tội chống lại dân làng".

Sau khi thoát khỏi bàn tay tử thần, đến nay hai anh em Phót và Phét luôn sống rất thương yêu nhau và là học trò ngoan hiền của trường THCS Nguyễn Văn Trỗi. Chia sẻ với PV, cô giáo Phan Thị Dung - giáo viên chủ nhiệm của Phót và Phét hết lời khen ngợi: "Hai em đều là học sinh ngoan và chăm chỉ nổi trội ở trường, các em luôn được thầy cô và bạn bè trong trường yêu mến".

Những hủ tục quái gở đang bị loại khỏi cuộc sống

Nhắc về hủ tục của đồng bào mình, già H'Blâm tâm sự: "Mình rất đau lòng khi đã không kịp ngăn cản việc mọi người mang những đứa trẻ đi chôn sống. Nhưng đó là chuyện những năm về trước, chứ thời gian gần đây, cuộc sống ngày càng nâng cao, các cán bộ cũng liên tục mở những cuộc vận động tuyên truyền nên các hủ tục cũng dần mất đi...".

Nhật Khánh


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.