Chế tài xử lý người tung tin thất thiệt về virus corona
Tình hình nạn dịch viêm phổi virus Corona Vũ Hán (Trung Quốc) đang diễn biến phức tạp, các nguồn thông tin về dịch bệnh này xuất hiện hầu như trên khắp các phương tiện truyền thông đại chúng, đặc biệt là trên các trang mạng xã hội.
Dịch bệnh có tính chất toàn cầu, lây lan đe dọa tính mạng con người không thường xuyên diễn ra, bởi vậy nhiều người không hiểu hết được mức độ nguy hiểm của dịch bệnh này nên có thái độ thờ ơ, thậm chí mang chuyện dịch bệnh ra để đùa cợt, lợi dụng tình trạng dịch bệnh để câu like, thu hút người theo dõi trang cá nhân trên mạng xã hội của mình. Bởi vậy, thời gian gần đây đã xuất hiện nhiều tin giả, tin xấu, độc hại về dịch bệnh do vi rút nCoV gây ra gây hoang mang cho người dân.
Dưới góc nhìn pháp lý, một số chuyên gia cho rằng: Các tin giả, tin xấu, tin độc hại, xuyên tạc sự thật thường nhằm vào một số mục đích như: Mục đích chống phá chính quyền, làm mất, giảm uy tín của Đảng, của Nhà nước và của một số cán bộ, lãnh đạo; Hành vi đưa tin xuyên tạc, sai sự thật còn nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác; Hành vi tung tin giả, tin sai sự thật còn nhằm thu hút lượng người theo dõi, tương tác để trở nên nổi tiếng hơn trên mạng xã hội, đồng thời hành vi này có thể gây ra những hoang mang, hoảng loạn trong xã hội, gây hoài nghi và lo lắng cho nhiều người…
Các đối tượng tung tin đồn, xuyên tạc, tung các tin giả, tin độc hại trên mạng xã hội có thể ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn xã hội, đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Đặc biệt là khi có dịch bệnh bùng phát thì những tin giả, tin xuyên tạc về dịch bệnh, về nạn nhân tử vong, những hình ảnh kinh dị, ám ảnh… sẽ tác động tiêu cực đến xã hội, khiến nhiều người hoang mang, sợ hãi mà có những phản ứng tiêu cực, xảy ra những hiệu ứng đám đông, làm mất an ninh trật tự, an toàn xã hội.
Bởi vậy, cùng với nhiệm vụ khoanh vùng, dập dịch, cơ quan chức năng còn tích cực kiểm soát thông tin về dịch bệnh để tránh nhiễu loạn thông tin, gây ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch bệnh và không gây mất an ninh trật tự, an toàn xã hội.
Những hành vi tung tin giả, tin xấu, tin độc hại trên mạng xã hội trong thời điểm có dịch bệnh bởi bất cứ lý do gì thì cũng sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống xã hội, bởi vậy, việc ngăn ngừa, phát hiện và xử lý vi phạm là cần thiết hơn lúc nào hết.
Luật sư Nguyễn Trung Tiệp – Công ty luật Dragon (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết: Trong quá trình điều tra xác minh, nếu cơ quan chức năng có căn cứ xác định người tung tin thất thiệt nhằm gây thiệt hại tài sản cho tổ chức, doanh nghiệp hay cá nhân, thì có thể truy cứu trách nhiệm hình sự người đó về hành vi Vu khống, quy định tại Điều 156 Bộ luật Hình sự với mức phạt tù cao nhất 7 năm. Người có hành vi thông tin sai sự thật gây hậu quả nguy hiểm cho xã hội sẽ bị xử lý hình sự theo quy định tại Khoản 1, Điều 288 Bộ luật Hình sự về tội Đưa hoặc sử dụng trái phép mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet với mức phạt tù lên đến 3 năm.
Khoản 3, Điều 64 Nghị định 174/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện quy định, trường hợp phao tin đồn sai sự thật nhằm xuyên tạc, câu like hoặc phục vụ cho mục đích kinh doanh qua mạng,... thì người đăng tin sẽ bị xử phạt hành chính với mức phạt tiền 20 - 30 triệu đồng đối với tổ chức, 10 - 15 triệu đồng đối với cá nhân.
Điều 8, Luật An ninh mạng cũng nghiêm cấm hành vi đưa thông tin sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại đến hoạt động kinh tế xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm hại quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác. Còn nếu xác định tin đồn sai sự thật nhưng chưa đến mức nguy hiểm cho xã hội, không xúc phạm nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác và chưa ảnh hưởng lớn đến hoạt động của cơ quan, tổ chức, cá nhân thì người tung tin sẽ bị xử phạt hành chính.
