Hãng tin Spunik (Nga) dẫn thông báo của Bộ Quốc phòng Ấn Độ cho biết Pháo binh Pakistan sáng 28/2 đã liên tiếp nã đạn vào các vị trí của Quân đội nước này dọc theo Đường ranh giới kiểm soát (LoC) phân định giữa 2 vùng do Ấn Độ và Pakistan kiểm soát ở khu vực tranh chấp Kashmir.
Trung tá Devender Anand, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Ấn Độ tuyên bố Pakistan đã vi phạm nghiêm trọng lệnh ngừng bắn. Cụ thể, tờ Hindustan Times dẫn lời viên sĩ quan Ấn Độ cho biết:
"Vào khoảng 6h00 sáng nay (giờ địa phương, tức 00:30 giờ GMT), Pakistan đã bất ngờ tiến hành hoạt động vi phạm lệnh ngừng bắn khi liên tiếp nã pháo cối và súng bộ binh dọc theo Đường ranh giới kiểm soát ở khu vực Krishna Ghati. Quân đội Ấn Độ đã lập tức phản pháo mạnh mẽ và hiệu quả".
Trước đó, Quân đội Ấn Độ đã nâng mức cảnh báo ngay sau vụ tấn công khủng bố ở Pulwama vào ngày 14/2. Căng thẳng đã bị đẩy lên đỉnh điểm vào hôm qua khi các máy bay chiến đấu của Không quân Ấn Độ và Pakistan nã tên lửa vào nhau một cách không thương tiếc.
Kết quả, phía Pakistan tuyên bố đã bắn hạ 2 máy bay chiến đấu của đối phương còn Ấn Độ cũng không kém khi tuyên bố đã bắn hạ 1 tiêm kích F-16 của Không quân Pakistan, nhưng họ thừa nhận đã mất 2 máy bay gồm 1 chiếc Mi-17-V5 bị rơi do lỗi kỹ thuật và 1 chiếc MiG-21 bị bắn hạ.
Phát ngôn viên của lực lượng vũ trang Pakistan, Thiếu tướng Asif Ghafoor đã công bố một bức ảnh một phi công Ấn Độ bị bắt sau khi máy bay bị bắn hạ. Ông Asif nói, phi công "đang được đối xử theo chuẩn mực đạo đức quân sự”. Bộ Thông tin nước này trước đó đã đăng một video trong đó phi công mặt đầy máu, bị bịt mắt, nhưng đã xóa nó sau khi Ấn Độ phàn nàn rằng đó là một" hình ảnh thô tục về một quân nhân bị thương".
Trước đó hôm thứ Ba, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo kêu gọi sự bình tĩnh từ cả hai phía, khuyến khích hai cường quốc hạt nhân "thực hiện kiềm chế và tránh leo thang bằng bất cứ giá nào”.
Hiện trên các tài khoản mạng xã hội Youtube xuất hiện các video cho thấy, các lực lượng bộ binh Ấn Độ và Pakistan bắt đầu tăng thêm vũ khí hạng nặng lên biên giới.
Từ phía Ấn Độ, có thể thấy được các xe tăng Т-72М1. Đây là những chiếc tăng nâng cấp của Ấn Độ với pháo hiện đại hóa 125mm, giáp phản ứng nổ tương tự như Kontackt của Nga, ngoài ra còn có xe công binh bắc cầu Т-55.
Đây chỉ là những chiếc xe tăng đầu tiên. Ấn Độ có khoảng 2.000 chiếc T-72M1. Ngoài ra, lục quân Ấn Độ còn sở hữu hơn 1.000 chiếc T-90S và hàng trăm xe tăng T-90 phiên bản nội địa Arjun. Những xe tăng hiện đại hơn sẽ được đưa vào sử dụng trong tình huống cận kề chiến tranh.
Để đáp trả, một số người dân Pakistan đã ghi lại và chia sẻ trên mạng xã hội hình ảnh xe tăng chiến đấu chủ lực của Quân đội nước này ùn ùn đổ về khu vực tranh chấp, dường như sẵn sàng cho một cuộc chiến tổng lực.
Hình ảnh dù không rõ nét nhưng dường như đây là dòng xe tăng Al-Khalid (hay còn gọi là MBT-2000) do Trung Quốc chế tạo và bán cho Pakistan, bao gồm cả giấy phép sản xuất tại quốc gia bản địa. Ngoài gần 400 xe tăng loại này, Pakistan còn sở hữu khoảng hơn 300 xe tăng T-80UD khá hiện đại.
Ấn Độ và Pakistan đều sở hữu vũ khí hạt nhân, đã có 3 cuộc xung đột kể từ khi giành độc lập và thoát khỏi cảnh thuộc địa của Vương quốc Anh vào năm 1947. Đây là lần leo thang quân sự lớn nhất trong 20 năm vừa qua.
Quốc Tiệp (tổng hợp)