Chính phủ Ba Lan đã kêu gọi Ủy ban châu Âu (EC) – cơ quan điều hành của Liên minh châu Âu (EU) giúp xoa dịu tranh chấp với Ukraine về vấn đề ngũ cốc sau khi nông dân chặn các cửa khẩu biên giới và làm gián đoạn hoạt động nhập khẩu.
Các cuộc biểu tình đã gia tăng trong những ngày gần đây với việc 2.500 xe tải bị mắc kẹt khi đang cố gắng tiến vào từ Ba Lan hôm 21/2, theo ông Andriy Demchenko, người phát ngôn Lực lượng Biên phòng Ukraine.
Nông dân cũng đã làm gián đoạn hoạt động vận chuyển hành khách và đường sắt từ Ukraine, làm đổ ngũ cốc xuống đường ray tại một cửa khẩu hôm 20/2, khiến các quan chức ở cả 2 nước lên án. Đã có hơn 200 cuộc biểu tình được ghi nhận trên khắp Ba Lan chỉ trong ngày 20/2.
Các diễn biến nêu bật căng thẳng ngày càng leo thang giữa 2 quốc gia láng giềng ở Đông Âu về tác động của hàng hóa nhập khẩu đối với cộng đồng nông dân địa phương.
Cần các giải pháp song phương và toàn châu Âu
Bộ trưởng Nông nghiệp Ukraine Mykola Solskyi và người đồng cấp Ba Lan Czeslaw Siekierski đã gặp nhau hôm 21/2 trong nỗ lực tìm kiếm một thỏa thuận nhưng không đạt được nhiều tiến triển.
Chính phủ Ukraine hiện đang lên kế hoạch xây dựng một tuyến đường bổ sung qua sông Danube để chuyển hướng các chuyến hàng ngũ cốc nhằm bảo vệ nguồn thu nhập chính của quốc gia hiện đang chìm trong xung đột với Nga.
“Các cuộc đàm phán rất khó khăn và chúng tôi không đạt được bất kỳ tiến triển nhanh chóng nào”, Thứ trưởng Nông nghiệp Ba Lan Michal Kolodziejczak nói với Polsat News. “Tiếng nói của Ủy ban châu Âu và Chủ tịch của ủy ban này sẽ rất quan trọng ở đây”.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hôm 21/2 cho biết trên mạng xã hội rằng ông hy vọng tổ chức một cuộc gặp ở biên giới giữa ông với Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk và một đại diện EU trước thềm dấu mốc kỷ niệm 2 năm ngày Nga đưa quân vào Ukraine (24/2/2022 - 24/2/2024) để giải quyết tình hình đáng lo ngại hiện tại.
“Chúng ta đã có đủ hiểu lầm rồi. Chúng ta không nên hạ nhục nhau, chúng ta không nên hạ nhục nông dân Ukraine hay Ba Lan. Chúng ta cần sự đoàn kết. Chúng ta cần các giải pháp – song phương, giữa Ukraine và Ba Lan, và ở cấp độ toàn châu Âu”, ông Zelensky cho biết trong một tuyên bố.
Trước đó cùng ngày 21/2, nhà lãnh đạo Ukraine đã tổ chức một cuộc họp với các Bộ trưởng của ông, trong đó việc biên giới bị phong tỏa là chủ đề chính. Trên Telegram, ông Zelensky nhấn mạnh rằng việc tự do hóa thương mại giữa Ukraine và EU nên tiếp tục, đồng thời cảm ơn EC vì “quan điểm rõ ràng” về vấn đề này.
Các cuộc biểu tình đặt ra thách thức đối với Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk, người chỉ vài tuần sau khi nhậm chức hồi tháng 12 năm ngoái đã phải tìm cách dập tắt cuộc phong tỏa biên giới kéo dài hàng tháng của các tài xế xe tải Ba Lan.
Chính phủ của ông Tusk giờ đây đang phải cố gắng cân bằng giữa việc xoa dịu một nhóm có quyền lực chính trị ở Ba Lan trong khi không làm gián đoạn viện trợ thiết yếu cho Kiev khi Ukraine đang rơi vào tình cảnh khó khăn do thiếu viện trợ quân sự từ Mỹ.
Trong khi EC đã đề xuất các biện pháp tự vệ đối với hàng nhập khẩu từ Ukraine, Thứ trưởng Nông nghiệp Ba Lan Kolodziejczak cho biết, Warsaw muốn EU đưa ra hạn ngạch trên toàn khu vực đối với một số sản phẩm khác nữa của Ukraine.
