Cẩn trọng khi đầu tư góp vốn, cam kết lãi suất tới 40%/năm

Thứ 4, 18/09/2024 09:00

Thành lập chưa tròn 1 năm, doanh nghiệp đổi tên, thay đổi người đại diện pháp luật, tăng vốn điều lệ từ 800 triệu lên 46 tỷ đồng. Thay vì kinh doanh thực phẩm như ban đầu, doanh nghiệp kêu gọi đầu tư góp vốn với cam kết trả lãi tới 3,5%/tháng.

Cam kết lãi cao, chuyển tiền vào tài khoản Phó TGĐ

Phản ánh với Người Đưa Tin, chị T., ngụ tỉnh Quảng Nam, cho hay, thông qua bạn bè giới thiệu, chị biết đến Công ty TNHH Đầu tư Thương mại N.V.C, đang kinh doanh ngành nghề chứng khoán và trả lãi suất cố định hàng tháng cao so với các loại hình góp vốn trên thị trường hiện nay.

Sau đó, chị T. gặp nhân viên tư vấn của N.V.C tại một quán cà phê ở quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng. Tại đây, chị được nhân viên công ty tư vấn, doanh nghiệp có ngành nghề mang lại lợi nhuận chính là chứng khoán Việt Nam. Ngoài ra, doanh nghiệp còn kinh doanh thêm mảng sản xuất thực phẩm sạch.

Nhân viên công ty còn cho hay, biên độ lợi nhuận người góp vốn được hưởng dao động từ 3% đến 4,5%/tháng, tùy vào tổng tiền góp vốn từ 150 triệu, không giới hạn và kỳ hạn từ 3 đến 12 tháng.

Sau đó, chị được nhân viên mời đến văn phòng tại đường Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng để ký hợp đồng góp vốn với số tiền 150 triệu đồng. Đồng thời, chị được đề nghị chuyển tiền trực tiếp qua tài khoản cá nhân của người đại diện Công ty.

Theo hợp đồng chị T. cung cấp, khách hàng tham gia hợp đồng góp vốn sẽ nhận được lợi nhuận hấp dẫn lên đến 10,5% trong 3 tháng, tương đương với 3,5%/tháng. Đặc biệt, lợi nhuận cam kết được chi trả cố định vào ngày 10 hàng tháng.

Trong khi đó, công ty cam kết bảo đảm an toàn vốn 100% cho nhà đầu tư. Công ty chịu hoàn toàn trách nhiệm về những rủi ro đầu tư, ngoại trừ các rủi ro liên quan đến tranh chấp thừa kế, ly hôn, tranh chấp tài sản về kinh doanh, hình sự, hay kiện tụng dân sự nào từ phía bên khách hàng, không tính vào tài sản sau khi phá sản…

Hơn một tháng sau khi ký hợp đồng góp vốn, chị đọc lại hợp đồng thì nhận thấy hợp đồng khá sơ sài. Hợp đồng được in sẵn, điền các thông tin của khách hàng bằng cách viết tay vào hợp đồng. Trong hợp đồng chỉ có mục III, IV, V, VI mà không có mục I, II.

Công ty thực phẩm mới đầy tuổi, trụ sở không biển hiệu

N.V.C trước đây từng hoạt động dưới tên gọi Công ty TNHH Thực phẩm sạch TN, được thành lập vào ngày 9/6/2023 với vốn điều lệ 800 triệu đồng.

Đến ngày 24/5/2024, doanh nghiệp này đổi tên thành Công ty TNHH Đầu tư TM N.V.C

Đồng thời, Công ty cũng thay đổi người đại diện pháp luật từ một đại diện SN 1992 sang hai Tổng giám đốc và Phó Tổng Giám đốc.

Trong quá trình chuyển đổi, doanh nghiệp tăng vốn điều lệ lên mức 46 tỷ đồng, với 2 cổ đông, mỗi người góp 23 tỷ đồng – tương ứng 50% vốn.

Trước khi chuyển đổi, Thực phẩm sạch TN hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực thực phẩm với ngành nghề kinh doanh chính là chế biến, bảo quản thịt và các sản phẩm từ thịt.

Tuy nhiên, sau khi đổi tên, N.V.C mở rộng lĩnh vực hoạt động với 56 mã ngành mới, tập trung vào các hoạt động hỗ trợ dịch vụ tài chính và tư vấn đầu tư, cùng với các ngành nghề khác như kinh doanh bất động sản, môi giới bất động sản, đại lý, môi giới, đấu giá hàng hóa, bán buôn máy móc và thiết bị nông nghiệp, kim loại và quặng kim loại…

Bất ngờ hơn, theo tìm hiểu của Người Đưa Tin, dù thay tên đổi chủ, tăng vốn điều lệ nhưng trụ sở công ty đến nay đặt tại địa chỉ đường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm, Tp.Hà Nội. Tại địa chỉ đăng ký trụ sở Công ty là căn nhà 4 tầng nằm trong ngõ sâu, không có biển hiệu công ty nào như đăng ký.

