Mỹ bất ngờ hoan nghênh cuộc họp bí mật
Căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên tiếp tục leo thang và gây nhiều lo ngại khi Bình Nhưỡng được cho là đã di chuyển tên lửa khỏi cơ sở chế tạo. Ngày 29/9, đài KBS của Hàn Quốc đưa tin, Triều Tiên mới đây đã di chuyển một số tên lửa khỏi một cơ sở ở Thủ đô Bình Nhưỡng.
Giới chức tình báo Mỹ và Hàn Quốc đã phát hiện các tên lửa được di chuyển khỏi trung tâm nghiên cứu và phát triển tên lửa của Triều Tiên ở khu vực Sanum-dong, phía Bắc Thủ đô Bình Nhưỡng. Cơ sở nói trên được Triều Tiên sử dụng để chế tạo các tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM). Những tên lửa trên có thể là loại ICBM Hwasong-14 hoặc Hwasong-12 tầm trung.
Điều đáng nói, khi căng thẳng lên tới đỉnh điểm, Triều Tiên được cho là bí mật cử phái đoàn sang điện Kremlin để tìm giải pháp, một động thái chắc chắn khiến Mỹ lưu tâm.
Những chiếc ô tô mang biển số ngoại giao của Đại sứ quán Triều Tiên đã có mặt tại nhà khách của bộ Ngoại giao Nga ở phố Spiridonovka, Thủ đô Moscow trong ngày 29/9.
Tham dự cuộc họp, phía Nga do Đại sứ Oleg Burmistrov, một trong những Cố vấn cấp cao của Tổng thống Nga Vladimir Putin dẫn đầu. Về phía Bình Nhưỡng, đại diện là bà Choe Son-hui, người đứng đầu phòng Các vấn đề Mỹ của bộ Ngoại giao Triều Tiên.
Tại cuộc gặp kéo dài 5 giờ này, hai bên đã trao đổi quan điểm về nhiều vấn đề cùng quan tâm như tình hình trên bán đảo Triều Tiên và quan hệ song phương. Bà Choe Son-hui đã nhấn mạnh, Mỹ cần phải ngừng chính sách thù địch đối với Triều Tiên nhằm tháo ngòi cho tình trạng căng thẳng và đảm bảo hòa bình cũng như an ninh trên bán đảo Triều Tiên cũng như khu vực Đông Bắc Á.
Người phát ngôn bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharov xác nhận thông tin cuộc gặp, nhưng từ chối cung cấp thêm chi tiết. Có điều dù cho Tổng thống Mỹ có những phản ứng mạnh về vấn đề Triều Tiên trong thời gian gần đây, nhưng phản ứng của Washington về sự kiện trên không gay gắt, thậm chí tỏ ra rất hoan nghênh.
“Tôi không thể xem đó là điều xấu. Ngoại giao là cách tiếp cận ưa thích của chúng tôi. Nếu Nga có thể thành công trong việc đưa Triều Tiên đi theo hướng tốt hơn, chắc chắn chúng tôi sẽ hoan nghênh điều đó”, người phát ngôn bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert tuyên bố.
Bàn cờ chính trị
Nhiều nhà quan sát phân tích, chuyến thăm Nga của bà Choe Son-hui là một phần của ý định của Nga trong việc đóng một vai trò lớn hơn trong các nỗ lực giải quyết tình trạng đối đầu liên quan đến chương trình hạt nhân của Triều Tiên.
Ngay sau khi cuộc gặp giữa hai bên kết thúc, bộ Ngoại giao Nga cho biết, Moscow sẵn sàng phối hợp với Bình Nhưỡng nhằm tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng tên lửa Triều Tiên. "Phía Nga khẳng định sẵn sàng kết hợp các nỗ lực có lợi cho việc tìm cách thức để giải quyết các vấn đề trong khu vực thông qua những biện pháp hòa bình, chính trị và ngoại giao", tuyên bố của bộ Ngoại giao Nga có đoạn.
Nga đã từng công khai ý định giữ vai trò trung gian đàm phán giảm căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên. Trong điện đàm với tân Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in hồi tháng Năm, Tổng thống Putin đã hứa hẹn Nga sẵn sàng giữ vai trò xây dựng để tìm giải pháp cho vấn đề hạt nhân Triền Tiên và hợp tác hơn nữa với Hàn Quốc.
Trong khi Triều Tiên liên tục cho thấy, sự tiến bộ trong chương trình phát triển vũ khí hạt nhân của nước này và đối mặt với các biện pháp trừng phạt ngày càng mạnh tay từ cộng đồng quốc tế, Bình Nhưỡng được cho là vẫn nhận được sự hỗ trợ từ Nga. Không chỉ xoá tới 90% khoản tiền 11 tỷ USD mà Triều Tiên nợ Nga từ thời Liên Xô, Moscow còn là một trong những nước viện trợ lương thực lớn nhất cho quốc gia bí ẩn.
Nga cũng thường tìm cách giúp đỡ làm nhẹ bớt các lệnh trừng phạt của cộng đồng quốc tế đối với Bình Nhưỡng.
Theo giới nhận định, việc Nga muốn hỗ trợ Triều Tiên cũng như tham gia vào các vấn đề quốc tế là nhằm khẳng định vị thế của Moscow. Mặc dù Tổng thống Putin gần đây lên tiếng phản đối các vụ thử hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên, song ông chủ Điện Kremlin cũng tuyên bố không ủng hộ giải pháp quân sự nhằm vào Bình Nhưỡng, vì lo ngại điều này sẽ dẫn tới “thảm kịch toàn cầu”.
Nga từ lâu đã theo đuổi lập trường chống lại toan tính lật đổ chế độ Triều Tiên của Mỹ. Bằng cách bảo vệ Triều Tiên trước sức ép của Mỹ, Nga có thể khẳng định vai trò của nước này, như một nhân vật chủ chốt trên bàn cờ chính trị quốc tế. “Nga có thể không thích những gì Triều Tiên đang làm, nhưng bằng cách duy trì lập trường này (ủng hộ Triều Tiên), Nga sẽ trở thành một nhân vật có vị thế trên trường quốc tế và đây chính là một trong những mục tiêu của họ”, chuyên gia cấp cao tại trung tâm Nghiên cứu chính sách đối ngoại Clint Watts nhận định.
Bằng việc nắm giữ vai trò quan trọng với vấn đề Triều Tiên, Nga có thể tạo uy thế và mặc cả với Mỹ những điều mà nước này mong muốn ở Washington.
Và mặc cho dư luận thế giới lo lắng, nghi ngại về một cuộc chiến tranh, thậm chí là chiến tranh hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, Nga luôn tự tin rằng điều này sẽ không xảy ra.
Xem thêm >> Động thái bất ngờ “chưa từng có” của Mỹ với Triều Tiên giữa căng thẳng leo thang
V.T.H