Thích là "hành động"
Mùng 5 tết, có mặt tại chùa Phật Tích (huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh), ngôi chùa nổi danh Việt Nam với lịch sử lâu đời và những pho tượng Phật cổ, chúng tôi thật bất ngờ trước hành vi "vô tình" của những người đi lễ. Tại rất nhiều nơi trong chùa đều treo bảng, không đặt, gài tiền lên tượng Phật; không thả tiền xuống... thế nhưng, nhiều người vẫn thản nhiên gài tiền, thả tiền xuống những nơi mà nhà chùa treo bảng cấm.
Đi sát cạnh tôi là một phụ nữ trung tuổi, ăn vận thời trang, phong cách của công chức khá giả. Chị ta vừa đọc bảng thông báo, không gài tiền vào tượng Phật, còn tay thì vẫn gài. Thấy lạ, tôi hỏi: "Chị ơi, chị để tiền nhầm nơi rồi. Chị ra bàn công đức luôn thể, đỡ phải gài ở nhiều nơi. Bàn công đức có giấy ghi nhận đấy". Người phụ nữ trợn tròn mắt, nói: "Việc gì đến nhà cô. Tôi đặt tiền ở đâu là quyền của tôi". Tôi cũng tròn mắt, vì ngạc nhiên trước câu trả lời "vô tình" của chị ta. Thấy vậy, chị ta dịu giọng, nói: "Ừ, chị nhầm. Thôi, cài vào đấy, Phật sẽ cho lộc nhiều hơn; con học giỏi hơn; chồng sẽ thăng quan, tiến chức nhanh hơn". Nói rồi, chị ta tất tả đi chỗ khác, gặp tượng Phật nào cũng cố gắng gài tiền vào bằng được. Thật không hiểu nổi, người phụ nữ này nghĩ gì.
Tiền phủ đầu, mặt tượng Phật ở chùa.
Một người đàn ông đẹp trai, trung tuổi, ai nhìn vào cũng thấy vẻ đạo mạo của người nhiều tiền, đang bỏ tiền xuống dưới cái thùng kính to, ngăn giữa ban thờ chính với các ban thờ trên. Hành vi "lạ" của anh ta bị người đi lễ chùa nhắc nhở. Người đàn ông này quay ra, quắc mắt nói: "Không có tiền bỏ xuống đó thì thôi, nhắc người khác để che đậy sự yếu hèn à? Không gửi tiền Phật, tiền Thánh, thì làm ăn phát đạt sao được? Chẳng trách, các người cứ mãi là kẻ nghèo, hèn...". Thấy 2 người to tiếng, những người đi lễ xung quanh đã phải can thiệp. Người đàn ông tự cho mình là giàu có kia vẫn không nhận lỗi, vẫn cho rằng, thích thì "hành động", chẳng ai cấm được, vì pháp luật không cấm, không xử lý, không phạt hành vi gài tiền vào tượng Phật. Anh này còn "già miệng" cãi, tôi làm những gì pháp luật không cấm, ai thích thì phạt tôi đi? Quả thật, chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào điều chỉnh việc này nhưng, có một thực tế là, anh này đã vi phạm các quy định của nhà chùa, địa phương, làm xấu hình ảnh của người đi lễ chùa truyền thống.
Xúc phạm... đủ thứ!
Đi lễ ở một số chùa, đền tại Lạng Sơn, tôi phát hiện ra, người đi lễ gài, đặt, bỏ tiền rất tuỳ tiện. Chẳng biết, trong tâm họ có tu thật hay không, nhưng đến đâu cũng thấy họ rải tiền, vái đến gập cả người, thót bụng, đau cả lưng... Nói về việc đặt, gài tiền vào tượng Phật, giáo sư Ngô Đức Thịnh - Giám đốc trung tâm Nghiên cứu và bảo tồn văn hoá tín ngưỡng Việt Nam nói: "Việc đặt tiền lẻ vào tay tượng, thậm chí đút cả vào miệng tượng là hành vi xúc phạm tín ngưỡng và phản văn hoá". Tiến sỹ Nguyễn Thị Minh Thái, giảng viên khoa Báo chí - trường đại học Khoa học, xã hội và nhân văn, đại học Quốc gia phát biểu một câu rất ý nghĩa: "Đừng để suy nghĩ trên đầu mà lại nằm ở dưới bụng". Câu nói này làm những người có tâm, có tầm phải suy nghĩ nhưng với người "vô tâm", chắc họ chẳng quan tâm.
Bác Hoàng Thanh Hoàn, cán bộ ngành văn hoá, đã về hưu (Hoàn Kiếm, Hà Nội), bộc bạch: "Từ ngày về hưu, tôi thường cùng vợ và các cháu đi lễ chùa vào dịp ngày tết, ngày lễ. Đến đình, chùa, đền, miếu mạo nào, tôi cũng thấy người đi lễ gài, bỏ, đặt tiền lẻ ở tất cả mọi nơi. Họ gài cả vào cây, vào đồ để làm lễ của chùa, vào con ngựa gỗ... thì việc đặt tiền vào tượng Phật là tất nhiên. Hành vi đặt, gài tiền lung tung ấy, theo tôi là xúc phạm rất nhiều điều. Xúc phạm thần thánh, Phật; xúc phạm nhà chùa; đặc biệt, xúc phạm chính bản thân mình. Bởi hành vi đó thể hiện bản chất của người thực hiện, rằng, việc gì họ cũng sử dụng tiền để giải quyết chứ không đi lên bằng chính khối óc, bản lĩnh và đôi chân của mình. Họ phải "hối lộ" cả những thứ vô hình để mong có tài, có lộc. Với tôi, đi lễ đình, đền chùa là hành vi thể hiện tín ngưỡng tâm linh, văn hoá của từng người. Muốn ủng hộ nhà chùa giọt dầu, cây nến, chúng ta cứ đến thẳng người trụ trì của chùa, công đức, không làm gì phải gài tiền khắp nơi để nhà chùa lại mất thời gian đi thu tiền về".
Một tăng ni (xin được ẩn tên), tại một ngôi chùa nổi tiếng Hà thành, tâm sự: "Thấy người đi lễ cứ gài tiền lung tung, nhiều lúc, tiền bay đi... trong khi, nhà chùa đã treo bảng thông báo cấm đặt, gài tiền ở chỗ A, chỗ B, nhưng nhiều người vẫn thản nhiên thực hiện. Tôi nhắc nhở, có đôi vợ chồng ăn vận rất đẹp, cử chỉ, hành động đều rất đại gia, gay gắt rằng: "Không đặt tiền lễ, người nhà chùa lấy gì mà ăn... Lại còn sĩ...". Nghe xong, mặt tôi tím lại. Không hiểu, họ giàu đến đâu mà thiếu lịch sự, văn hoá ứng xử ở nơi công cộng như thế?".
Tóm lại, ở nơi mang tính tín ngưỡng, người đi lễ hãy thực hiện các quy định tại đó một cách có văn hoá. Tại nơi hướng về tâm linh ấy, chúng ta nên tĩnh tâm, đừng cứ hứng, cứ thích lên là "hành động" mà xúc phạm chính cả bản thân mình.
P.V