Nhiều người dùng bằng giả để tiến thân?!
NĐT: Mới đây, UBKT Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Lào Cai đã đề nghị kỷ luật Chánh Thanh tra tỉnh vì dùng bằng không hợp pháp. Ông đánh giá như thế nào về trường hợp này?
Ông Lê Như Tiến: Hiện tượng dùng bằng cấp giả, bằng cấp không đạt tiêu chuẩn đang là vấn đề nhức nhối trong công tác tổ chức cán bộ hiện nay. Trong những năm vừa qua, không chỉ riêng cấp cơ sở, nhiều cán bộ các cấp đã sử dụng bằng giả để “làm tròn” hồ sơ. Đây là việc lừa dối đảng, lừa dối chính quyền, lừa dối cơ quan tổ chức.
Khi phanh phui ra những người sử dụng bằng giả hoặc bằng chưa được công nhận để hợp thức hóa hồ sơ thì phải xử lý thật nghiêm.
NĐT: Ông có thể nói rõ hơn về thực trạng cán bộ dùng bằng không hợp pháp để đáp ứng đủ tiêu chí tuyển dụng?
Ông Lê Như Tiến: Rất nhiều trường hợp sử dụng bằng cấp không đúng với quy định của pháp luật bị phát hiện. Cụ thể, có trường hợp sử dụng bằng thật nhưng kiến thức giả, không tham gia khóa học, đóng tiền là sở hữu tấm bằng. Trường hợp khác lại sở hữu bằng giả, kiến thức giả, không học cũng có bằng, bằng giả không phải do một trường chính tác của Bộ Giáo dục & Đào tạo quy định mà do một tổ chức nước ngoài cấp.
Nói thêm về bằng do một tổ chức nước ngoài cấp, có những người tôi biết, học chưa đến một năm đã được cấp bằng đại học, bằng thạc sĩ quốc tế.
Những trường hợp khi bị phát hiện cho thấy sự “háo danh”. Họ đăng ký vào đó, thậm chí không đi học, chỉ cần nộp tiền, gửi vài ba cái trích ngang, sơ yếu lý lịch rất hời hợt, gửi vài ba đề cương sơ sài, bên trường quốc tế họ nhận được tiền và phần hồ sơ sơ sài là... cấp bằng. Cục Khảo thí Bộ Giáo dục và Đào tạo không công nhận và ngay ở nước cấp bằng cũng không công nhận.
NĐT: Nói như vậy, không ít cán bộ công chức dùng bằng giả để tiến thân chứ không phải do năng lực mà được bổ nhiệm, thưa ông?
Ông Lê Như Tiến: Đúng vậy! Không dừng lại ở việc dùng bằng tốt nghiệp PTTH không hợp pháp như trường hợp Chánh Thanh tra tỉnh Lào Cai đang bị xem xét xử lý, nhiều người còn sử dụng bằng thạc sĩ, tiến sĩ… để tiến thân, leo lên chức vụ cao hơn.
Nhiều người không đủ tiêu chuẩn ở vị trí này, ở vị trí khác nên phải bằng mọi cách phải có bằng cấp để làm đẹp hồ sơ. Đó là thực trạng xã hội phải lên án, các cơ quan bảo vệ pháp luật phải phanh phui xử lý.
Gần đây, khi các vụ việc tham nhũng, tiêu cực bị khui ra ngày càng nhiều, đều có liên quan đến chất lượng cán bộ, từ khâu đề xuất chính sách, đến tổ chức thực hiện và xử lý các sai phạm đều có vấn đề. Chất lượng cán bộ không tốt thì hệ lụy lớn.
Ngồi phòng lạnh tuyển dụng theo “hồ sơ đẹp”- hệ lụy lớn!
NĐT: Như ông vừa nói, thực trạng cán bộ công chức sử dụng bằng giả khá phổ biến, phải chăng việc để “lọt lưới” những cán bộ không đủ tiêu chuẩn cho thấy khâu tuyển dụng còn chưa thực chất?
Ông Lê Như Tiến: “Cán bộ là gốc của mọi việc”, “muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém”, do vậy công tác cán bộ là vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, công tác cán bộ hiện nay còn nhiều bất cập. Theo tôi, về phía quản lý Nhà nước, cần có sự cải tiến trong công tác tiếp nhận, bổ nhiệm, cất nhắc cán bộ.
Chúng ta không nên quá thiên về bằng cấp, bằng cấp chỉ là yếu tố đưa vào lý lịch. Đây chỉ điều kiện cần chứ chưa phải điều kiện đủ. Điều kiện đủ ở đây là kiến thức, là năng lực thực tế, xử lý tình huống cụ thể. Bổ nhiệm cán bộ phải thực tài, đủ tâm, đủ tầm.
NĐT: Nhưng làm thế nào để đánh giá được thực chất cán bộ, thưa ông?
Ông Lê Như Tiến: Chúng ta có thể học tập kinh nghiệm từ các nước trong công tác tuyển dụng. Tuyển dụng, bổ nhiệm qua những bài kiểm tra về công việc thực tiễn, xử lý tình huống sát thực với thực tế, vị trí việc làm...
Tuyển dụng cán bộ là gắn với thực tế chứ không phải ngồi trong phòng lạnh và xem bằng cấp “đẹp” ở mức độ nào. Khi phỏng vấn, đơn vị tuyển dụng có thể đưa ra các tình huống cụ thể để đánh giá ứng cử đó có hoàn thành được công việc hay không.