Phương án giảm thiểu việc tung tin độc hại
Trao đổi với PV Báo Người Đưa Tin, luật sư Đặng Văn Cường – Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư thành phố Hà Nội) cho rằng: Mặc dù Việt Nam đã có Luật an ninh mạng, các nghị định về việc quản lý, xử phạt vi phạm hành chính, thậm chí đã bổ sung nhiều chế tài hình sự vào Bộ luật hình sự năm 2015. Tuy nhiên, tình trạng vi phạm pháp luật trên không gian mạng vẫn diễn ra theo cấp số nhân, khó kiểm soát, khó xử lý gây ra nhiều hệ lụy, tiêu cực cho xã hội. Bởi vậy, việc xử lý các hành vi vi phạm bằng các chế tài hành chính hoặc chế tài hình sự là cần thiết, tùy thuộc vào động cơ, mục đích và tùy thuộc vào hậu quả mà hành vi vi phạm đã gây ra cho xã hội.
Để giảm thiểu tình trạng tung tin đồn thất thiệt về dịch bệnh, luật sư Cường cho rằng: Những người dùng mạng xã hội cũng cần được trang bị kiến thức, sự hiểu biết để phân biệt tin thật, tin giả, không nên vội vàng tin ngay vào một thông tin trên mạng xã hội khi thông tin này không được kiểm chứng. Người dân cần bình tĩnh, kiểm chứng, xác minh lại thông tin này từ các trang web chính thống của Bộ y tế, của Chính phủ, của các cơ quan chức năng hoặc từ thông tin báo chí chính thống.
Cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát để phát hiện xử lý các trường hợp vi phạm, kết hợp với tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, giáo dục nhận thức của người dân nâng cao kiến thức, ý thức trách nhiệm của mỗi công dân trong cộng đồng thì việc kiểm soát hành vi vi phạm, tội phạm trên không gian mạng sẽ tốt hơn.
Hiện nay, Việt Nam đã ban hành Luật an ninh mạng để quản lý thông tin, đảm bảo thông tin trên không gian mạng được kiểm soát một cách tốt nhất nhằm phục vụ quyền và lợi ích pháp của tổ chức, của cá nhân công dân và để đảm bảo lợi ích quốc gia trong quan hệ quốc tế.
Ngoài Luật an ninh mạng tạo ra hành lang pháp lý cho hành vi của tổ chức, cá nhân trong không gian mạng thì pháp luật Việt Nam còn nhiều văn bản hướng dẫn chi tiết, quy định trong từng lĩnh vực; Có nghị định số 174/2013/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện để xử lý những hành vi vi phạm hành chính.
Ngoài ra, Bộ luật hình sự năm 2015 cũng dành riêng một mục là Mục 2, từ Điều 285, đến Điều 294 để quy định về tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông, nhiều tội danh đã được liệt kê, mô tả và quy định mức chế tài nghiêm khắc để xử lý đối với các hành vi vi phạm.
Ngoài hệ thống pháp luật ngày càng hoàn chỉnh thì chúng ta còn có Cục phòng chống tội phạm công nghệ cao, bổ sung nhân tài, vật lực cho Bộ thông tin, truyền thông và các cơ quan có liên quan…. Nên có thể nói rằng Việt Nam có đủ cơ sở pháp lý, đủ nhân tài vật lực để đấu tranh với tội phạm công nghệ cao, với các hành vi vi phạm trên mạng xã hội.
Theo luật sư Đặng Văn Cường, để giảm thiểu những thông tin xấu độc hại, tin giả thì điều quan trọng là cần làm tốt công tác phòng ngừa cả vi phạm và phòng ngừa tội phạm. Cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế chính sách để triển khai thực hiện các quy định pháp luật liên quan tới công nghệ thông tin, mạng viễn thông.
Tích cực tuyên truyền, phổ biến pháp luật có hiệu quả để nâng cao ý thức, đạo đức của công dân khi tham gia vào các hoạt động trên không gian mạng.
Cần hoàn thiện, củng cố cơ sở dữ liệu, phương tiện kỹ thuật để tăng cường công tác quản lý, tránh các đối tượng xấu xâm nhập, lợi dụng để đánh cắp, chiếm đoạt thông tin;
Phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm, đặc biệt là áp dụng nghiêm minh các chế tài hành chính và hình sự theo quy định của pháp luật hiện hành.