Bệnh nhân là anh Mai Văn Đ. (41 tuổi, ngụ tại Bình Dương) bị tai nạn giao thông vào cuối năm 2022. Anh được đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa (BVĐK ) tỉnh Bình Dương trong tình trạng tỉnh táo, đứt rời 1/3 cẳng chân phải, phần cơ bị dập nát, không được sơ cứu và bảo quản, dính nhiều dị vật là đất, cát, kèm theo chấn thương ở đầu và ngực khá nghiêm trọng.
Sau khi cấp cứu hồi sức cho bệnh nhân, các bác sĩ Khoa Chấn thương chỉnh hình đã hội chẩn khẩn và chỉ định nuôi giữ cẳng chân phần đứt lìa vào chân lành để chờ nối lại giúp người bệnh có cơ hội giữ chân, tránh tàn phế.
Hơn 1 tuần “nuôi” ở chân lành, các bác sĩ đã phẫu thuật nối lại cẳng chân đã dập đứt lìa cho bệnh nhân. Ca phẫu thuật được thực hiện trong vòng 15 tiếng liên tục. Đây là lần đầu tiên kỹ thuật này được thực hiện ở Việt Nam. Trên thế giới, ca ghép chi tương tự như này là thứ 2.
Bác sĩ chuyên khoa II Võ Thái Trung, Phó trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương, là phẫu thuật viên chính của cuộc phẫu thuật.
Theo bác sĩ Trung, để thực hiện ca phẫu thuật thành công thì trước tiên bệnh nhân phải có sức khoẻ tốt, các vết thương phải sạch. Trước khi phẫu thuật, phẫu thuật viên đã nghiên cứu kỹ lưỡng đưa ra các phương án nối ghép, tái tạo cho phần chân đứt lìa được phục hồi hoàn thiện nhất, có chức năng và cảm giác tốt nhất cho người bệnh về lâu dài.
Hiện nay, sức khoẻ bệnh nhân đã tốt, cẳng chân sau ghi được ghép nối trả lại đã ổn định, người bệnh có thể xuất viện trong thời gian tới.
Tuy nhiên, sau khi xuất viện, bệnh nhân vẫn sẽ tiếp tục được theo dõi, khám định kỳ để được tập phục hồi chức năng, từng bước phục hồi các cử động ở cổ chân, bàn chân và các ngón chân. Đồng thời, đánh giá quá trình lành xương, khả năng đi, đứng và chạy, nhảy… khi xương lành, các bác sĩ sẽ tiến hành tháo rút các dụng cụ kim loại cố định xương cho bệnh nhân.
Minh Hoa (t/h theo VOV, Tiền Phong)