Triều Tiên đã phát triển vượt bậc về tên lửa, hạt nhân?
Triều Tiên đã phóng đi 22 quả tên lửa các loại với 15 cuộc thử nghiệm khác nhau diễn ra trong năm 2017.
Theo nguồn tin tình báo Mỹ, trong cuộc thử nghiệm gần đây nhất Triều Tiên đã kích nổ một thiết bị hạt nhân nặng 140 kiloton mà họ tuyên bố là bom hydro.
Quả bom này có sức công phá mạnh gấp 10 lần quả bom nguyên tử mà Mỹ đã ném xuống thành phố Hiroshima trong Chiến tranh thế giới thứ hai.
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc đã liên tục lên án hành động phóng tên lửa đạn đạo của Triều Tiên là vi phạm nghiêm trọng các quyết nghị của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump cam kết sẽ đưa ra những biện pháp trừng phạt mới chống lại Triều Tiên mà trọng tâm là nhắm vào những doanh nghiệp, cá nhân và các tổ chức tài chính giúp đỡ quốc gia này.
Ngay sau đó, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc cũng bắt đầu thực hiện những lệnh trừng phạt hà khắc mà Liên Hợp Quốc đã đưa ra đối với Bình Nhưỡng.
Những vụ thử tên lửa được thực hiện dưới sự chỉ đạo trực tiếp của ông Kim Jong-un nhằm thể hiện ưu thế của Triều Tiên trước Mỹ và các đồng minh.
Đây chính là một phần trong chiến lược mà Iran đã từng áp dụng: Tiến gần tới việc phát triển vũ khí hạt nhân để khiến các quốc gia khác phải chấp nhận đàm phán.
Nhưng ngoài việc phát triển năng lượng hạt nhân, một vấn đề nghiêm trọng khác cũng làm “đau đầu” nước Mỹ và các đồng minh đó chính là khả năng thực hiện những vụ tấn công mạng từ phía Triều Tiên.
Triều Tiên đã đầu tư rất mạnh vào các hoạt động tấn công mạng nhằm vào các nước phương Tây. Một số cơ quan tình báo châu Âu cáo buộc cơ quan tình báo Triều Tiên (được biết đến với cái tên là Tổng cục Trinh sát) đã thực hiện vụ tấn công vào Tập đoàn Sony hồi năm 2014. Họ cũng được cho là phải chịu trách nhiệm về vụ lừa đảo trên mạng tại Ngân hàng Trung ương Bangladesh và vụ phát tán mã độc WannaCry hồi đầu năm nay.
Lực lượng gián điệp mạng của Bình Nhưỡng hoạt động với chi phí thấp nhưng lại thu được hiệu quả rất cao. Họ thực hiện những vụ tấn công mạng trên khắp thế giới với mục tiêu làm gián đoạn hệ thống mạng của phương Tây và hack tiền điện tử (bitcoin).
Trong đó, các tổ chức tài chính luôn là mục tiêu hàng đầu vì Triều Tiên phải dồn một nguồn ngân sách lớn để hỗ trợ chương trình tên lửa của mình. Do đó, nếu Triều Tiên hack được càng nhiều tiền thì sức mạnh quân sự của họ cũng càng được nâng cao.
Có cuộc chiến ngầm trên Internet?
Mặc dù tình trạng thất nghiệp trầm trọng và điều kiện sống của nhân dân còn nhiều khó khăn, Triều Tiên vẫn hết sức quan tâm đầu tư đào tạo về khoa học, công nghệ cho một bộ phận công dân để đưa họ vào làm việc trong các cơ quan tác chiến mạng của quân đội, một trong những công việc được coi là cao cấp nhất tại đất nước này.
Các chuyên gia an ninh đã nhận định số lượng nhân viên trong các cơ quan này đã lên đến hàng nghìn người. Và những sinh viên thường là đối tượng được tuyển chọn tham gia vào lực lượng ưu tú này.
Trong khi hầu hết các công dân Triều Tiên chỉ thực hiện nghĩa vụ quân sự trong một thời hạn nhất định, những người đã tham gia vào lực lượng gián điệp mạng sẽ vẫn phải tiếp tục nhiệm vụ của mình, thậm chí là làm việc với một cường độ cao khi chính quyền cần tới sự giúp đỡ của họ.
Được biết, đến nay Triều Tiên đã xây dựng được một đội quân tác chiến mạng chuyên biệt, được tổ chức chặt chẽ và luôn trong trạng thái sẵn sàng. Mục tiêu thường xuyên nhất của họ là người láng giềng Hàn Quốc.
Theo các chuyên gia khi những áp lực từ phía phương Tây nhằm phá hoại chương trình hạt nhân của Triều Tiên ngày gia tăng, ông Kim Jong-un sẽ vẫn tiếp tục phát triển khả năng tấn công mạng của nước mình như là một biện pháp đáp trả.
Mục đích của những vụ tấn công như vậy không chỉ dừng lại ở việc ăn cắp một vài tài khoản ngân hàng, hay thông tin cá nhân của một ai đó mà thậm chí còn có thể là đánh sập các nguồn truyền tải điện năng, các nguồn cung cấp nước và vô hiệu hóa các tháp điều khiển không lưu khiến máy bay không thể hạ cánh an toàn.
Các nhà phân tích nhận định, để có thể đối phó với những vụ tấn công mạng của Triều Tiên, Mỹ cần phải tăng cường đầu tư cho việc đảm bảo hệ thống an ninh mạng đối với những cơ sở hạ tầng thiết yếu, đặc biệt là hệ truyền tải điện và hệ thống tài chính của nước này.
Có thể nói, dù ở Triều Tiên hay bất kỳ nơi nào khác, những cuộc xung đột sẽ không chỉ diễn ra trên mặt trận vũ trang mà còn một cuộc chiến khác trên mặt trận không gian mạng.
Bên cạnh chương trình hạt nhân, những cuộc tấn công mạng cũng chính là một thứ vũ khí hữu dụng mà Triều Tiên đã sử dụng một cách hiệu quả để đối phó với phương Tây trong những năm gần đây và có thể vẫn sẽ tiếp tục trong tương lai.
Xem thêm: Sau khi nói Mỹ "tuyên chiến", Triều Tiên bất ngờ có động thái mới hướng về Nga
Mạnh Thương