Trước khi được bổ nhiệm vào Chính phủ hiện tại do ông Tusk dẫn dắt, ông Kolodziejczak là người đã lãnh đạo các cuộc biểu tình nông dân hồi năm ngoái buộc Chính phủ tiền nhiệm phải áp đặt lệnh cấm đối với ngũ cốc Ukraine.
Những diễn biến đáng quan ngại sâu sắc
Các chuyến hàng ngũ cốc hiện chỉ có thể quá cảnh qua Ba Lan trên đường đến các cảng trên Biển Baltic hoặc các nơi khác ở châu Âu. Nhưng nông dân Ba Lan đã yêu cầu Chính phủ đóng cửa biên giới đối với các sản phẩm thực phẩm khác, bao gồm đường và trái cây đông lạnh. Họ khẳng định phần lớn nông sản nhập khẩu có chất lượng thấp hoặc được vận chuyển trái phép.
Việc phong tỏa biên giới đang làm tổn hại đến khả năng tự vệ của Ukraine khi quốc gia Đông Âu này đang chờ đợi nguồn cung thiết yếu từ các đồng minh để sử dụng trong cuộc chiến chống lại Nga, một quan chức cấp cao cho biết trong tuần này.
Chính phủ Ba Lan đã bác bỏ tuyên bố trên, nói rằng việc chuyển giao viện trợ quân sự và các nhu yếu phẩm khác tới Ukraine vẫn đang diễn ra dưới sự hộ tống của cảnh sát.
Nhưng các cuộc biểu tình đang bắt đầu ảnh hưởng đến tâm trạng công chúng. Ví dụ, một tấm biển trên máy kéo của người biểu tình Ba Lan có nội dung kêu gọi Tổng thống Nga Vladimir Putin đến để giải quyết ổn thỏa mọi việc ở Ukraine. Điều này đã gây ra sự phẫn nộ và thúc đẩy lời kêu gọi tẩy chay hàng hóa Ba Lan trên mạng xã hội.
Bộ Ngoại giao Ba Lan hôm 21/2 bày tỏ quan ngại sâu sắc về những gì họ mô tả là những khẩu hiệu chống Ukraine và ủng hộ Nga tại các cuộc biểu tình của nông dân, và cho rằng đây là một hành động khiêu khích của Moscow.
Thứ trưởng Nông nghiệp Ukraine Taras Vysotskyi cho biết, các cuộc phong tỏa hôm 21/2 tiếp tục ảnh hưởng đến cửa khẩu biên giới chính với Ba Lan tại Yahodyn-Dorohusk. Tại 4 cửa khẩu khác, người biểu tình Ba Lan chỉ cho phép 3 xe tải đi qua mỗi giờ, theo ông Demchenko, người phát ngôn Lực lượng Biên phòng Ukraine.
“Rõ ràng là Ukraine muốn tìm thị trường cho các sản phẩm gần biên giới của mình”, Thứ trưởng Ba Lan Kolodziejczak nói. “Nhưng cần phải rõ ràng với tất cả chúng ta, kể cả Ukraine, rằng thị trường Ba Lan quá nhỏ cho những sản phẩm đó”.
Trong nỗ lực hồi đáp những lo ngại của nông dân, các quốc gia thành viên EU hôm 21/2 đã ủng hộ các đề xuất từ Brussels về “các biện pháp phòng vệ” nhằm ngăn chặn hàng nông sản nhập khẩu giá rẻ của Ukraine tràn ngập thị trường và hạ giá các sản phẩm của Ba Lan.
Đề xuất của EC đưa ra “hành động khắc phục nhanh chóng trong trường hợp có sự gián đoạn đáng kể đối với thị trường EU”.
Đối với những sản phẩm nhạy cảm nhất – gia cầm, trứng và đường – một biện pháp “phanh khẩn cấp” sẽ được sử dụng để ngăn chặn lượng nhập khẩu trong tương lai tăng vượt quá khối lượng trung bình của năm 2022 và 2023.
Sau khi được đa số các quốc gia thành viên “bật đèn xanh”, đề xuất này sẽ phải được đem ra đàm phán tại Nghị viện châu Âu (EP) trước khi có hiệu lực.
Minh Đức (Theo Bloomberg, DW, Al Jazeera)