Mới đây, một clip ghi lại cảnh bạo hành trẻ em tại một trường mầm non đang được chia sẻ chóng mặt trên mạng xã hội. Nhiều bậc phụ huynh đã bày tỏ sự hoang mang, lo lắng và phẫn nộ trước hành vi bạo hành trẻ em của cô nuôi dạy trẻ.
Theo đó, clip dài hơn 2 phút, ghi lại khá chi tiết và cận cảnh hành vi bạo hành của giáo viên mầm non ở đây. Có thể thấy, một giáo viên đã cầm một chiếc dép màu trắng đập mạnh 2 lần lên đầu đứa trẻ.
Ở một góc khác, trong nhà về sinh, một bé trai đang được một nữ giáo viên dùng vòi nước xối thẳng vào người em sau khi cậu bé đi vệ sinh. Người này vừa rửa qua loa vừa buông lời chê bai, tỏ thái độ kinh hãi trước việc em học sinh đi vệ sinh bẩn.
Gần hết clip, một em bé khác bị cô giáo dùng đầu gối đá vào người và bị véo tái, trong khi em thì nước mắt giàn giụa. Có thể thấy trong suốt clip là những giọt nước mắt nức nở và ánh mắt sợ hãi của nhiều em học sinh nơi đây.
Được biết, hiện tại, nhà trường đã có buổi làm việc với phụ huynh học sinh. Để phụ huynh yên tâm, 2 cô giáo hai cô có hành vi bạo hành học sinh là Đặng Thị Bình và Nguyễn Thị Hồng Ngát đã bị cho thôi việc.
Trước tình trạng đang xôn xao dư luận này, Luật sư Lâm Văn Quang, Đoàn luật sư TP. Hà Nội đã đưa ra quan điểm, không chỉ cho thôi việc 2 cô giáo này mà còn phải truy cứu trách nhiệm theo pháp luật.
Luật sư cho biết: “Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em quy định cụ thể về quyền lợi của đối tượng này. Theo đó, trẻ em được gia đình, nhà nước và xã hội tôn trọng, bảo vệ tính mạng, thân thể, nhân phẩm và danh dự. Mọi hành vi vi phạm quyền của trẻ em, làm tổn hại đến sự phát triển bình thường của trẻ em đều bị nghiêm trị theo quy định của pháp luật.
Trong đó, hành vi ngược đãi, hành hạ trẻ em là một trong những hành vi bị nghiêm cấm (theo khoản 6 Điều 7 Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em quy định)”.
Hành vi này được hướng dẫn tại Điều 8 Nghị định 71/2011/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số quy định của luật, bao gồm:
- Xâm phạm thân thể, đánh đập, đối xử tồi tệ đối với trẻ em; bắt trẻ em nhịn ăn uống, mặc rách, hạn chế vệ sinh cá nhân; giam hãm trẻ em; bắt trẻ em sống ở nơi có môi trường độc hại, nguy hiểm.
- Gây tổn thương về tinh thần, xúc phạm nhân phẩm, danh dự, lăng nhục, chửi mắng, đe dọa, làm nhục, cách ly, xao nhãng ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ em.
- Dùng các biện pháp trừng phạt để dạy trẻ em, làm trẻ em tổn thương, đau đớn để thể xác và tinh thần.
- Thường xuyên đe dọa trẻ em bằng các hình ảnh, âm thanh, con vật, đồ vật làm trẻ em sợ hãi, tổn thương về tinh thần.
Theo quy định tại Điều 27 Nghị định 144/2013/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính về bảo trợ, cứu trợ xã hội và bảo vệ, chăm sóc trẻ em, những hành vi được liệt kê cụ thể như trên có thể bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng.
Luật sư Quang cũng cho rằng: “Trường hợp các cô giáo có hành vi đánh đập dẫn đến hậu quả gây thương tích cho học sinh thì tùy trường hợp hành vi này sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự với tội cố ý gây thương tích theo quy định tại Điều 104 Bộ luật Hình sự.
Nếu chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì trường hợp trên có thể bị xử phạt hành chính theo quy định tại hành vi trên có thể bị xử phạt hành chính theo quy định tại điểm e khoản 3 Điều 5 Nghị định 167/2013/ NĐ-CP Phạt tiền từ 2 triệu đồng đến 3 triệu đồng”.
Ngoài ra, người thực hiện hành vi hành hạ, ngược đãi đối với trẻ em còn phải bồi thường thiệt hại thực tế về sức khỏe và tinh thần mà cá em phải chịu đựng tương ứng theo quy định của pháp luật dân sự.
Dương Nhung