Cẩn trọng hình thức huy động vốn lãi suất cao

Trao đổi với Người Đưa Tin, luật sư Phạm Ngọc Hải, Giám đốc Công ty Luật Ami, thành phố Đà Nẵng, cho hay, huy động vốn, góp vốn hay hợp tác kinh doanh đều là những hình thức đã được quy định rõ trong Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư và các văn bản pháp luật chuyên ngành có liên quan.

Tuy nhiên, hiện nay tồn tại nhiều hình thức biến tướng của các hình thức này, điển hình là việc huy động, kêu gọi góp vốn với mức lãi suất cố định được chi trả hàng tháng cao, thủ tục nhanh và đơn giản, thu hút rất nhiều người tham gia.

Các hình thức huy động vốn biến tướng tồn tại rất nhiều rủi ro cho người tham gia. Các mẫu Hợp đồng thường quy định điều khoản không chặt chẽ, không bảo vệ được quyền lợi của người dân tham gia.

Rủi ro lớn nhất của các hình thức biến tướng này là từ việc các đối tượng huy động vốn sử dụng số tiền vốn đã huy động vào các mục đích khác ngoài các mục đích đã được quy định trong Hợp đồng như dùng để tiêu xài cá nhân, đầu tư bất động sản, trả nợ…

Sau đó, các đối tượng này báo lại với người dân là đã làm ăn thua lỗ nên mất khả năng thanh toán, không thể trả lại tiền. Tiền đầu tư đã bị rút hết để dùng vào mục đích khác, người dân có thực hiện khởi kiện Công ty để đòi lại số tiền bị mất thì Công ty này cũng không còn khả năng thi hành án (do tài sản không còn) nên lúc này, người dân hoàn toàn mất trắng số tiền đã đầu tư.

Các hình thức huy động vốn biến tướng hiện nay xuất hiện ngày càng nhiều về số lượng và quy mô, phương thức thực hiện ngày càng tinh vi hơn. Do đó, trước khi quyết định đầu tư, người dân cần nghiên cứu, xem xét kỹ.

Người dân cần xem xét phương thức tạo ra lợi nhuận, cách thức mà bên huy động vốn sử dụng số tiền đầu tư có thực chất, cụ thể, rõ ràng hay không? Có khả năng để thu về được lợi nhuận tương ứng để đủ thanh toán tiền lãi suất/lợi nhuận đã cam kết hay không? Dễ thấy nhất ở một mô hình huy động vốn biến tướng là mô hình này có sự không cân xứng giữa số tiền lợi nhuận/lãi suất cam kết và phương thức, khả năng mà mô hình này có thể tạo ra được thu nhập cao hơn số tiền đã cam kết đó.

Đối với các trường hợp huy động vốn nhưng lại chi trả lãi suất/lợi nhuận cố định thì người dân cần xem xét và cân nhắc cẩn trọng. Bởi lẽ, bản chất của việc Đầu tư, góp vốn là "lời ăn, lỗ chịu", việc đưa ra một mức lãi suất/lợi nhuận cố định thì bản chất của quan hệ này nhiều trường hợp sẽ được xác định là quan hệ vay tài sản, không phản ánh đúng quan hệ đầu tư, góp vốn giữa các bên.

Người dân cũng cần xem xét kỹ các giấy tờ pháp lý của bên huy động vốn, xem xét trực tiếp trụ sở, địa điểm kinh doanh có thực hay không? Quy mô kinh doanh có đúng như mô tả hay không? Khi thực hiện đầu tư, góp vốn thì người dân có các giấy tờ pháp lý xác nhận tư cách của mình hay không? Ví dụ: Hình thức đầu tư góp vốn vào Doanh nghiệp thì người dân phải được đăng ký thay đổi thành viên Công ty vào Giấy chứng nhận đăng ký Doanh nghiệp (đối với Công ty TNHH) hoặc được cấp Giấy chứng nhận sở hữu cổ phần và ghi vào Sổ đăng ký cổ đông (đối với Công ty Cổ Phần). 

Cần xem xét việc chuyển tiền góp vốn phải được thực hiện thông qua tài khoản của chính Công ty đã huy động vốn đó, hạn chế chuyển tiền cho tài khoản cá nhân, kể cả tài khoản này là của Giám đốc Công ty.

Sau cùng, người dân cần xem xét ngành nghề kinh doanh của Công ty phải phù hợp đối với mục đích huy động vốn. Nên lựa chọn các Công ty uy tín, đã có thương hiệu trên thị trường. Đồng thời, khi người dân đầu tư, góp vốn, cần tham khảo ý kiến để được rà soát lý bởi các Luật sư, chuyên gia trong ngành trước khi thực hiện.

DUY CƯỜNG - THANH LOAN

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.