1. Bệnh về đường tiêu hóa
Nhiệt đô cao, mưa nhiều là môi trường thuận lợi cho sự phát triển của các vi khuẩn có trong thức ăn và nguồn nước, nhất là đối với các nguồn thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Vậy nên một trong những bệnh phổ biến trong mùa hè là các bệnh về đường tiêu hóa như do tiêu thụ thức ăn, nước uống nhiễm khuẩn hoặc không được chế biến hợp vệ sinh.
Những vi khuẩn, virus, độc tố khi xâm nhập vào cơ thể có thể gây rối loạn tiêu hóa như đau bụng, đầy bụng, chướng hơi, buồn nôn, tiêu chảy hoặc các bệnh đường ruột như tả, kiết lỵ…
Theo các chuyên gia y tế, để phòng chống các bệnh về tiêu hóa trong ngày hè chúng ta nên tự chế biến thức ăn tại nhà, hạn chế ăn ở những hàng quán mất vệ sinh; lựa chọn thực phẩm tươi sống, hợp vệ sinh; Tập luyện thể dục thể thao hàng ngày; tránh stress làm suy giảm hệ miễn dịch, gây tăng tiết axit dạ dày; bổ sung các thực phẩm chức năng hỗ trợ hệ tiêu hóa nâng cao sức khỏe đường ruột.
2. Say nắng
Năm 2020 được các chuyên gia khí tượng học dự báo sẽ phá vỡ mọi kỷ lục nhiệt độ, kéo dài chuỗi hiện tượng thời tiết thất thường những năm qua. Điều này có thể dẫn đến nhiều vấn đề như cháy nắng, chuột rút,mất nước, ngất xỉu... trong đó nguy hiểm nhất là hiện tượng say nắng (hay còn gọi là cảm nắng, sốc nhiệt).
Ở trạng thái bình thường trung khu điều nhiệt giữ nhiệt độ cơ thể luôn ở mức cân bằng, tuy nhiên khi tiếp xúc với nhiệt độ cao trong thời gian dài trung tâm điều nhiệt bị tổn thương hoặc không còn giữ được sự cân bằng đó thì nhiệt độ cơ thể sẽ tăng mạnh, gây ảnh hưởng các chức năng khác trong cơ thể, đặc biệt là hệ thần kinh. Những người có nguy cơ cao bị say nắng là người già, trẻ em, phụ nữ, người mắc bệnh lý mạn tính, người lao động ngoài trời trong điều kiện nắng nóng, không nghỉ ngơi và bổ sung nước đầy đủ.
Bệnh nhân sốc nhiệt nếu không được cấp cứu kịp thời có thể bị co giật, hôn mê kéo dài, tiêu cơ vân, suy thận, tổn thương hệ thần kinh và các cơ quan khác thậm chí là tử vong.
3. Bệnh truyền nhiễm
Mùa hè cũng là thời điểm nhiều bệnh dịch phát triển như: Bệnh tiêu chảy cấp, sởi, thủy đậu, tay chân miệng, quai bị, viêm não Nhật Bản, thương hàn, sốt xuất huyết,… Tuy không phải là các bệnh nan y, nhưng các bệnh này đều dễ lây lan qua tiếp xúc, nói chuyện, ho…, dễ bùng phát triển thành dịch lớn. Nếu chủ quan không phòng tránh thì các bệnh truyền nhiễm sẽ dẫn tới nhiều biến chứng nặng ảnh hưởng đến khả năng sinh sản, tiêu hóa, hệ thần kinh… điều trị vô cùng tốn kém, thậm chí gây nguy hiểm đến tính mạng.
Để phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm chúng ta có thể thực hiện tiêm phòng vắc xin cho trẻ nhỏ và người lớn chưa từng mắc bệnh hoặc phụ nữ trước khi mang thai. Ngoài ra, người bị bệnh truyền nhiễm cần phải được điều trị, chăm sóc kịp thời, đúng cách và cách ly cho đến khi bệnh khỏi hoàn toàn. Người bệnh nên ở trong một phòng riêng, thoáng mát, vệ sinh sạch sẽ, đủ ánh nắng và nên dùng thuốc đúng theo chỉ định của bác sĩ.
4. Bệnh tim mạch, huyết áp
Thời tiết nắng nóng cũng rất nguy hiểm với những người bị các bệnh về huyết áp, tim mạch. Đặc biệt, người bệnh cần hết sức thận trọng để phòng ngừa những biến chứng do tăng huyết áp gây ra. Nhiệt độ oi bức khiến tim đập nhanh hơn vì thế huyết áp cũng tăng. Người bị cao huyết áp thường cảm thấy khó chịu, chóng mặt, đau đầu, nếu không phát hiện, theo dõi kịp thời có thể dẫn đến nguy cơ đột quỵ, gây nhiều biến chứng nghiêm trọng như liệt nửa người, suy giảm chức năng nhận thức, mất chức năng ngôn ngữ, nhiễm trùng đường tiết niệu, bàng quang, viêm phổi…
Đặc biệt, những người cao tuổi là đối tượng cần đặc biệt lưu ý đến chế độ ăn, luyện tập để thích nghi trước những biến đổi của thời tiết. Chúng ta cần giữ thói quen sinh hoạt điều độ, uống đủ nước, giữ tinh thần vui vẻ, thoải mái vì yếu tố stress cũng là một trong những nguyên nhân gây tăng huyết áp.
Quan trọng là hãy tự lắng nghe cơ thể mình, nếu có biểu hiện khác thường hoặc phát hiện huyết áp cao hơn mức bình thường nên đến các cơ sở y tế thăm khám để có hướng điều trị kịp thời.
5. Bệnh ngoài da
Nhiệt độ cao khiến da tiết nhiều mồ hôi, bụi bẩn bám vào dễ dẫn đến nhiễm khuẩn da, là điều kiện lý tưởng cho các bệnh ngoài da phát triển như rôm sảy, lang ben, vảy nến, viêm da tiếp xúc, viêm da, viêm nang lông do vi khuẩn, nấm da… Tuy không nguy hiểm đến tính mạng nhưng các bệnh này gây ngứa ngáy, khó chịu, mất thẩm mỹ, làm người bệnh gây mất tự tin trong giao tiếp, khó khăn trong sinh hoạt hằng ngày.
Để phòng tránh các bệnh ngoài da, bạn nên chọn trang phục thoáng mát, giữ vệ sinh cá nhân, nhà cửa sạch sẽ, nhất là vùng bị da tổn thương. Hạn chế tiêu thụ các loại thực phẩm làm tình trạng bệnh thêm nặng như các bệnh mề đay, dị ứng, rôm sảy...
Dù ngứa ngáy, khó chịu nhưng bạn không nên gãi quá mạnh khiến bề mặt da tổn thương, tăng nguy cơ nhiễm trùng. Các bạn cũng lưu ý không tự ý mua thuốc uống, bôi thuốc không theo đơn của bác sĩ, tránh dùng các loại mỹ phẩm, xà phòng có tính tẩy rửa mạnh.
Minh Hoa (t/h)