Vì sao lại là Guam?
Triều Tiên lại đe dọa tấn công tên lửa vào đảo Guam sau khi không quân Mỹ điều máy bay ném bom B-1B tới Thái Bình Dương. Động thái của Bình Nhưỡng cũng chính là hành động đáp trả cho tuyên bố cứng rắn của Tổng thống Mỹ Donald Trump rằng, Triều Tiên sẽ đối diện với “hỏa lực và sự phẫn nộ” nếu thực hiện thêm bất kỳ mối đe dọa nào.
Hãng thông tấn KCNA của Triều Tiên dẫn tuyên bố của Tướng Kim Rak Gyom cho biết, lực lượng chiến lược của quân đội nhân dân Triều Tiên (KPA) đang “xem xét một cách nghiêm túc kế hoạch tấn công bao trùm đảo Guam bằng loạt 4 tên lửa đạn đạo chiến lược tầm trung, nhằm tiêu diệt lực lượng kẻ thù ở căn cứ quân sự chính này cũng như gửi thông điệp cảnh cáo tới Mỹ”.
Theo đó, 4 tên lửa Hwasong-12 sẽ được bắn "nhằm ngăn chặn lực lượng kẻ thù tại các căn cứ quân sự ở Guam". Các tên lửa này sẽ bay qua không phận các tỉnh Shimane, Hiroshima và Koichi của Nhật Bản, với hành trình 3.356,7km và đáp xuống cách Guam khoảng 30 - 40km. Kế hoạch tấn công đảo Guam của Triều Tiên được thực hiện vào “giữa tháng Tám và đã báo cáo cho Tổng tư lệnh Lực lượng hạt nhân Triều Tiên, chỉ đợi mệnh lệnh của ông”.
Có nhiều lý do khiến đảo Guam của Mỹ trở thành mục tiêu tấn công hàng đầu của Triều Tiên. Trước hết, đó là vị trí đặc biệt của hòn đảo nhỏ bé này. Với diện tích rộng 337km nằm trong quần đảo Marianas ở Tây Thái Bình Dương, có dân số 162.000 người, Guam cách lục địa Bắc Mỹ tới 9.420km, trong khi chỉ cách Thủ đô Bình Nhưỡng của Triều Tiên khoảng 3.410km.
Với vị trí này, Guam hoàn toàn nằm trong tầm bắn của tên lửa đạn đạo tầm xa (IRBM) và cho phép Triều Tiên tấn công hiệu quả vào "lãnh thổ Mỹ" trên danh nghĩa. Bởi vậy, Guam được xem là “miếng mồi ngon” với Bình Nhưỡng.
Về mặt chiến lược, Guam là nơi có những căn cứ quân sự lớn, hiện đại nhất của Washington bên ngoài lục địa Mỹ mà từ đây Washington có thể phát động chiến dịch quân sự nhằm vào Bình Nhưỡng.
Trong đó, đáng kể nhất là căn cứ không quân Andersen với khả năng triển khai lâu dài lực lượng oanh tạc cơ chiến lược B-1B, B-2 và B-52 của không quân Mỹ. Đây là một trong những vũ khí Mỹ có khả năng uy hiếp trực tiếp đến Triều Tiên trong nhiều năm qua.
Ngoài ra, Andersen cũng là nơi đồn trú của các phi đội chiến đấu cơ và máy bay tiếp liệu phục vụ đòn đánh tầm xa nhằm vào Triều Tiên.
Đảo Guam cũng là nơi đặt căn cứ tàu ngầm chiến lược Apra của hải quân Mỹ. Bốn tàu ngầm hạt nhân tấn công lớp Los Angeles, mỗi tàu trang bị hàng chục tên lửa hành trình Tomahawk với tầm bắn 3.100km, đều đóng quân tại đây. Chúng có thể bất ngờ tiến hành chiến dịch không kích quy mô lớn, nhằm vô hiệu hóa ban lãnh đạo và hệ thống phòng thủ của Triều Tiên.
Guam phòng thủ thế nào?
Với vị trí địa chiến lược quan trọng như vậy, Mỹ đã bố trí một hệ thống phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) với 48 tên lửa đánh chặn và hệ thống radar AN/TPY-2 tới Guam từ tháng 4/2013. Điều này có thể bảo vệ Guam khỏi mối đe dọa từ tên lửa MRBM và ICBM Triều Tiên.
Hòn đảo ở Thái Bình Dương này từng được Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Aston Carter thời Tổng thống Barack Obama gọi là “trung tâm chiến lược quan trọng của quân đội Mỹ ở Tây Thái Bình Dương”.
Việc Triều Tiên đe dọa tấn công Guam không chỉ động chạm tới trung tâm lợi ích Mỹ trong khu vực, mà còn động tới nỗi bất an trong lòng những người dân Guam vốn không muốn có sự hiện diện của binh sĩ Mỹ tại đây.
Tuy nhiên, Washington đã áp dụng nhiều biện pháp để bảo vệ căn cứ quan trọng nhất tại Tây Thái Bình Dương, khiến Bình Nhưỡng khó có thể tấn công Guam một cách dễ dàng, giới chuyên gia nhận định.
Trong khi đó, Sputnik dẫn nguồn thạo tin quân sự nói rằng, Mỹ đã chuẩn bị sẵn sàng cho một cuộc tấn công phủ đầu nhằm vào 20 địa điểm phóng tên lửa của Triều Tiên.
Các đồng minh của Mỹ trong khu vực, gồm Nhật Bản và Hàn Quốc, cũng tuyên bố sẵn sàng đối phó nếu Triều Tiên tấn công Mỹ.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis cảnh báo, chiến tranh với Triều Tiên sẽ "thảm khốc": "Bi kịch của chiến tranh đã được biết rõ, không cần mô tả bằng gì khác ngoài thảm khốc". Ông Mattis cho biết, nhiệm vụ và trách nhiệm của ông là chuẩn bị sẵn sàng các lựa chọn quân sự "cần thiết". Tuy nhiên, ông nhấn mạnh những nỗ lực hiện tại của Mỹ tập trung vào ngoại giao.
Xem thêm >> Mâu thuẫn Trung-Ấn: Căng hơn dây đàn
Đ.V