Đây cũng là nội dung chính được các chuyên gia thảo luận trong Tọa đàm đối thoại chính sách: “Hoàn thiện khung pháp luật về kinh tế và nâng cao hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư” do Trường Đại học Kinh tế quốc dân phối hợp với Bộ Tư pháp (Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế) tổ chức.
Một số vấn đề pháp lý đặt ra trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ Tư
Các văn bản pháp luật từng bước được ban hành để điều chỉnh quan hệ của các chủ thể tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư có thể nhắc đến như sau: Luật giao dịch điện tử năm 2005; Luật Công nghệ thông tin năm 2006; Luật An toàn thông tin mạng năm 2015; Luật An ninh mạng năm 2018.
Tuy nhiên, theo PGS.TS Trần Văn Nam, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, khung pháp lý này hiện cũng bộc lộ một số tồn tại: “Môi trường pháp lý của Việt Nam còn bất cập, thiếu động bộ giữa các văn bản pháp luật và còn có khoảng cách giữa quy định pháp luật với việc thực thi trong thực tế. Các quy định thường không theo kịp với tốc độ số hóa nhanh chóng của nền kinh tế. Thực tế vừa qua cho thấy, cơ quan quản lý đã lúng túng trong việc quản lý doanh thu để thu thuế cho loại hình kinh tế chia sẻ mà điển hình là sự tranh chấp giữa taxi truyền thống và taxi công nghệ”.
Xu hướng mua hàng qua mạng đang phát triển mạnh nhưng tiềm ẩn rất nhiều rủi ro do không kiểm tra được chất lượng, nguồn gốc sản phẩm, người tiêu dùng khó xác định đầu mối để khiếu nại, đòi bồi thường.
Vấn đề quản lý thông tin người dùng hiện nay cũng chưa được thể chế hoá đồng bộ. Chưa có nghị định chi tiết về bảo vệ dữ liệu cá nhân, nên thực tế chưa hướng tới thực hiện triệt để quy định “thông tin người dùng Việt Nam chỉ được tồn tại trong lãnh thổ Việt Nam” bảo vệ thông tin người tiêu dùng có hiệu quả. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng chưa thể kiểm soát các giao dịch xuyên biên giới tốt hơn, dễ dàng hơn trong việc truy thu thuế.
Ngoài ra cũng còn nhiều vấn đề trong luật khi chưa xây dựng và ban hành có hệ thống một chính sách giám sát linh hoạt để hạn chế tối đa việc thất thoát thuế.
Hiên nay, chúng ta cũng cần phải quan tâm đến luật hoá các vấn đề về bảo vệ thông tin cá nhân trong môi trường số.
Ông Nam đã lấy dẫn chứng tại Singapore, từ năm 2012 đã ban hành đạo luật bảo vệ thông tin cá nhân (Personal Data Protection Act- PDPA), sửa đổi năm 2018. Trên cơ sở đó, cơ quan Bảo vệ Thông tin cá nhân (Personal Data Protection Agency-PDPC) được thiết lập. Cơ quan này có thẩm quyền điều tra, cảnh báo, yêu cầu cam kết khắc phục, phạt vi phạm đối với các chủ thể vi phạm về bảo vệ thông tin cá nhân.
Theo chuyên gia Việt Nam đã có quy định điều chỉnh thu thập thông tin cá nhân có trong Luật An toàn thông tin mạng. Điều khoản quy định này cũng là một điểm tranh cãi khi các doanh nghiệp góp ý cho dự thảo, theo đó bên xử lý thông tin có trách nhiệm thu thập thông tin sau khi chủ thông tin cá nhân đồng ý, và chỉ sử dụng thông tin đã thu thập vào mục đích khác mục đích ban đầu nếu chủ thông tin cá nhân chấp thuận. Việc chuyển tiếp thông tin cho bên thứ ba bị cấm trừ khi chủ thông tin đồng ý hoặc chính quyền yêu cầu. Trong thời gian tới, một đạo luật độc lập về bảo vệ thông tin cá nhân cần được xây dựng và ban hành tại Việt Nam.
