"Cần xây dựng quỹ phúc lợi thì giáo viên mới có thưởng tết"

"Cần xây dựng quỹ phúc lợi thì giáo viên mới có thưởng tết"

Thứ 5, 27/12/2012 23:42

Cứ đến dịp cuối năm, bên cạnh những thông tin về chuyện có doanh nghiệp thưởng tết lên tới hàng trăm triệu đồng thì có một điệu du ca buồn dường như năm nào cũng được nhắc lại, đólà chuyện thưởng tết cho giáo viên.

30 năm đi dạy không bằng 3 năm làm ngân hàng

Theo lãnh đạo một số trường học, thông thường, tiền thưởng tết của giáo viên trông chờ vào nguồn kết dư còn thừa sau khi nhà trường quyết toán ngân sách. Tùy vào mức kết dư mà tiền thưởng cho giáo viên nhiều hay ít. Đơn vị nào không còn dư thì đồng nghĩa với việc giáo viên không có thưởng tết. Tuy nhiên, dù các trường có khéo léo chi tiêu đến mấy thì khoản kết dư cũng không lớn và số tiền thưởng tết cho giáo viên cũng rất ít và chỉ mang tính tượng trưng.

Chị Nguyễn Thúy H., giáo viên một trường tiểu học tại Hà Nội cho biết, tiền thưởng tết tại trường chị phụ thuộc vào thâm niên công tác và thành tích giảng dạy, giáo viên nào cao cũng chỉ lên tới 3 triệu đồng. Khoản tiền này so với những gì phải chi tiêu ngày tết thì thật chẳng thấm vào đâu.

Không giống như chị H., cô Đặng Thị Hương, giáo viên trường THCS Thọ Nghiệp (Xuân Trường, Nam Định) chia sẻ: "Thưởng tết dường như là chuyện quá xa vời với giáo viên vùng nông thôn. Những ngày này, ở trường, chuyện thưởng tết cũng nóng lắm nhưng là bàn toàn chuyện thiên hạ thôi. Chứ còn giáo viên tụi cô thì có bao giờ dám nghĩ tới. Nghe thông tin doanh nghiệp này thưởng hàng trăm triệu đồng, doanh nghiệp kia kinh doanh khó khăn thì cũng cố cho nhân viên món quà chừng chục triệu mà thấy chạnh lòng". Nói về mức thưởng năm ngoái, cô Hương cho hay: "Năm ngoái, căn cứ vào thành tích giảng dạy trong năm, nhà trường xếp loại giáo viên thành hai mức A và B. Giáo viên ở top A thì được thưởng 100.000 đồng, còn giáo viên ở top B thì được thưởng 50.000 đồng".

Khi PV hỏi cô đã công tác trong ngành giáo dục được bao nhiêu năm, cô Hương cho biết đã làm công tác giảng dạy được 30 năm. Trong khi một nhân viên ngân hàng công tác chưa đầy 3 năm, trung bình được thưởng khoảng 50 - 60 triệu đồng, thì một giáo viên giàu kinh nghiệm, giảng dạy suốt 30 năm chỉ được nhận một khoản tiền nho nhỏ là 50-100.000 đồng. Phép so sánh quả thực thật đáng buồn khi nghĩ đến công lao của những người dành cả một đời cho sự nghiệp trồng người.

Xã hội - 'Cần xây dựng quỹ phúc lợi thì giáo viên mới có thưởng tết'

GS. Đào Trọng Thi.

Là một giáo viên đang công tác tại một huyện vùng cao ở Lai Châu, cô giáo Đỗ Lan Hương, Hiệu trưởng trường mầm non số 2 Tà Tổng (Mường Tè, Lai Châu) ngậm ngùi chia sẻ: "Lo lắng làm sao cho học sinh của mình đến lớp đầy đủ và vui vẻ học tập là may mắn rồi. Giáo viên ở vùng khó khăn như Tà Tổng có lẽ chẳng bao giờ dám nghĩ đến chuyện thưởng tết. Ở vùng này, không có điện lưới, không có sóng điện thoại, đường sá đi lại khó khăn và chỉ có thể đi bộ. Vì mến nghề, yêu trẻ nên chúng tôi mới cùng nhau bám trụ tại nơi đây và cùng động viên nhau vượt qua khó khăn".