Thực tế thời gian qua chúng ta biết rồi, cán bộ công chức chạy cả bằng thạc sĩ, tiến sĩ, thậm chí cả danh hiệu giáo sư, phó giáo sư… Có trường hợp không trung thực đã bị tước bỏ danh hiệu phó giáo sư…
Theo quan điểm của tôi, công tác cán bộ phải thực tiễn hơn, đưa họ vào những môi trường cụ thể. Tôi nhấn mạnh lại, trong giai đoạn thử việc, cần đưa họ vào những vị trí việc làm để đánh giá họ làm tốt hay không.
NĐT: Theo ông, đâu là giải pháp xóa bỏ vấn nạn “sính” bằng cấp, ngăn chặn tình trạng không dùng thực tài để “leo cao, luồn sâu”?
Ông Lê Như Tiến: Trước khi tìm giải pháp, chúng ta cần mổ xẻ căn nguyên của vấn đề.
Khi xét duyệt vào một cơ quan hay khi cất nhắc công chức, viên chức lên một vị trí cao hơn, các ứng cử viên đều có sức khỏe, nhân thân tốt, đều hoàn thành tốt xuất sắc nhiệm vụ… thì người nào có bằng cấp cao hơn sẽ có ưu thế hơn. Chính vì thế mà người ta chạy, mua bằng cấp đủ kiểu để có tiêu chí hơn đối thủ trong cuộc chạy đua chức-quyền.
Sở dĩ có việc gian dối mua - bán bằng giả là do cái gốc của vấn đề ở công tác tuyển dụng, đề bạt, bổ nhiệm nhân sự của chúng ta vẫn còn dựa vào bộ hồ sơ đẹp. Tôi đã từng nói, nếu vẫn tuyển dụng, bổ nhiệm, đề bạt theo cách đánh giá hồ sơ đẹp sẽ còn tình trạng mua bán bằng, học giả bằng thật.
Đây cũng là bài học được rút ra từ thực tiễn khi trong thời gian qua đã có hàng loạt vụ việc sai phạm trong bố trí nhân sự do không nắm rõ thông tin về cán bộ bổ nhiệm bị phanh phui. Tiêu biểu có thể kể đến như thời gian trước đó, dư luận cả nước đã rúng động về trường hợp Trưởng phòng Hành chính-Quản trị thuộc Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk, sử dụng văn bằng giả, tên giả trong suốt 20 năm.
Điều quan trọng nhất cần thay đổi về tư duy, cách tiếp cận trong công tác tuyển dụng, đề bạt, bổ nhiệm công tác cán bộ. Chỉ khi nào, cái gốc của vấn đề được giải quyết mới mong tránh tình trạng mua bán bằng cấp. Theo quan điểm của tôi, để có thể lựa chọn nhân sự tốt, phải rà soát kỹ, bổ sung đầy đủ thông tin, nắm chắc cán bộ. Công tác tuyển dụng cán bộ làm sao phải để họ tự giác, thấy được mình phải trung thực với chính mình và tổ chức khi kê khai sơ yếu lý lịch.
Vừa rồi, tôi rất tán thành việc Bộ Nội vụ đã xóa bỏ những bằng cấp, chứng chỉ (Ngoại ngữ, Tin học…) không cần thiết. Những chứng chỉ đó cần hoàn thiện khi còn học Đại học để tránh tình trạng sau này cán bộ công chức chạy bằng, chạy chứng chỉ.
NĐT: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!
Hương Lan
Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Lào Cai vừa họp kỳ thứ 11, do ông Nguyễn Văn Phúc, Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Tỉnh ủy Lào Cai - chủ trì. Tại kỳ họp, UBKT Tỉnh ủy Lào Cai xem xét, quyết định một số nội dung, trong đó có xét nội dung, tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm của đảng viên, căn cứ quy định của Bộ Chính trị quy định về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm.
UBKT Tỉnh ủy Lào Cai đề nghị tổ chức Đảng có thẩm quyền xem xét, xử lý kỷ luật đối với ông Đàm Quang Vinh - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Lào Cai khóa XVI (nhiệm kỳ 2020 - 2025), Ủy viên UBKT Tỉnh ủy Lào Cai khóa XVI (nhiệm kỳ 2020 - 2025), Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Thanh tra tỉnh Lào Cai nhiệm kỳ 2015-2020 và 2020-2025, Bí thư Đảng ủy Thanh tra tỉnh Lào Cai, Chánh Thanh tra tỉnh Lào Cai - do đã sử dụng bằng tốt nghiệp THPT không hợp pháp.
Trước đó, ngày 25/10, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai đã ban hành Quyết định số 3770/QĐ-UBND về việc tạm đình chỉ công tác đối với ông Đàm Quang Vinh - Chánh Thanh tra tỉnh Lào Cai. Thời hạn đình chỉ công tác là 15 ngày, kể từ ngày 25/10, trong thời gian xem xét kỷ luật cán bộ, công chức theo quy định. Các cơ quan chức năng tỉnh Lào Cai đang tiến hành quy trình xem xét thi hành kỷ luật đối với ông Đàm Quang Vinh theo quy định pháp luật.
Ông Đàm Quang Vinh được bổ nhiệm Chánh Thanh tra tỉnh Lào Cai từ giữa năm 2020.