Hoàn thiện khung pháp luật về hồ sơ thông minh
Có thể hiểu hợp đồng thông minh là những thỏa thuận được tự động thực thi bằng các máy tính. Những hợp đồng như vậy được thiết kế nhằm đảm bảo việc thực thi mà không cần đến các Tòa án cũng như loại bỏ sự tùy nghi của con người trong việc thực thi hợp đồng.
Với những ưu điểm như đảm bảo tính minh bạch, sự tin cậy, chắc chắn trong thực thi và giảm chi phí giao dịch, hợp đồng thông minh được coi là có tiềm năng phát triển rất lớn và đang rất được cộng đồng quốc tế quan tâm.
Vấn đề đặt ra là bản chất pháp lý của hợp đồng thông minh là gì, liệu các quy định pháp luật hiện hành của Việt Nam về hợp đồng có thể được áp dụng đối với các hợp đồng thông minh và trong tương lai chúng ta có cần sửa đổi, bổ sung hệ thống pháp luật về hợp đồng để điều chỉnh các hợp đồng thông minh hay không.
Theo TS. Lưu Hương Ly, Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp: “Luật Giao dịch điện tử năm 2005 chưa có quy định về việc giao kết và thực hiện hợp đồng thông qua việc sử dụng hệ thống thông tin tự động. Luật Giao dịch điện tử mới chỉ quy định khái niệm giao dịch điện tử tự động, quy định này chưa làm rõ giá trị pháp lý cũng như trách nhiệm của các bên khi tham gia vào các giao dịch điện tử tự động”.
Từ những hạn chế trên, chuyên gia cũng đưa ra một vài kiến nghị sửa đổi: “Nên cân nhắc bổ sung quy định về suy đoán về năng lực chủ thể của các bên tham gia giao dịch điện tử trong Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) để giảm nhẹ trách nhiệm chứng minh của các bên về hiệu lực của giao dịch khi phát sinh tranh chấp (bên nào yêu cầu tuyên bố giao dịch vô hiệu do không đáp ứng yêu cầu về năng lực chủ thể thì bên đó có trách nhiệm chứng minh).
Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) cần đưa ra định nghĩa rõ ràng, phân biệt các khái niệm “chữ ký điện tử”, “chữ ký điện tử an toàn”, “chữ ký số”, trong đó cần quy định rõ chữ ký số cũng chỉ là một loại chữ ký điện tử an toàn. Đồng thời, Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) cần quy định rõ các điều kiện, tiêu chuẩn để chữ ký điện tử được coi là chữ ký điện tử an toàn”.
Bên cạnh đó, Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) cũng cần đảm bảo giá trị pháp lý của chữ ký điện tử an toàn theo hướng: chữ ký điện tử an toàn có giá trị chứng cứ (các bên không phải chứng minh tính xác thực và tính toàn vẹn của chữ ký điện tử an toàn), trừ trường hợp có chứng cứ chứng minh ngược lại.
Ngoài ra, bà Ly nhấn mạnh: “Trong quá trình giải quyết tranh chấp vẫn có thể có cách hiểu hay giải thích pháp luật khác nhau, khi đó Tòa án nhân dân Tối cao cần ban hành nghị quyết hay án lệ để giải thích và hướng dẫn áp dụng pháp luật một cách thống nhất, chẳng hạn như hướng dẫn về việc giải thích hợp đồng khi có sự mâu thuẫn giữa điều khoản trong hợp đồng thông minh và điều khoản trong hợp đồng văn bản do các bên ký kết; hướng dẫn cách hiểu về pháp luật của nước có mối liên hệ gắn bó nhất với hợp đồng thông minh”.
Chuyển đổi số quốc gia, phát triển chính phủ số, kinh tế số và xã hội số đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong thời kỳ mới.
Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới ban hành chương trình hay chiến lược về Chuyển đổi số quốc gia, đưa Việt Nam trở thành quốc gia có nhận thức về chuyển đổi số song hành cùng các quốc gia tiên tiến trên thế giới. Đây là điều kiện thuận lợi để Việt Nam chủ động khai thác triệt để các cơ hội mà cuộc cách mạng công nghệ mang lại và bứt phá vươn lên, thay đổi thứ hạng. Năm 2021 và cả giai đoạn 2021 - 2025 sẽ là giai đoạn tăng tốc với những hành động triển khai cụ thể theo từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa phương.
Hồng Bích