Mỹ hãy thận trọng với "gấu Nga" và "gã khổng lồ" Trung Quốc
Sau khi Bình Nhưỡng tiến hành thử tên lửa hồi đầu tháng, Lầu Năm Góc đã điều nhóm tàu sân bay USS Carl Vinson đến gần bán đảo Triều Tiên.
Theo sau tàu Carl Vinson là các tàu hộ tống gồm một tàu tuần dương tên lửa dẫn đường USS Lake Champlain và hai tàu khu trục là USS Wayne E. Meyer và USS Michael Murphy.
Tuy nhiên, mới đây, Nga và Trung Quốc đã điều các tàu do thám thu thập thông tin tình báo để theo dõi sát mọi hoạt động của nhóm tàu sân bay này.
Giới quan sát đánh giá, việc Nga và Trung Quốc điều tàu để theo dõi tàu sân bay Mỹ là để tìm hiểu động thái quân sự từ phía Mỹ đối với Triều Tiên.
Nhưng cũng không loại trừ khả năng các tàu trên bí mật tới Thái Bình Dương nhằm "gửi tín hiệu cảnh báo đến Mỹ".
Động thái mới đây của Nga–Trung như phát đi thông điệp cảnh báo tới Washington, Moscow và Bắc Kinh sẽ không để Mỹ tự ý hành động nhằm giải quyết vấn đề Triều Tiên.
Lịch sử gắn bó lâu dài
Trung Quốc là một cường quốc châu Á với các tham vọng toàn cầu. Nga gần đây đã khởi động trục xoay hướng về châu Á.
Trung Quốc và Nga thiết lập quan hệ đối tác chiến lược vào cuối những năm 1990 khi Mỹ duy trì hệ thống đơn cực.
Tuy nhiên, mối quan hệ đối tác này chỉ được coi là "trục tiện ích" trong lúc cả hai nước đều hướng tới việc cải thiện quan hệ với Mỹ kể cả lúc công khai tuyên bố chống bá quyền.
Quan hệ đối tác chiến lược giữa Nga và Trung Quốc đơn giản chỉ là công cụ ngoại giao của cả hai nước trong cuộc cạnh tranh thu hút sự chú ý từ Mỹ sau Chiến tranh Lạnh.
Trung Quốc và Nga trước nay đều ưu tiên sự ổn định tại bán đảo Triều Tiên, nên không ngạc nhiên khi cả Moscow và Bắc Kinh lo ngại trước lập trường cứng rắn của Washington với Bình Nhưỡng.
Sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ cân nhắc các biện pháp quân sự nhằm vào Triều Tiên trong bối cảnh xuất hiện ngày càng nhiều thông tin cho rằng Bình Nhưỡng sắp tiến hành một vụ thử hạt nhân mới, cả Trung Quốc và Nga đều bày tỏ quan ngại. Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho biết vấn đề có thể được giải quyết bằng biện pháp hòa bình thông qua nỗ lực chính trị và ngoại giao.
“Vấn đề căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên cần được giải quyết một cách hòa bình thông qua các biện pháp chính trị và ngoại giao”, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov tuyên bố.
Trong buổi họp báo trực tuyến ngày 14/4, người phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskov cũng khẳng định, Moscow đang dõi theo diễn biến căng thẳng leo thang ở bán đảo Triều Tiên với mối quan ngại sâu sắc.
Ông Peskov nhấn mạnh, Nga kêu gọi tất cả các nước liên quan kiềm chế mọi hành động có thể dẫn đến các bước đi gây hấn.
Trước sự leo thang căng thẳng ở Triều Tiên, Trung Quốc cũng tìm kiếm sự giúp đỡ của Nga để làm dịu tình hình. Trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Nga ngày 14/4, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cho biết, mục tiêu chung của hai quốc gia là "đưa tất cả các bên trở lại bàn đàm phán".
"Trung Quốc sẵn sàng phối hợp chặt chẽ với Nga để giúp bình ổn nhanh nhất có thể tình hình trên bán đảo Triều Tiên và khuyến khích các bên liên quan tiếp tục đối thoại", ông Vương nói với Lavrov, đề cập đến các cuộc đàm phán 6 bên đã bị đình trệ về chương trình hạt nhân của Triều Tiên, có sự tham gia của Nga, Trung Quốc và Mỹ.
Ông Tập Cận Bình có thể đã có biện pháp hành động trước sức ép từ phía ông Trump, bằng cách đe dọa sẽ cắt đứt các tuyến tiếp tế năng lượng và hệ thống tài chính quốc tế, hai mạch máu quan trọng của Triều Tiên. Tuần trước, nhiều tàu chở than Triều Tiên được cho là đã phải quay về cảng sau khi Trung Quốc đột ngột ngừng nhập khẩu than của nước này.
Sau khi Triều Tiên tổ chức duyệt binh quy mô lớn, truyền thông Trung Quốc đăng nhận định, đã đến lúc Mỹ và Triều Tiên nhắm đến một "cuộc mặc cả lớn".
"Cuộc mặc cả này là đúng đắn, nhưng cần phải được thực hiện dưới sự tác động của Trung Quốc đến Triều Tiên, nếu không Mỹ sẽ phải sử dụng đến lá bài còn lại trên bàn: Một cuộc tấn công quân sự", ông Litwak chuyên gia tại trung tâm Học giả Quốc tế Woodrow Wilson nhận định.
Xem thêm >> Cận cảnh lực lượng đặc biệt 'chống ám sát' của Triều Tiên
Đào Vũ