Luật sư Nguyễn Kiều Hưng (đoàn Luật sư TP.HCM) cho rằng, với cán bộ, nhân viên trực tiếp đưa đón, quản lý các bé các xe đưa rước thì cần phải xem xét khởi tố hành vi Vô ý làm chết người theo điều 128 Bộ luật Hình sự.
Còn về cô chủ nhiệm, ban Giám hiệu nhà trường, cơ quan công tố cần xem xét truy cứu trách nhiệm với hành vi Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng vì đã không kiểm soát sĩ số, không thông báo cho gia đình về sự vắng mặt bất thường của cháu bé là nạn nhân trong vụ việc này.
Ngoài ra, luật sư Nguyễn Kiều Hưng khẳng định, theo các quy định pháp luật, nhà trường sẽ phải bồi thường mọi tổn thất về vật chất và tinh thần cho cha mẹ nạn nhân.
“Thông báo mới đây của nhà trường cho thấy, họ vẫn còn lấp liếm, chưa nhìn thẳng vào sự thật và thể hiện tinh thần trách nhiệm. Vì vậy, khởi tố vụ án để có cơ sở áp dụng các biện pháp tố tụng nhằm xác định nguyên nhân, thời điểm cháu bé tử vong và trách nhiệm hình sự của những người liên quan”, luật sư Hưng nhấn mạnh.
Còn theo luật sư Trần Tuấn Anh (đoàn Luật sư TP.Hà Nội), hành vi bỏ quên học sinh dẫn đến việc cháu bé tử vong trên xe được xem là lỗi vô ý, có dấu hiệu hình sự. Do đó, cơ quan điều tra phải vào cuộc để xác định trách nhiệm thuộc về ai, ai là người vô ý làm chết người.
“Trong trường hợp này, lỗi chính thuộc về người lái xe và nếu có thì sẽ thêm người đi cùng giám sát (một xe đưa đón học sinh thông thường có 2 người, một người phụ trách công tác đưa đón học sinh ở trường và một người lái xe)”, luật sư Trần Tuấn Anh nhận định.
Theo luật sư Tuấn Anh, tội Vô ý làm chết người được quy định tại điều 128 bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, với nội dung: “1. Người nào vô ý làm chết người thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm. 2. Phạm tội làm chết 2 người trở lên, thì bị phạt tù từ 3 năm đến 10 năm”.
Luật sư Trần Tuấn Anh cho biết thêm: “Ngoài việc xem xét xử lý về trách nhiệm hình sự, vụ việc này còn phải xem xét để xử lý về mặt pháp luật dân sự. Về mặt dân sự, gia đình học sinh đã giao cho nhà trường Gateway, do đó nhà trường phải có trách nhiệm bồi thường về mặt dân sự đối với bố mẹ của học sinh này. Việc bồi thường như thế nào, mức độ bồi thường bao nhiêu thì trước hết pháp luật tôn trọng sự thỏa thuận giữa các bên”.
“Trong trường hợp một trong hai bên không thỏa thuận được thì có quyền yêu cầu tòa án giải quyết việc bồi thường. Lúc này, tòa án sẽ áp dụng các quy định bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng để quyết định mức bồi thường trong trường hợp này”, luật sư Trần Tuấn Anh phân tích.
Như báo Người Đưa Tin đã đưa, liên quan đến vụ việc học sinh lớp 1 tử vong trên xe ô tô đưa đón của trường, sự việc được phát hiện lúc 16h ngày 6/8. Trường đã đưa học sinh vào phòng y tế để sơ cứu và gọi xe cấp cứu nhưng sau đó, cháu bé đã tử vong.
Đến 3h sáng 7/8, trong biên bản khám nghiệm tử thi, công an đưa ra nhận định ban đầu, trong đó thể hiện nạn nhân bị tụ huyết ở não, ngạt khí. Tuy nhiên, thời điểm bé trai tử vong chưa được kết luận.