Trao đổi với PV, nhà giáo ưu tú, TS. Nguyễn Thanh Sơn, hiệu trưởng trường THPT Hà Nội Academy chia sẻ: "Từ xưa đến nay, ngành giáo dục hầu như không có khái niệm "thưởng tết". Nếu có chăng ở thì chỉ có ở một số trường ở những vùng cực thuận lợi như TP. HCM, Hà Nội, Đà Nẵng; còn những trường ở mức bình thường thì hầu như không có, hoặc nếu có thì không đáng kể. Thông thường mức tiền mà các thầy cô được nhận chỉ ở mức 50.000-100.000 đồng. Đó là một khoản tiền rất ít và không đủ để các thầy cô trông vào đó mà chi tiêu cho năm mới của gia đình.

Ở những vùng cao khó khăn, hầu như giáo viên còn không có số tiền này. Tôi đã từng làm hiệu trưởng ở những trường nằm ngay tại trung tâm Thủ đô. Số tiền thưởng tết của giáo viên cao hơn mức trung bình cũng chỉ được 150.000-200.000 đồng/người. Chính vì vậy, khi nghe chuyện những đơn vị khác được thưởng hàng trăm triệu đồng thì chắc chắn chẳng có thầy cô nào lại không cảm thấy chạnh lòng".

Nên gây quỹ xã hội

Liên quan đến vấn đề trên, PV cũng đã có cuộc trao đổi với GS. Đào Trọng Thi, chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên - Thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội. GS. Đào Trọng Thi cho biết: Từ trước đến nay, ngoài khối ĐH-CĐ, khối trung học và tiểu học hầu như không có thưởng tết. Trước đây có thời kỳ chúng ta có lương tháng 13 cho giáo viên thì còn có cơ chế dành cho khoản này. Tuy nhiên, hiện nay không có quy định trích ngân sách để thưởng cho giáo viên. Một số trường có tiền thưởng cho giáo viên là do họ có nguồn thu bổ sung hoặc các thành quả lao động tích lũy được.

"Tôi cũng được biết, bộ Giáo dục & Đào tạo cũng đã đề nghị, vận động các địa phương và các cơ sở doanh nghiệp dành một phần nào đó để động viên khuyến khích các giáo viên, đặc biệt là khối giáo viên phổ thông. Tuy nhiên, khoản đó cũng chỉ mang tính chất tượng trưng và không đáng kể. Vậy nên, thực ra cũng không gọi đó là tiền thưởng làm gì", GS. Thi trao đổi thêm.

Cũng theo ông Thi, nếu muốn có quỹ tiền thưởng tết cho giáo viên thì cũng phải thay đổi một số chính sách liên quan đến sử dụng ngân sách Nhà nước. Nhìn rộng ra các cơ quan hành chính khác, ông Đào Trọng Thi cũng cho biết: "Thực chất các cơ quan hành chính cũng không có khoản nào được gọi là khoản thưởng tết cả. Xét theo quy định của Nhà nước, ngoài giáo viên ra, còn rất nhiều cán bộ của các cơ quan mà tự họ không làm ra nguồn thu bổ sung cũng nằm trong diện không có tiền thưởng. Nếu có chỉ là được những đơn vị khác quan tâm hỗ trợ".

Chính về thế, theo ông Thi, để động viên, hỗ trợ giáo viên vào dịp Tết thì chỉ có thể trông chờ vào sự thay đổi của chính sách Nhà nước hoặc sự trợ giúp của các tổ chức kinh doanh, tổ chức xã hội. "Nếu hình thành được quỹ phúc lợi dành cho giáo viên là tốt nhất. Xã hội đóng góp vào đó minh bạch, rõ ràng. Và quỹ đó được phân chia rõ ràng thì sẽ là niềm an ủi rất lớn cho những người làm sự nghiệp trồng người", ông Thi khẳng định.

Phạm Hạnh - Dương Thu


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.